Đó là thông tin được ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ) cung cấp trong cuộc gặp mặt báo chí sáng 10.1
Theo ông Tiến, Đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) của dự án chống ngập 10.000 tỉ đã có văn bản gửi Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập) và UBND TP.HCM xin kết thúc hợp đồng tư vấn. Trung tâm chống ngập đã tổ chức họp với đơn vị tư vấn, khẳng định TP cũng muốn chấm dứt hợp đồng giữa 2 bên.
Như vậy, sau thời gian hơn 8 tháng "đấu nhau", TVGSHĐ - đơn vị được cho là nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ, lâm vào tình trạng "bất động" - đã chính thức rút lui.
Người đứng đầu Tập đoàn Trung Nam cũng bỏ ngỏ khả năng doanh nghiệp này sẽ đâm đơn kiện TVGSHĐ vì đã cố tình có những hành vi cản trở dự án, gây thiệt hại nặng nề cho chủ đầu tư. Sau hơn 7 tháng "bất động" vì vướng mắc thủ tục, ước tính Tập đoàn Trung Nam đã chịu thiệt hại gần 200 tỉ đồng từ tiền máy móc, thiết bị, công cụ, nhân lực..., chưa kể tiền lãi vay ngân hàng phát sinh và những ảnh hưởng từ việc rào chắn thi công tới đời sống của người dân xung quanh.
Cũng theo ông Nguyễn Tâm Tiến, để mau chóng đưa dự án đi vào hoạt động trở lại, trong cuộc họp mới đây giữa các bên liên quan, Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến đã giao Trung tâm chống ngập căn cứ hợp đồng BT và đề xuất của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư dự án) tổ chức kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ khối lượng hoàn thành phục vụ giải ngân khoản vay cho dự án. Đồng thời, đề xuất việc xác nhận, giải ngân chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí thực hiện dịch vụ cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông thủy.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM được giao phối hợp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các bộ ngành Trương ương, sở ban ngành liên quan kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, công trình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, ông Tiến cho biết do đặc thù nhân lực ngành xây dựng phân bổ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, máy móc thiết bị cũng đã dừng hơn 7 tháng, không thể ngay lập tức huy động để làm kịp trước Tết. Do đó, dự kiến phải đến tháng giêng âm lịch, dự án mới có thể được tái khởi động.
"Dù thông báo ngưng thi công từ tháng 4.2018, nhưng thực tế Trung Nam vẫn duy trì hoạt động của các công trình mang tính cấp bách như cống Phú Định. Vướng mắc lớn nhất hiện tại là vấn đề giải phóng mặt bằng. Nếu thành phố có thể giao mặt bằng sạch ngay sau Tết, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy hết sức để dự án kịp về đích, có thể đưa vào sử dụng trong năm 2019 này",ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định.
Theo Hà Mai/Thanh Niên