TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc doanh nghiệp tăng vốn ảo để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư như một trò ảo thuật biến không thành có và đổi giấy lấy tiền.

TS Nguyễn Hữu Huân: Tăng vốn ảo - trò ảo thuật biến không thành có, đổi giấy lấy tiền

Trí Lâm (thực hiện) | 09/09/2022, 14:35

TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc doanh nghiệp tăng vốn ảo để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư như một trò ảo thuật biến không thành có và đổi giấy lấy tiền.

Doanh nghiệp tăng vốn ảo nhằm lừa đảo nhà đầu tư gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm mất đi niềm tin rất lớn từ các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán sụt giảm, mục tiêu vào được nhóm các thị trường mới nổi ngày càng xa vời…

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM về vấn đề này.

huan.jpg
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM

- Việc tăng vốn ảo là hiện tượng đã diễn ra nhiều năm với không ít công ty, mới nhất là vụ FLC Faros tăng vốn ảo từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này và ở góc độ chuyên gia, xin ông cho biết các cách thức mà doanh nghiệp thực hiện việc tăng vốn ảo?

TS Nguyễn Hữu Huân: Các cách thức thường nằm ở các thủ thuật kế toán. Cách dễ nhất là khai khống tài khoản tiền mặt hoặc khai khống các giá trị tài sản góp vào công ty để tăng vốn ảo. Cách này dễ bị phát hiện khi có đơn vị kiểm toán vào kiểm toán, nhưng hầu hết các sự việc này lại không bị phát hiện trong suốt một thời gian dài cho thấy trách nhiệm khá lớn từ công ty kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết.

Một bất cập hiện nay là các công ty kiểm toán cũng cần khách hàng, nếu họ kiểm gắt quá thì lần sau công ty không mời nữa nên cũng xuất hiện việc dễ dãi và hình thành rủi ro đạo đức trong vấn đề này. Điều này hiện nay khá là phổ biến và đòi hỏi cơ quan quản lý cần có những chế tài, kiểm soát chặt chẽ hơn việc kiểm toán của các công ty kiểm toán hiện nay. Thậm chí, quy trách nhiệm hình sự nếu như họ bỏ lọt các sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp.

- Theo ông, mục đích tăng vốn ảo của họ là gì?

Mục đích tăng vốn ảo của doanh nghiệp đương nhiên là để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư. Chúng ta cứ nghĩ một công ty vốn chỉ có 1.5 tỉ đồng, tăng vốn ảo lên 4.000 tỉ, sau đó phát hành cổ phiếu ra công chúng để thu về vài nghìn tỉ. Đó đúng là một trò ảo thuật biến không thành có và đổi giấy lấy tiền của các công ty này.

Còn người chịu thiệt hại nặng nề nhất là các nhà đầu tư khi họ tin tưởng các doanh nghiệp niêm yết là các doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý cũng như các công ty kiểm toán.

Qua đó đã làm mất đi niềm tin rất lớn từ các nhà đầu tư và hệ quả là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Theo tôi, còn lâu chúng ta mới có thể vào được nhóm các thị trường mới nổi khi việc đầu tư chứng khoán hiện tại không khác gì một canh bạc với quá nhiều rủi ro và người chiến thắng luôn là các nhà cái, các đội lái, hay chủ của các công ty lừa đảo (những người lừa đảo và lũng đoạn thị trường trong suốt hơn 20 năm qua).

- Theo ông, đâu là kẽ hở để các doanh nghiệp có thể lợi dụng?

Kẽ hở lớn nhất chính là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, và tính thiếu minh bạch trong suốt thời gian qua. Có những sự việc đến cả các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường cũng biết rõ, nhưng cơ quan quản lý lại không biết hay giả vờ không biết.

Chính điều đó tạo điều kiện cho các "đội lái" hoành hành và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, khiến cho họ mất niềm tin vào thị trường và thị trường trở thành một canh bạc đỏ đen hơn là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Ngoài ra, việc xử lý các sai phạm trên thị trường còn quá nhẹ trong suốt thời gian qua và không có tính răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa của thị trường.

Có những giao dịch mang lại lợi nhuận cho các nhà lũng đoạn thị trường lên đến hàng nghìn tỉ đồng nhưng chỉ bị phạt có vài trăm triệu, rõ ràng là quá nhẹ và khó có tính chế tài với những người cố ý làm trái và các giao dịch nội gián.

