Hiện nay, nhiều trường ĐH top đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu nhưng có những trường ĐH thiếu hàng ngàn chỉ tiêu - đây cũng là sự biến động trong việc lựa chọn học ĐH hay học nghề của các học sinh.

Tuyển sinh ĐH 2022: Trường top đầu tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều học sinh theo học trường nghề

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 02/10/2022, 12:19

Hiện nay, nhiều trường ĐH top đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu nhưng có những trường ĐH thiếu hàng ngàn chỉ tiêu - đây cũng là sự biến động trong việc lựa chọn học ĐH hay học nghề của các học sinh.

Các trường ĐH top đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu

Kết thúc thời gian xác nhận nhập học theo quy định, tỷ lệ xác nhận nhập học của thí sinh ở các trường đại học công lập khá cao, đặc biệt là các trường ĐH top đầu. Năm 2022 có hơn 300 cơ sở đào tạo (bao gồm các trường đại học và cao đẳng) tham gia xét tuyển, với 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), hơn 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng. Trao đổi với phóng viên, trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết trường đã tuyển sinh đạt đủ chỉ tiêu ở các ngành. Năm nay, trường có hơn 2.200 tân sinh viên ở 48 chương trình đào tạo đại học chính quy.

Tại Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ở các ngành và tân sinh viên sẽ bắt đầu chương trình học chính thức của năm mới từ ngày 5.10. Trước đó, từ ngày 26.9 nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu khóa cho tân sinh viên.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) có tỷ lệ xác nhận nhập học đạt 100% số thí sinh trúng tuyển. Dù có 2 ngành tuyển chưa đủ chỉ tiêu dự kiến nhưng vẫn đảm bảo từ 40 sinh viên mỗi ngành nên trường không xét tuyển bổ sung. Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất việc nhập học, trường bắt đầu năm học mới trong tuần tới.

le-quy-don-5.jpg
Nhiều học sinh đến để nghe tư vấn việc lựa chọn giữa các trường ĐH và việc học nghề

Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh chưa trúng tuyển hoặc trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học, vẫn còn cơ hội tham gia xét tuyển bổ sung vào các trường này. Tuy nhiên, ở đợt xét tuyển bổ sung này, tùy trường, tùy ngành có yêu cầu, phương thức xét tuyển khác nhau. Thí sinh cần theo dõi thông tin và hướng dẫn cụ thể của từng trường khi đăng ký xét tuyển bổ sung.

Các chuyên gia giáo dục cũng lưu ý rằng các em học sinh để nguyện vọng vào các trường tốp đầu để thử sức mình dù ngành học không yêu thích, nhưng ở nguyện vọng 2, 3 thì để ở những ngành học thuộc các trường tốp dưới thì cũng cần cẩn trọng. Năm nay nhiều trường tuyển sinh đợt 2 nhưng cũng vì thế cơ hội cho những em chưa trúng tuyển đợt 1 hay tìm kiếm ngành học mình yêu thích ở trường khác rõ ràng lớn hơn nhiều. Thí sinh nên tìm hiểu kỹ về đặc điểm các ngành học, học phí, nơi đào tạo… để chọn lựa sao cho đúng nhất. Quan trọng hơn, các em cần tận dụng tối đa quyền đăng ký nhiều nguyện vọng trong đợt xét tuyển bổ sung này để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Ttính đến sáng 30.9 (ngày kết thúc đợt 1 xét tuyển) đã có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Các năm trước con số tối đa là 63%. Riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học. Đây là tín hiệu tích cực trong việc lọc ảo và minh bạch hóa công tác tuyển sinh giữa các trường. Theo Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh được bảo đảm cơ hội trúng tuyển tối đa khi được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn. Các thí sinh được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn, không còn tình trạng gửi giấy báo trúng tuyển tràn lan tới thí sinh. Các trường đại học được bảo đảm cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm, các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu.

