Một công dân cư ngụ ở Quận 10 TP.HCM đã kiện ra một tòa án quận khác cũng là nơi bị đơn cư ngụ, yêu cầu người này phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại 250 triệu đồng về tổn thất tinh thần và sức khỏe. Việc xin lỗi phải được thực hiện ở nơi làm việc là trường học và đồng thời phải đăng cải chính và thư xin lỗi trên báo (trang quảng cáo).

Xử phạt trên mạng và văn minh pháp luật

22/10/2017, 10:55

Một công dân cư ngụ ở Quận 10 TP.HCM đã kiện ra một tòa án quận khác cũng là nơi bị đơn cư ngụ, yêu cầu người này phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại 250 triệu đồng về tổn thất tinh thần và sức khỏe. Việc xin lỗi phải được thực hiện ở nơi làm việc là trường học và đồng thời phải đăng cải chính và thư xin lỗi trên báo (trang quảng cáo).

Những hành vi của con người trên mạng xã hội cũng cần được xem xét xử lý khi nó gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và vật chất

Điều thú vị là nguyên đơn là hiệu trưởng còn bị đơn là một giáo viên trong cùng một trường học.

Người giáo viên này bày tỏ sự lo lắng và trình bày rằng anh chỉ đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội và sau đó đã xóa đi. Tôi khuyên anh nên chấp hành các bước tố tụng của tòa, mới ở giai đoạn thông báo thụ lý vụ việc dân sự và bản thân tôi hoan nghênh cách hành xử văn minh của vị hiệu trưởng khi cho rằng mình bị xâm hại trên mạng xã hội, đó là thông qua tòa án.

Những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm hoặc gây thiệt hại khác có vẻ như đã có đủ công cụ pháp luật để điều chỉnh thông qua xử phạt hành chính, tố tụng dân sự và kể cả hình sự nhưng xu thế hiện nay trên thế giới là xử lý các vụ xúc phạm trên mạng bằng tòa án.

Tòa án là nơi đầy đủ quyền năng để xác định có sự xúc phạm hoặc thiệt hại hay không; mức độ thiệt hại và quy chuẩn bồi thường thiệt hại. Sự quy định các bước chặt chẽ của tố tụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cả nguyên đơn và bị đơn hơn là các hình thức xử lý khác.

Mà đúng vậy, các việc xử lý hành vi trên mạng ngoài tòa án đều mang đến sự tranh cãi sau đó phải điều chỉnh cho phù hợp.

Học sinh tên P.T.T. cho biết từng bị tai nạn và vào Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường, Long An) chữa trị một lần và không hài lòng với thái độ của các nhân viên tại đây.

Tuy nhiên, đến ngày 5.3 em mới viết về điều này trên Facebook cá nhân với nội dung: “Nói thật, thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”.

Ngày 6.3, Ban giám hiệu trường THPT Kiến Tường đã mời em lên làm việc về nội dung trên. Cũng trong ngày 6.3, T. đã xóa nội dung này trên trang Facebook cá nhân.

Tiếp đó, ngày 16.3, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ luật T. với hình thức khiển trách, lý do là vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28.3.2011 của Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường THPT.

Cụ thể: Có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook.

Theo T., sau sự việc trên, nhà trường tiếp tục hạ hạnh kiểm của em từ tốt xuống trung bình vào cuối năm học, khiến em tốt nghiệp với hạnh kiểm trung bình, ảnh hưởng đến cả quá trình học phổ thông của em.

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo Long An - cho biết, Trường THPT Kiến Tường (thị xã Kiến Tường) chiều 2.6 đã bỏ phiếu đánh giá lại hạnh kiểm của nữ sinh chê bệnh viện trên Facebook.

"Kết quả có 17 phiếu xếp loại khá, 1 phiếu xếp loại trung bình, do đó, hội đồng xếp em này hạnh kiểm khá. Tôi nghĩ như vậy là hợp tình, hợp lý", ông Tiệp nói.

Xã hội đồng tình với cách xử lý sau đó của Sở Giáo dục Long An khi thay đổi hình thức xử lý mang tính giáo dục hơn.

Còn trước đó một số vụ xử phạt hành chính người dân hoặc cán bộ viên chức vì cho là có hành vi nói xấu lãnh đạo trên mạng xã hội cuối cùng cũng phải hủy bỏ hoặc thay đổi hình thức xử lý vì không phù hợp với pháp luật.

Cũng có nhiều vụ việc mà người dùng mạng xã hội cố tình tung tin bịa đặt gây phương hại đến cá nhân và cộng đồng, khi bị xử phạt đều được dư luận đồng tình.

Cũng có nghĩa những hành vi của con người trên mạng xã hội cũng cần được xem xét xử lý khi nó gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và vật chất. Vấn đề là xử lý với hình thức pháp luật nào cho phù hợp.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về “Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng”. Theo đó, sẽ có các mức phạt áp dụng cho các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể.

Sẽ phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi, gồm cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; cung cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia.

Ngoài ra, việc cung cấp các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; hoặc cung cấp thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc cũng sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng; và phạt từ 30-40 triệu đồng với hành vi truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác. Lợi dụng mạng xã hội để thực hiện thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan… có thể sẽ bị phạt 10 triệu đồng. Cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân có thể bị phạt tiền từ 25 triệu đồng...

Như đã trao đổi ở trên, tôi ủng hộ việc xác định vi phạm nếu có và xử lý các hành vi trên mạng thông qua tòa án vì nó đảm bảo quyền công dân, quyền dân sự của cả người bị xâm hại và người có hành vi vi phạm, các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hình sự đủ cho các hành vi kể cả hành vi trên mạng và hình thức tố tụng cũng được pháp luật quy định chặt chẽ.

Nhiều người trong ngành luật ủng hộ dự thảo này, nhưng cũng có ý kiến khác là nên chăng ban hành thêm một nghị định có nhiều điểm và hình thức xử phạt đã được điều chỉnh bởi các luật đã có hiệu lực.

Hoàng Linh

Bài liên quan
Tập đoàn mạng xã hội của ông Trump chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực tiền ảo
Đài CNN cho biết Trump Media & Technology - tập đoàn quản lý mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - dường như chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực tiền ảo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử phạt trên mạng và văn minh pháp luật