Mấy năm qua, dù có mua hay không sản phẩm keo dích chuột, nhưng người tiêu dùng chắc cũng bị “tra tấn” bởi màn quảng cáo của những người bán loại sản phẩm này. Họ biết là đó là quảng cáo, bán hàng gian dối nhưng chỉ cười trừ, không chấp, bởi đó chỉ là những người buôn bán lặt vặt, cò con. Họ chỉ bị sốc khi các “thương hiệu quốc gia” như Khaisilk cũng “treo hàng Việt bán đồ Tàu”.

Từ keo dính chuột đến Khaisilk

28/10/2017, 17:02

Mấy năm qua, dù có mua hay không sản phẩm keo dích chuột, nhưng người tiêu dùng chắc cũng bị “tra tấn” bởi màn quảng cáo của những người bán loại sản phẩm này. Họ biết là đó là quảng cáo, bán hàng gian dối nhưng chỉ cười trừ, không chấp, bởi đó chỉ là những người buôn bán lặt vặt, cò con. Họ chỉ bị sốc khi các “thương hiệu quốc gia” như Khaisilk cũng “treo hàng Việt bán đồ Tàu”.

Cửa hàng lụa trên phố Hàng Gai của doanh nhân Hoàng Khải, nơi vừa bị tố bán khăn

Một thực tế phổ biến là hàng Việt Nam chất lượng chưa cao và tính trung thực, đáng tin cậy của sản phẩm, dịch vụ cũng ở mức tương tự. Sự gian dối trong sản xuất kinh doanh phổ biến đến mức những người bán hàng rong như keo dính chuột mà cũng rao bán ra rả đầy đường là bán “sản phẩm của Trung tâm công nghệ hoá màu, một sản phẩm mà không có sản phẩm nào trên thị trường có thể so sánh được”.

Ngay cả những người nông dân chất phác thật thà ngày nào giờ cũng biết sử dụng “tiêu chuẩn kép”, trồng rau màu, cây trái trên hai mảnh ruộng, mảnh vườn, một để ăn tương đối an toàn, một để bán không đạt các tiêu chuẩn an toàn. Tình trạng sản xuất kinh doanh này tệ đến mức có người cho rằng người Việt đang “đầu độc” người Việt.

Đủ mọi “sáng kiến” để sản xuất kinh doanh gian dối, như việc tẩy rửa, “mông má” hải sản đến trái cây bị tẩm hoá chất để sản phẩm mau chín, ngon mắt đẹp trái. Mới đây các cơ quan chức năng còn phát hiện ra việc hàng ngàn con heo được tiêm thuốc an thần để dễ giết mổ, thịt đẹp, không hao hụt cân nặng. Đây là một đòn giáng mạnh vào lòng tin và tình cảm của những người tiêu dùng, nhất là những người đã nhiệt tình tham gia vào chiến dịch “giải cứu lợn” giúp nhà nông.

“Phép thử” cho tính trung thực trong sản xuất kinh doanh của các sản phẩm Việt đã xuất hiện trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, như vận tải, kinh doanh xăng dầu. Chỉ riêng việc xuất hiện của Uber, Grab, dịch vụ “bán đúng giá” vận tải taxi, xe ôm thôi đã và đang gây ra sự sụp đổ dây chuyền các loại hình dịch vụ vận tải “truyền thống”. Cây xăng Nhật bán xăng chính xác 0,01 lít gây rúng động thị trường kinh doanh xăng dầu, khiến các cây xăng khác lập tức phải cậy nhờ đến lòng yêu nước của người tiêu dùng.

Tất nhiên không phải cây xăng nào cũng làm ăn gian dối, nhưng rất nhiều cây xăng đã đong gian tính lận và bị phát hiện, xử phạt. Dân trên mạng vẫn thường truyền nhau cách để tránh bị đong xăng gian lận, như việc đổ chẵn 50.000đ hay đổ đầy bình đều có khả năng bị ăn gian.