Các học sinh chủ động theo học nghề, xác định phương hướng công việc

Năm nay là năm đầu tiên có hơn 320.000 thí sinh không xét tuyển đại học, thậm chí có nhiều học sinh có số điểm khá cao nhưng vẫn không chọn theo học ĐH mà chủ động chuyển sang học nghề, cao đẳng và trung cấp.

le-quy-don-4.jpg
Các trường CĐ nghề được các học sinh lựa chọn dù điểm thi tốt nghiệp THPT khá cao

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường năm nay giảm mạnh. Như các năm trước, trường nhận trên 10.000 nguyện vọng, nhưng năm nay chỉ còn hơn 4.000 hồ sơ, giảm hơn 50% so với các năm gần đây. Kể cả ngành được quan tâm nhiều nhất là Bác sĩ y khoa - điểm chuẩn cao nhất và thu hút nhiều thí sinh đăng ký nhất - tỷ lệ cũng giảm đáng kể. Điều này phần nào ảnh hưởng đến điểm chuẩn vào trường giảm. "Không riêng Đại học Y Hà Nội mà hầu hết các trường trong khối ngành Y dược đều bị giảm số lượng nguyện vọng xét tuyển vì nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất vẫn do học phí, điểm số. Do đó, việc một số trường Y đang tuyển bổ sung năm nay là điều dễ hiểu".

Ghi nhận tại trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội có rất nhiều thí sinh đến nhập học ở tại trường nghề này với điểm số khá cao từ 24-26 điểm. Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Năm nay trường có chỉ tiêu tuyển sinh là 500 hệ cao đẳng và 250 hệ trung cấp. Đầu tháng 9, nhà trường đã tuyển gần đủ, chỉ còn lại một ít chỉ tiêu ở các khoa sẽ tuyển dụng lác đác trong thời gian tới.

Theo khảo sát từ một số trường cao đẳng, do lối vào trường đại học rộng mở so với các năm, nên hầu hết học sinh thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã có 2-3 giấy xác nhận trúng tuyển từ trường đại học. Những em lựa chọn cao đẳng chủ yếu là do khó khăn về tài chính hoặc có ý định sẽ học nhanh để đi làm sớm.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết: Với sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19, các lĩnh vực như: Du lịch, y tế, logicstics, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm, nông nghiệp chất lượng cao... đang được người học quan tâm nhiều hơn. "Nếu chúng ta so sánh các con số tuyển sinh và nhu cầu trên thị trường lao động thì chỉ mang tính tương đối nhưng vẫn nhìn ra được con số các sinh viên ra trường làm không đúng ngành, đúng nghề. Sẽ có khoảng 30% thí sinh sau tốt nghiệp đại học làm trái ngành nghề hoặc phải tự đào tạo lại tại doanh nghiệp, điều này gây tốn ngân sách lại thất thoát về mặt giáo dục. Nên việc các đơn vị tư vấn ngành nghề cho học sinh trước khi thi tốt nghiệp, lựa chọn ngành nghề là vô cùng cần thiết".

Tại trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (Đồng Nai), ông Đặng Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết năm 2022, nhà trường đã tuyển sinh được số lượng lớn thí sinh có điểm số khá cao từ kỳ thi THPT 2022. "Các sinh viên theo học tại trường, nhà trường đều cam kết cơ hội việc làm 100% cho các học viên sau khi hoàn thành các khóa học. Đặc biệt, ngành Hàng không sau khi học năm thứ 2 sẽ được thực tập tại các sân bay và được hưởng 50-70% lương cơ bản… Nhiều ngành được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên không lo về đầu ra. Năm nay các trường Cao đẳng hay trường nghề có cơ hội tuyển được nhiều thí sinh có chất lượng và có điểm số thi tốt nghiệp THPT cao vì các em cũng đã xác định được phương hướng công việc tương lai của mình. Tâm lý của các em hiện nay không hẳn chọn trường có học phí rẻ, mà là chọn trường đúng với mục đích năng lực, định hướng của bản thân để ra trường dễ kiếm việc làm và giúp đỡ lại cho gia đình. Tâm lý học gì cũng được, miễn là "có tiếng" học đại học, đã có chiều hướng giảm nhiều.” - ông Đặng Quang Vinh cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh ĐH 2022: Trường top đầu tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều học sinh theo học trường nghề