Bắc Cực mà hóa rừng xanh thì Trái đất sẽ gặp nguy hiểm, nhưng rất may, tuần lộc đã xuất hiện và 'giải cứu' Trái đất.
Kiến thức - Học thuật

Tuần lộc 'giải cứu' Trái đất bằng việc phá rừng cây bụi ở Bắc cực

Anh Tú (theo BBC)20/12/2023 11:40

Bắc Cực mà hóa rừng xanh thì Trái đất sẽ gặp nguy hiểm, nhưng rất may, tuần lộc đã xuất hiện và 'giải cứu' Trái đất.

Càng gần Giáng sinh, hình ảnh về những chú tuần lộc kéo xe tuyết càng xuất hiện nhiều. Tuần lộc thực sự là những động vật đáng yêu và còn đáng yêu hơn nếu ta biết chúng đang thực hiện một công việc quan trọng vào thời điểm này trong năm.

Tất nhiên, đó không phải là việc kéo xe chở tuyết của ông già Noel đến các gia đình mà thực tế, chúng giúp đỡ chúng ta chống biến đổi khí hậu bằng cách ăn ngấu nghiến những cây bụi. Và như vậy, chúng giúp Bắc Cực níu giữ sự lạnh giá trong bối cảnh Trái đất bị nung nóng bởi hiệu ứng nhà kính.

Gian khó mưu sinh với tuần lộc

Tại Scandinavia, vào thời điểm này, chỉ quá giờ ăn trưa một chút, bóng tối đã buông xuống. Tiina Jeremejeff, một người chăn tuần lộc ở miền Bắc Phần Lan, nhảy lên một chiếc xe trượt tuyết để lùa đàn tuần lộc của gia đình ra ngoài kiếm ăn. Đàn tuần lộc thường bị nhốt trong chuồng vào mùa đông và cần có người quản lý khi được cho ra ngoài. Hơi thở của Jeremejeff gần như đông cứng ngay lập tức trong cái lạnh buốt giá với nhiệt độ là -15 độ C ở Kierinki, cách Vòng Bắc Cực 110km về phía bắc. Trong rừng, lớp tuyết đã bao phủ trắng xóa, dày đến 20cm.

Jeremejeff, một phụ nữ gốc Sami có tình yêu và công việc gắn bó chặt chẽ với nghề chăn nuôi tuần lộc. Chị cho biết: “Làm nghề chăn tuần lộc thật không hề dễ dàng. Khó khăn nhất là khí hậu khắc nghiệt mà chúng tôi vẫn phải ra ngoài cho chúng ăn dù trời có lạnh đến đâu”.

Giờ đây, công việc chăn tuần lộc càng có ý nghĩa khi bằng chứng mới xuất hiện cho thấy loài động vật này có thể đóng vai trò cơ bản trong việc giúp bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái ở Bắc Cực. Đó là những thứ tưởng vốn đơn giản như lớp tuyết trắng, khu rừng thưa với những bụi dâu mọc thấp, rêu và địa y (một sinh vật được hình thành bởi sự liên kết chặt chẽ giữa nấm và tảo) và trong những thứ cần bảo vệ trước biến đổi khí hậu còn có cả mùa đông lạnh giá. Nghiên cứu cho thấy rằng việc chăn thả tuần lộc trên thực tế có thể giúp chống lại một số tác động của biến đổi khí hậu ở Bắc Cực, nơi đang nóng lên nhanh hơn bốn lần so với phần còn lại của hành tinh.

Chăn tuần lộc là sinh kế của hơn 20 cộng đồng dân tộc bản địa ở Bắc Cực. Tổng cộng có khoảng 100.000 người tham gia chăn nuôi 2,5 triệu con tuần lộc được thuần hóa ở 9 quốc gia. Từ xa xưa và cho đến tận giờ, cộng đồng bản địa vẫn sử dụng tuần lộc để kéo xe, lấy da chúng làm quần áo và tất nhiên còn coi chúng là thực phẩm. Trong những tháng ấm, tuần lộc được thả đi lang thang tự do, ăn địa y và các loại thực vật khác, giẫm đạp lên mặt đất. Trong quá trình này, chúng ngăn chặn sự phát triển của cây bụi thân gỗ.

