Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được coi là bước đà quan trọng để ngành thủy sản "cất cánh", trong đó có mặt hàng cá tra.
Thị trường và chính sách

CPTPP trợ lực để xuất khẩu mặt hàng tỉ đô của Việt Nam

Tuyết Nhung 11/07/2024 15:28

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được coi là bước đà quan trọng để ngành thủy sản "cất cánh", trong đó có mặt hàng cá tra.

CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14.1.2019. Sau 5 năm thực thi, FTA thế hệ mới đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường này.

article.jpg
Xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của Việt Nam - Ảnh: IT

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng đây được coi là bước đà quan trọng để ngành thủy sản "cất cánh", trong đó có mặt hàng cá tra. Việc thực thi các FTA luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng và đa dạng thị trường, đưa thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, thời kỳ 2019-2023 thế giới biến động phức tạp, các lệnh phong tỏa vì COVID-19, các lệnh cấm vận do chiến tranh, xung đột trên đường vận tải đã tạo ra nhiều thách thức cho hàng cá tra Việt Nam đến gần hơn với các quốc gia trong khối CPTPP.

Năm 2023 là năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây đối với xuất khẩu cá tra, và CPTPP cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên so sánh với các thị trường khác, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang CPTPP vẫn ở mức chấp nhận được trong tình hình sụt giảm chung. 5 năm sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu cá tra Việt sang Canada đạt 37 triệu USD, giảm 34% so với năm 2022, và giảm 22% so với năm 2018 - năm trước khi FTA có hiệu lực.

Theo VASEP, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản nói chung, và xuất khẩu cá tra nói riêng là nhóm ngành khó đàm phán để đạt được cam kết mở cửa. Tuy nhiên, trong CPTPP, các đối tác cơ bản xóa bỏ và cắt giảm thuế về 0% ngay khi FTA có hiệu lực với hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, gồm cả cá tra.

Năm 2024, ở các nước khi lượng tồn kho do nhập khẩu ồ ạt vào năm 2022 đã dần cạn kiệt, việc xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục và khởi sắc ở một số thị trường, trong đó có khối thị trường CPTPP.

Khối thị trường này chủ yếu tiêu thụ phi lê cá tra đông lạnh từ Việt Nam. Số liệu của hải quan cho thấy 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu sản phẩm này sang khối CPTPP đạt gần 89 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 87% tỷ trọng, và chiếm 15% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh Việt Nam sang các thị trường.

Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm cá tra khác sang khối CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay. Tính đến hết tháng 5.2024, trị giá xuất khẩu cá tra cắt khúc, nguyên con đông lạnh/nguyên con xẻ bướm, bong bóng cá tra... mã HS03 (trừ cá mã HS0304) đạt 9 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ, chiếm 9% tỷ trọng, và chiếm 7% trong tổng trị giá xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường. Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang khối CPTPP đạt gần 5 triệu USD tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 5% tỷ trọng và chiếm 37% trong tổng cá tra GTGT Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường.

Theo số liệu mới nhất của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 6.2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 12 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15.6, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, Mexico là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam với trị giá 31 triệu USD, tăng 7%; Nhật Bản nhập 18 triệu USD, tăng 35%; Canada nhập 18 triệu USD, tăng 15%; Singapore nhập 16 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP dự kiến sẽ tiếp đà tăng của 6 tháng đầu năm khi giá cả và nhu cầu đang dần ổn định. Để đạt được kết quả này, các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu những lợi ích mà hiệp định này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ, gia tăng xuất khẩu.

Trao đổi với Một Thế Giới, đại diện VASEP nhìn nhận: Trong bối cảnh nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản thế giới phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh quyết liệt, việc tham gia CPTPP được xem là cánh cửa thuận lợi để sản phẩm thủy sản Việt Nam đi vào các thị trường khó tính với rất nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì CPTPP có hiệu lực cũng đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ khắt khe. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, nắm bắt thông tin và rào cản thị trường để kịp thời đáp ứng. Đồng thời, cần nghiên cứu những lợi ích mà hiệp định này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ, gia tăng xuất khẩu

"Hàng thủy sản xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam sẽ giành ưu thế lớn tại 10 nước thành viênCPTPP, bởi 25% thị phần xuất khẩu thủy sản nước ta hiện đang nằm trong khu vực này. Nếu tận dụng tốt cơ hội, CPTPP sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam so với các đối thủ hiện nay như Thái Lan, Ấn Độ... Không chỉ tạo lợi thế xuất khẩu, FTA này còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu", đại diện cho hay.

Bài liên quan
Trung Quốc mở cửa, hàng xuất khẩu cá tra Việt Nam kỳ vọng lớn
Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra năm tới, sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm COVID-19 đối với hàng nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
12 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CPTPP trợ lực để xuất khẩu mặt hàng tỉ đô của Việt Nam