TS Nguyễn Thị Hồng Minh (CIEM) cho rằng cần phải có những giải pháp để việc tăng lương tạo ra niềm vui thực sự cho người lao động, chứ không phải chỉ có niềm vui ban đầu, sau đó phải đối mặt với làn sóng của tăng giá cao hơn.
Thị trường và chính sách

TS Nguyễn Thị Hồng Minh: Phải để tăng lương trở thành niềm vui thực sự

Lam Thanh 15/07/2024 19:10

TS Nguyễn Thị Hồng Minh (CIEM) cho rằng cần phải có những giải pháp để việc tăng lương tạo ra niềm vui thực sự cho người lao động, chứ không phải chỉ có niềm vui ban đầu, sau đó phải đối mặt với làn sóng của tăng giá cao hơn.

2 kịch bản cho tăng trưởng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn có những kết quả phát triển kinh tế - xã hội khá ấn tượng.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt tới 6,42%; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa hè do VnEconomy tổ chức, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng về cơ bản, kinh tế 6 tháng đầu năm được những kết quả hết sức đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới vẫn còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.

Bà đánh giá cao việc Chính phủ có sự quyết liệt trong việc có những giải pháp thực thi cải cách, thể chế để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

minh-1.png
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ví dụ ngày 8.7, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành, ban chỉ đạo rà soát các quy định kinh doanh, các quy định liên quan tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hay đầu năm 2024, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Tôi cho rằng những hành động mang tính kịp thời như vậy chắc chắn cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực để có được một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn”, bà Minh nêu.

Ngoài ra, TS Hồng Minh cũng đánh giá cao việc một số các luật rất quan trọng sẽ được áp dụng sớm, ví dụ như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

“Việc quyết định thực thi có hiệu lực các luật này sớm hơn 5 tháng cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục cải cách thể chế, đưa thể chế trở thành một nguồn lực có thể tạo ra nền tảng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động điều hành của Chính phủ”, bà Minh nói.

Về các chỉ tiêu kinh tế, bà Minh đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới vẫn tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn duy trì nỗ lực chính sách tương tự đề ra như nửa đầu của năm 2024… thì kết quả đạt được 6,55% cả năm 2024.

Còn đối với kịch bản 2, giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, ví dụ như tăng trưởng phục hồi nhanh hơn, gia tăng FDI, chuỗi cung ứng được phục hồi, việc đầu tư cho chuyển đổi kép được tăng cường, Việt Nam sẽ phải thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế…, dự báo mức tăng trưởng sẽ ở mức 6,95% trong năm 2024.

Làm sao để tăng lương trở thành niềm vui thực sự

TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu. Ví dụ như tăng tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng, có thể gây ra lạm phát chi phí đẩy nếu không có các giải pháp đồng thời và đồng bộ.

“Ngay trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như chỗ tôi ở bắt đầu từ tháng 7 này, thông báo giá gửi xe tăng lên khoảng gần 30%. Tương tự các mặt hàng khác, tôi đồ rằng cũng sẽ theo xu hướng tăng giá như vậy. Do đó, cần phải có những giải pháp để làm thế nào việc tăng lương sẽ là sự động viên mang tính thực chất tạo ra niềm vui thực sự cho người lao động, chứ không phải chỉ có niềm vui ban đầu xong sau đó phải đối mặt với làn sóng của tăng giá, thậm chí lại còn cao hơn”, bà Minh nói.

minh-2.jpg
Lo ngại giá tăng sau khi tăng lương

Liên quan đến vấn đề lạm phát, bà Minh cũng cho rằng việc gia tăng chiến tranh thương mại chắc chắn có thể sẽ làm tăng lạm phát ở Mỹ và Fed có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới các nội dung liên quan đến lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới.

Về cải cách thể chế, TS đề nghị phải nhanh hơn nữa. “Nhiều khi bây giờ đưa ra những cải cách, những chính sách chủ trương nhưng quá trình đi vào thực tế rất chậm dẫn tới rất nhiều những bất cập. Chính sách mất nhiều thời gian để đi vào cuộc sống chắc chắn rằng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy”.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh cần phải để doanh nghiệp trong và ngoài nước có một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Điều này cần thực hiện từ việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách đến việc đưa các chính sách đó vào cuộc sống thế nào, từ các cấp trung ương đến các cấp địa phương, quy định pháp luật sẽ phải hỗ trợ người dân và hỗ trợ doanh nghiệp.

Còn về phía doanh nghiệp, bà Minh mong rằng trong thời gian sắp tới, khi doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong và ngoài nước sẽ có được những chiến lược kinh doanh phù hợp. Ví dụ như chiến lược liên quan đến chuyển đổi số hoặc hướng tới sản xuất xanh. Nếu không hướng tới sản xuất xanh thì hàng hóa sẽ rất khó để tham gia vào thị trường thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
4 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Thị Hồng Minh: Phải để tăng lương trở thành niềm vui thực sự