Vấn đề nan giải từ cây bụi

Cây bụi thực sự là vấn đề nan giải. Về cơ bản, sự phát triển của những cây thân gỗ cao diễn ra trước khi cảnh vật dần dần biến thành rừng. Về lý thuyết, cây bụi xuất hiện hay độ che phủ rừng nghe có vẻ đáng mơ ước, nhưng trong trường hợp ở Bắc Cực, chúng lại chẳng có gì hay ho cả. Cây bụi có thể xóa bỏ một hệ sinh thái cổ xưa đặc trưng bởi các khu rừng thưa, được gọi là rừng phương bắc và vùng lãnh nguyên Bắc Cực không có cây cối. Cây bụi cũng có thể làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu, vì nghiên cứu cho thấy cây bụi giữ nhiệt làm tan lớp băng vĩnh cửu và làm ấm vùng lãnh nguyên.

Nghiên cứu cho thấy, sự nóng lên toàn cầu trên thực tế đang đẩy nhanh quá trình cây bụi hóa với các lãnh nguyên ở Bắc Cực. Lý do là vì mùa sinh trưởng dài hơn, ấm hơn sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của thực vật. Điều này có thể dẫn đến một chu kỳ có nhiều cây bụi hơn, ủ nhiều nhiệt hơn và thậm chí còn đủ thời gian ấm thích hợp để quay vòng sinh nhiều cây bụi con hơn. Rất may, tuần lộc giúp làm chậm quá trình phủ xanh vùng lãnh nguyên bằng cách ăn và giẫm đạp lên thực vật. Một nghiên cứu phân tích hình ảnh vệ tinh về lớp phủ cây bụi ở Bán đảo Yamal ở phía tây bắc Siberia cho thấy mặc dù nhiệt độ mùa hè liên tục tăng, thảm thực vật trong khu vực vẫn ổn định nhờ số lượng tuần lộc tăng 75% từ năm 1986 đến năm 2016,.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc chăn thả tuần lộc ở bán đảo Yamal dường như đã bù đắp được những tác động của biến đổi khí hậu. Việc này đồng thời cũng giúp bảo tồn môi trường sống vùng lãnh nguyên để các loài bản địa như rêu, địa y và cây liễu mọc thấp có thể tiếp tục phát triển.

Tuần lộc "giải cứu" Bắc Cực

Jeremejeff và những người chăn tuần lộc khác ở Scandinavia đã tận mắt chứng kiến điều này. Jeremejeff cho biết: "Tuần lộc ăn địa y và các loại thực vật khác. Việc giẫm đạp của tuần lộc cũng đảm bảo thảm thực vật không quá dày và khiến mặt đất lạnh hơn. Nếu thảm thực vật trên mặt đất mà dày thì sẽ giữ rất nhiều nhiệt. Nếu không có lá và cỏ, mặt đất sẽ bị đóng băng sớm hơn và nhiều hơn vào mùa đông".

Cựu Chủ tịch hội đồng người Sami Phần Lan Tiina Sanila-Aikio cũng là một người chăn tuần lộc. Những con tuần lộc của Aikio lang thang quanh năm trong những khu rừng quanh hồ Inari ở cực bắc Phần Lan. Bà nói rằng chăn nuôi tuần lộc là giải pháp để duy trì sinh thái ở cả vùng lãnh nguyên và rừng phương bắc, bất chấp những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra.

Aikio nói: “Khu rừng ở đây khá rộng và thưa. Đó là nhờ có đàn tuần lộc. Nếu không có chúng, cảnh quan sẽ hoàn toàn khác. Khi trời ấm hơn, mọi loài phát triển nhanh hơn nhiều. Chúng tôi cần tuần lộc để giữ cho rừng luôn rộng và thưa như thế này".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuần lộc 'giải cứu' Trái đất bằng việc phá rừng cây bụi ở Bắc cực