"Với mức thuế mới của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên phải dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Nông sản Việt cần đa dạng thị trường
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Môi trường Phùng Đức Tiến khi ông chia sẻ với báo chí về tác động và biện pháp đối phó của ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, sau vụ Mỹ điều chỉnh thuế quan nhập khẩu với Việt Nam ở mức 46%.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên đến 46%. Đây là động thái gây chấn động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, nông sản nước ta nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Môi trường Phùng Đức Tiến cho hay, trong cơ cấu thị trường nông sản của Việt Nam, hàng đã được xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ; năm 2024, Mỹ đứng đầu với trị giá đạt 13,8 tỉ USD, tiếp đó là Trung Quốc 13,6 tỉ USD. Cơ cấu này cho thấy, lợi thế của Việt Nam nghiêng về thị trường Mỹ.
Nông sản Việt Nam vào Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, đó là thuế chống bán phá giá, phải có tiêu chuẩn tương đương. Với mức thuế mới của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên phải "dĩ bất biến, ứng vạn biến". "Chúng ta phải tập trung cho chỉ đạo sản xuất, làm sao nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, nhưng lại có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Trong quá trình Mỹ áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước Mỹ, vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện đối với Việt Nam.
"Vừa rồi, Chính phủ đã họp hai phiên bàn thảo về vấn đề này, chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp. Đặc biệt là giải pháp về khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ. Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường khác, không để phụ thuộc vào một thị trường nào.
Ví dụ, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỉ dân, đứng thứ hai trong thị trường nhập khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. Việt Nam còn nhiều mặt hàng có thể xuất sang Trung Quốc, đặc biệt một số sản phẩm đã ký nghị định thư như sầu riêng đông lạnh, cá sấu... Các sản phẩm trồng trọt, thủy sản..., chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này", Thứ trưởng Tiến nói.
Châu Âu cũng là thị trường lớn, chiếm tới 44%. Như vậy phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ. Mặt khác, phải mở rộng các thị trường tiềm năng và lợi thế đối với nông sản Việt Nam.
Mục tiêu xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm nay là 64 - 65 tỉ USD, ngay hết quý 1 kết thúc đã đạt 15,7 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như có tác động bởi thị trường Mỹ, theo Thứ trưởng Tiến, cần phải bàn xem tổ chức thực hiện các ngành thế nào để đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao.
Riêng với ngành hàng thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản, trị giá xuất khẩu hàng thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 vào thị trường Mỹ đạt trên 300 triệu USD, còn lại là thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác. Vì vậy, chúng ta cần xem lại cơ cấu từng ngành hàng, ví dụ 2 ngành trọng điểm là cá tra, tôm.
Tôm Việt Nam có sản lượng 1,3 triệu tấn mỗi năm, xuất khẩu mang về 4,3 tỉ USD, trong khi cá tra sở hữu năng suất “kịch trần” thế giới với sản lượng 1,65 triệu tấn, trị giá trên 2 tỉ USD.
Thứ trưởng Tiến cho rằng cần bàn kỹ về việc làm mới động lực của hai ngành hàng này. Với ngành tôm, là để cạnh tranh được với Ấn Độ, với Ecuador. Còn cá tra, đã có lợi thế rồi, thì tiếp tục phát huy lợi thế. Đồng thời, các lô hàng xuất khẩu cần hạn chế tối đa vi phạm về kim loại nặng, vi sinh vật, kháng sinh để chúng ta duy trì được thị trường.
"Tóm lại, mỗi đối tượng có những điểm nghẽn riêng thì cần phải khơi thông. Một là phải nâng cao năng lực, hai là chủ động hội nhập, ba là năng cao sản lượng cũng như giá trị, từ đó đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu 65 tỉ USD của năm nay và các năm tiếp theo", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Lo ngại thủy sản Việt mất thị trường
Trước tình hình Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46%, lo ngại thủy sản Việt mất thị trường, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi kiến nghị "khẩn" đến Thủ tướng và các bộ ngành chức năng.
Theo VASEP, Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm của Việt Nam sang Mỹ khoảng 2 tỉ USD, chiếm 1/5 trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thị trường này đang không chỉ giữ thị phần số 1 mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Trong đó, 70% các sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng (tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá nước ngọt khác) đang gắn với sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân tại các địa phương. Tương tự, 30% sản phẩm xuất khẩu là từ hải sản khai thác - là sinh kế, nguồn sống của hàng trăm ngàn ngư dân Việt Nam. Mỹ đang là thị trường nhập khẩu số 1 về tôm, cá ngừ, thị trường số 2 của cá tra Việt Nam.
Hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Mỹ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Trong bối cảnh cạnh tranh cao và thuế chống bán phá giá, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là DDP (giao hàng tận kho) khi xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ.
Do vậy, mức thuế mới khiến cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hoang mang lo ngại về khả năng mất thị trường lớn này và cả những thiệt hại to lớn với nhiều lô hàng đang trên đường vận chuyển tới Mỹ có thể bị áp mức thuế cao 46%.
Theo thống kê nhanh, sơ bộ và chưa đầy đủ của Hiệp hội VASEP trong buổi sáng 3.4 ngay khi có thông tin Mỹ áp mức thuế cao 46%, hiện có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ và khoảng 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 - 5.2025, với nhiều đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025 khoảng 38.500 tấn.
Trước tình thế khẩn cấp này, VASEP đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành sớm có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ để giúp ngành thủy sản.
Cụ thể, xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu mới với Chính phủ Mỹ và đề nghị Chính phủ Mỹ thông báo cho cơ quan hải quan Mỹ áp dụng mốc thời gian "load onto vessels" là ngày xuất khẩu được xác định trên vận đơn B/L.
Đàm phán điều chỉnh giảm mức thuế xuống mức phù hợp nhất - dựa trên thực tế là: Việt Nam không thao túng tiền tệ (theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ gần đây). Thặng dư thương mại là kết quả của chuỗi cung ứng toàn cầu mà trong đó có nhiều sản phẩm, nhãn hàng có sự tham gia của một số doanh nghiệp Mỹ. Nông-thủy sản là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân nên đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét mức thuế phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng Mỹ.
Trong chuỗi cung ứng của ngành nuôi trồng thủy sản, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục nhập khẩu hàng ngàn tấn khô đậu tương từ Mỹ với mức thuế nhập khẩu hiện nay là 0%.
Theo đó, cần đàm phán với Chính phủ Mỹ không áp mức 46% lên tất cả các mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cần xem xét chủ động giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa là thuỷ sản được nhập từ Mỹ. Trong đó, đặc biệt chú ý tới các sản phẩm chủ lực như tôm, cá ngừ... vì thực tế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ Mỹ là không đáng kể và thậm chí gần như không có.