Câu hỏi được đặt ra là có phải các loại hình sản xuất kinh doanh “truyền thống” của nước ta thường thiếu trung thực, hay gian dối? Các hãng taxi nước ngoài hay cây xăng Nhật kia họ đâu có làm việc gì ghê gớm, chỉ cạnh tranh bằng cách bán hàng trung thực, cách bán hàng mà lẽ ra phải được phổ biến hơn là muôn hình vạn trạng các kiểu làm ăn gian dối ở bất cứ một thị trường, một đất nước nào.

Thế nhưng làm sao anh có thể vận động đến “lòng yêu nước” của tôi nếu tôi biết anh vẫn thường xuyên thò tay vào túi tôi móc tiền bằng những cách làm ăn gian dối? Và “yêu nước”, “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” có phải là tiếp tục ngậm bồ hòn làm ngọt, tiếp tục tiếp tay cho những kiểu làm ăn phi trung thực, gian dối?

Không, chắc chắn một điều là sự trung thực đang thắng thế những lời kêu gọi kia nơi người tiêu dùng. Uber, Grab mới xuất hiện ở thị trường nước ta đã phát triển đến mức đã bị “đặt vấn đề” về sự phát triển này. Cây xăng của người Nhật nếu được cạnh tranh phát triển sòng phẳng chắc chắn sẽ lập tức ăn đứt các cây xăng “truyền thống” nhờ sự trung thực mà không cần đến những cái cúi chào trân trọng của những ông tổng giám đốc.

Sự thiếu trung thực trong kinh doanh ở nước ta dường như đã phổ biến đến mức giờ ngay cả những thương hiệu cao cấp nổi tiếng suốt 30 năm qua như Khaisilk cũng bị phát hiện gian dối, một sự kiện mà ông bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho là “đã làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc” của dân ta.

Những chủ trương, chính sách đầu tư tốt đẹp như các dự án BOT về giao thông hiện cũng bị “hoen ố” vì những chủ đầu tư nhiều mưu mẹo, lươn lẹo. Cũng cần nhắc lại là việc làm ăn yếu kém, dối trá, tham nhũng của lãnh đạo nhiều tập đoàn nhà nước lớn đã gây ra sự thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng mà hiện giờ người dân nước ta phải gánh chịu.

Vấn đề cần được xem xét ở đây đó là sự gian dối phổ biến trong kinh doanh của nước ta xuất phát từ “bản chất”, từ thói quen, tập quán của những “người Việt xấu xí” hay từ môi trường, hoàn cảnh kinh tế? Chắc chắn rằng chẳng có thói quen, tập quán nào của một dân tộc lại là những thói xấu cả, vì đó chính là sự tự diệt vong. Chính là từ môi trường, từ hoàn cảnh.

Nền kinh tế thị trường của nước ta khởi đầu từ thời mở cửa cho đến nay vẫn còn có cái nét gì đó tương tự như thời “tư bản dã man” của các nước bây giờ đã là nước phát triển của thế giới. Cũng là những cách làm ăn chụp giật, gian dối, ăn xổi ở thì, tích tụ tư bản thật nhanh bất chấp tất cả những giới hạn đạo đức, pháp luật. Sự thiếu trung thực, gian dối chính là điều phổ biến đi kèm với các sản phẩm, dịch vụ chứ không phải là các giá trị trung thực, chân thực.

Thật khó có thể kêu gọi đến đạo đức kinh doanh trong những thời kỳ như hiện nay. Chỉ có nhà nước với “cây gậy” pháp luật của mình mới có thể đưa mọi việc đi vào đúng quỹ đạo của nó. Chỉ có một nhà nước nghiêm minh, công bằng, sáng suốt mới có thể dẹp yên được một thị trường hỗn loạn với tất cả những mánh khoé gian dối chụp giật từ những anh bán keo dính chuột cho đến những thương hiệu “tầm cỡ quốc gia” như Khaisilk.

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ keo dính chuột đến Khaisilk