Theo báo cáo của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, kinh tế Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều gam màu sáng
Theo báo cáo, về thể chế, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu). Các nghị định liên quan cũng đang được ban hành và tích cực triển khai.
Chính sách tài khóa theo hướng mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; nhiều gói hỗ trợ tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, lệ phí năm 2024… với tổng trị giá danh nghĩa khoảng 185.000 tỉ đồng, tương đương giảm thu ngân sách nhà nước 68.000 tỉ đồng (gần bằng những năm dịch COVID-19).
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều quyết sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tiếp tục cho phép cơ cấu lại nợ (giữ nguyên nhóm nợ) đến hết năm 2024, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, dùng nhiều công cụ ổn định tỷ giá, thị trường vàng…
Ngoài ra, chính sách, giải pháp chuyển đổi số được triển khai nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 06 về phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương…
GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01. Mặc dù còn một số cấu phần chưa đạt mức trước dịch, song đây là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cho thấy nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, nhiều khả năng đạt "cận trên" mục tiêu tăng trưởng (6,5%) cả năm 2024.
Một số động lực tăng trưởng truyền thống cho thấy đà phục hồi khá đồng đều. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại thặng dư 11,63 tỉ USD, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.
Thu hút và giải ngân FDI tiếp tục khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm.
Báo cáo cũng cho biết giải ngân đầu tư công đạt kết quả khả quan dù không đồng đều và còn chậm, đầu tư tư nhân phục hồi; sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực dù chưa đồng đều, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn, nhất là khi giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ sở, y tế, giáo dục, điện…) dự báo còn tăng theo lộ trình.
Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng ước tăng 5,2% so với cuối năm 2023, cải thiện khá mạnh so với mức 2,41% cuối tháng 5.2024. Tín dụng dự báo cả năm tăng 13 - 14%, phù hợp với diễn biến vĩ mô, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang dần phục hồi.
Còn hàng loạt rủi ro, thách thức phải đối mặt
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức chính. Đáng chú ý, một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.
Cụ thể, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% chỉ bằng khoảng 66% mức tăng trung bình của cùng kỳ thời trước dịch 2018-2019 (8,6%); tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78%, thấp hơn mức trước dịch; đầu tư tư nhân tăng 6,7%, thấp hơn nhiều mức tăng 17% cùng kỳ trước dịch 2018-2019 và thấp hơn khu vực FDI (10,3%).
Ngoài ra, chế cho các động lực tăng trưởng mới, nhất là thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh (cơ chế thử nghiệm sandbox cho fintech và các nền tảng số; danh mục phân loại xanh, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam…) còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển.
Tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN còn chậm (trong 6 tháng đầu năm 2024, chưa có DNNN nào được cổ phần hóa theo kế hoạch; việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp.
Hoạt động doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số DN gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn. Tuy nhiên số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 18,6% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý (đặc biệt là thị trường đất đai, BĐS); áp lực tài chính và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao…
Nợ xấu và tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát, thị trường vàng còn nhiều biến động. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 4.2024 ở mức 4,93%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022; dư nợ xấu tăng 8,61% so với đầu năm. Dù vẫn trong tầm kiểm soát song là thách thức lớn khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ông Lực cũng cho rằng thực thi chính sách còn bất cập, môi trường đầu tư - kinh doanh chậm cải thiện, một số "đầu tàu" kinh tế tăng trưởng thấp hơn tiềm năng.
Ngoài ra, việc ban hành văn bản, kế hoạch hành động triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến trong môi trường đầu tư - kinh doanh; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia thấp…
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3 - 6,8% và cả năm có thể đạt 6,3 - 6,5% (kịch bản cơ sở), hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5 - 6,7% (kịch bản tích cực). Trong đó, tăng lương cơ sở có thể khiến GDP tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm phấn trăm, lạm phát tăng thêm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm trong năm 2024 và có thể cao hơn trong năm 2025-2026.
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả BIDV