Nhiều chuyên gia nhận định tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên hôm 21.4 vừa qua chỉ có thể khiến Mỹ và Nhật Bản ngạc nhiên, chứ khó có khả năng khiến hai quốc gia là đồng minh này xuất hiện rạn nứt.

Tuyên bố hạt nhân của Triều Tiên khiến quan hệ Mỹ - Nhật rạn nứt?

Cẩm Bình | 23/04/2018, 16:07

Nhiều chuyên gia nhận định tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên hôm 21.4 vừa qua chỉ có thể khiến Mỹ và Nhật Bản ngạc nhiên, chứ khó có khả năng khiến hai quốc gia là đồng minh này xuất hiện rạn nứt.

Khi Nhà Trắng bận rộn chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tokyo đã đề nghị Washington phải chú ý đến những quan ngại của mìnhvà đề cập chúng tại thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trong những tuần qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đặc biệt tập trung vào hai mục tiêu chính: đảm bảo ông Trump chuyển lời đến lãnh đạo Kim rằng vấn đề người Nhật bị bắt có phải được lập tức giải quyết, và lãnh đạo Mỹ sẽ không quên những tên lửa tầm trung/ngắn của Triều Tiên, vốn là mối đe dọa an ninh với Tokyo.

Ông Abe lo lắng bất chấp mối quan hệ rất thân thiết, Tổng thống Trump sẽ có thể đạt thỏa thuận với Bình Nhưỡng mà không thực hiện những gì đã hứa với Tokyo.

Nhưng lãnh đạo Nhật Bản đã đạt được nhiều hơn dự kiến khi có chuyến thăm Mỹ vào tuần trước. Tổng thống Mỹ mạnh mẽ cam kết sẽ nhắc đến vấn đề người Nhật bị bắt cóc cũng như gây áp lực buộc lãnh đạo Triều Tiên phải đồng ý bỏ tên lửa ở mọi tầm bắn.

Sau cuộc gặp của hai lãnh đạo Washington - Tokyo, chính quyền Trump ra tuyên bố: “Triều Tiên cần phải từ bỏ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt (không chỉ vũ khí hạt nhân mà còn cả vũ khí hóa học, sinh học) và chương trình tên lửa đạn đạo”.

Với những cam kết của Washington, nhiều chuyên gia nhận định giữa hai đồng minh Mỹ - Nhật hiện tại gần như không tồn tại bất kỳbất đồng nào.

Theo giáo sư Tetsuo Kotani của đại học Meikai: “Tôi không nghĩ giữa Washington với Tokyo có khoảng cách về vấn đề Triều Tiên, vì hai ông Trump và Abe vừa nhất trí phải đạt được một tiến trình phi hạt nhân hóa đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.

Tuy nhiên, trong lúc lãnh đạo Nhật có được cam kết “hơn dự kiến” từ Mỹ, Triều Tiên cũng tỏ ra khéo léo “hơn dự kiến” trong vận động ngoại giao. Bình Nhưỡng ngày 21.4 tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời đóng một bãi thử ở phía bắc nhằm tập trung theo đuổi phát triển kinh tế. Động thái này lập tức được Tổng thống Trump xem là “tin tốt” và “một tiến bộ lớn” trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Nhà phân tích Malcolm Davis thuộc Viện nghiên cứu Chính sách chiến lược Úc cho rằng: “Bình Nhưỡng rõ ràng đang khiến Seoul và Washington háo hức tham gia vào hai cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, nhưng những gì họ hứa thực hiện hiện nay không nhất thiết dẫn đến việc giải trừ hạt nhân trong dài hạn”.

Triều Tiên chỉ tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa, chứ không hề cam kết hủy bỏ kho vũ khí hiện có - Ảnh: The Japan Times

Triều Tiên trong quá khứ từng nỗ lực chia rẽ Mỹ và các đồng minh, bằng cách dùng những “mồi nhử” như tuyên bố hôm 21.4.

Vào năm 2007, khi tham gia đối thoại 6 bên, Bình Nhưỡng từng đồng ý đóng cửa toàn bộ cơ sở hạt nhân và công khai chương trình hạt nhân với một lộ trình cụ thể để nhận được viện trợ nhiên liệu dầu hoặc viện trợ kinh tế tương ứng. Nhưng sau đó, nước này lại tỏ thái độ lảng tránh khi bàn về những biện pháp xác minh việc thực hiện cam kết.

Tháng 4.2009, Triều Tiên rút khỏi đối thoại 6 bên nhằm phản đối những lệnh trừng phạt sau khi nước này tiến hành phóng thử tên lửa Taepodong-2 (được công bố là một phần của chương trình vũ trụ dân sự). Một năm sau, Bình Nhưỡng tiết lộ một cơ sở làm giàu uranium mới.

Giáo sư Stephen Nagy thuộc đại học quốc tế Christian đánh giá tuyên bố ngày 21.4 giống với những gì Triều Tiên sử dụng trước đây. Theo giáo sư, lãnh đạo Kim không hề nhắc gì đến từ bỏ năng lực vũ khí hiện tại, với nhiều tên lửa tầm trung/ngắn và các hệ thống tàu ngầm.

Tuy vậy, giáo sư Nagy cho rằng với cam kết mạnh mẽ mà Mỹ đưa ra với Thủ tướng Abe, cộng với tầm quan trọng của Nhật Bản với tư cách là đồng minh, Tổng thống Trump rất ít khả năng bỏ qua những quan ngại của Tokyo để đạt một thỏa thuận chỉ tập trung vào tên lửa tầm xa gây nguy hiểm cho Mỹ.

“Thách thức Triều Tiên đem lại không phải chỉ từ những tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang được đầu đạn hạt nhân. Tên lửa tầm trung/ngắn, cùng nhiều hệ thống vũ khí truyền thống, vũ khí sinh học, hóa học, nền tảng tàu ngầm sẽ tiếp tục đe dọa lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Không nhắc đến những vũ khí này trong thỏa thuận, sẽ khó có chuyện chính quyền Trump đồng ý”, theo ông Nagy.

Ông cũng đánh giá: “Rất may là những lợi ích quốc gia này (của Mỹ) trùng với của Nhật. Vì vậy, tôi không thấy rằng Tokyo bị cô lập trong vấn đề này”.

Cẩm Bình (theo The Japan Times)
Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyên bố hạt nhân của Triều Tiên khiến quan hệ Mỹ - Nhật rạn nứt?