Trường hợp fake news (tin giả) tràn lan trên thị thị trường mà không có sự kiểm soát chặt chẽ, cũng như việc rò rỉ thông tin nội bộ của các doanh nghiệp niêm yết là rất phổ biến, nhưng việc quản lý và chế tài còn rất hạn chế từ các cơ quan quản lý cũng là cơ hội để kẻ xấu trục lợi trên thị trường.

ao.jpg
TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng tăng vốn ảo là trò ảo thuật biến không thành có, đổi giấy lấy tiền

- Khi các doanh nghiệp sử dụng chiêu trò, cơ quan quản lý không thể không nhìn ra các bất thường nhưng dường như họ chưa vào cuộc hoặc cảnh báo một cách kịp thời. Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong vấn đề này như thế nào? Ông có nghĩ cần một cuộc “đại phẫu” ở thị trường chứng khoán?

Như đã trình bày ở trên, trách nhiệm của các cơ quan quản lý thị trường là cực kỳ lớn, và những sự việc tương tự không phải chỉ xuất hiện gần đây mà nó xảy ra trong suốt hơn 20 năm phát triển của TTCK Việt Nam.

Do đó, cần thiết phải có một cuộc tổng thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết và các cơ quan quản lý để xác định rõ trách nhiệm là của ai cũng như là giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường. Đây có thể là một cuộc đại phẫu lớn nhất của thị trường chứng khoán và chắc chắn thiệt hại là rất lớn nhưng cần thiết, để thị trường có thể minh bạch và phát triển bền vững trong tương lai.

Về giải pháp minh bạch thị trường, cần có một cuộc thanh tra đầy đủ và toàn bộ thị trường chứng khoán để làm rõ ai trắng ai đen, loại bỏ các doanh nghiệp vi phạm, làm ăn gian dối, lừa đảo và trả lại sự minh bạch cho thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp làm ăn chính đáng để tránh hiện tượng vàng thau lẫn lộn như hiện nay.

Ngoài ra, về phía các nhà đầu tư họ cũng cần trang bị cho mình các kiến thức về thị trường chứng khoán, đọc hiểu được báo cáo tài chính hay phát hiện được những trường hợp xào nấu báo cáo tài chính để bảo vệ mình, cũng như nên từ bỏ chiến lược đầu tư theo kiểu đánh bạc, "được ăn cả ngã về không" trên thị trường.

- Từ vụ việc ROS, các nhà đầu tư lỡ "ôm" cổ phiếu của doanh nghiệp này đang chịu nhiều thiệt hại, ông có lời khuyên gì đối với họ trong việc đòi quyền lợi của mình?

Đa số các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS hay FLC đều là các nhà đầu cơ hy vọng là có thể làm giàu nhanh trên TTCK nên họ đầu tư bất chấp rủi ro. Tôi tin là hơn 90% trong số họ biết rằng ROS hay FLC chỉ là cổ phiếu rác, nhưng họ vẫn lao vào đầu tư vì họ chấp nhận một cuộc chơi "gắp lửa bỏ tay người", và khi bản nhạc kết thúc thì người nào còn cầm lửa (cổ phiếu rác) thì người đó thua.

Nhưng về bản chất họ vẫn là người bị hại vì đã dựa trên các thông tin được công bố, báo cáo tài chính đã kiểm toán để đầu tư, và chắc họ cũng không ngờ ROS lại có thể nâng khống vốn điều lệ một cách diệu kỳ như vậy mà không một cơ quan quản lý hay công ty kiểm toán nào biết.

Do vậy, họ cần hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ thiệt hại, cũng như hỗ trợ các cơ quan chức năng sớm đưa vụ án ra xét xử để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.

Luật Doanh nghiệp quy định các bên có trách nhiệm góp đủ vốn điều lệ trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm thành lập công ty hoặc tăng vốn điều lệ. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không góp vốn đủ như cam kết, để vốn ảo rất nhiều.

Lâu nay nhiều doanh nghiệp coi vốn điều lệ như tài sản riêng cá nhân, tự ý rút ra, sử dụng không đúng mục đích rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay, không đóng vốn điều lệ, sau đó kinh doanh thua lỗ và tuyên bố phá sản/giải thể/không trả được nợ.

Về nguyên tắc, trong các trường hợp này, nếu có hành vi chiếm dụng vốn điều lệ, sử dụng sai mục đích vốn điều lệ của các cổ đông/thành viên công ty thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Luật Doanh nghiệp có quy định việc góp vốn qua hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, thực tế nhiều chủ doanh nghiệp đã lợi dụng việc quản lý vốn sau khi đóng góp (chủ yếu chuyển sang quỹ "tiền mặt") để chuyển vốn và rút ra nhiều lần (hay gọi là "chạy dòng tiền") để cho đủ số tiền góp vốn điều lệ, trong khi tài khoản ngân hàng không hề có đủ tiền như cam kết vốn điều lệ để hoạt động doanh nghiệp…

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong bộ nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng nhằm hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký, giám sát chặt chẽ hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp rút lại khoản tiền đi vay khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Hữu Huân: Tăng vốn ảo - trò ảo thuật biến không thành có, đổi giấy lấy tiền