Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đường hầm gió cho phép thử các máy bay siêu thanh với vận tốc lên đến 12km/giây.
Ông Triệu Vỹ, Phó giám đốc Phòng thử nghiệm khí đốt nhiệt độ cao thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, người tham gia dự án xây dựng, cho biết để phục vụ cho nhu cầu phát triển vũ khí siêu thanh đang cấp bách, đường hầm gió sẽ hoàn thành và được đưa vào vận hành trong năm 2020.
Phó giám đốc Triệu khẳng định: “Bằng cách tái lập môi trường của các chuyến bay với vận tốc siêu thanh, các vấn đề sẽ được phát hiện và giải quyết ngay tại chỗ. Nó sẽ thúc đẩy khả năng ứng dụng của công nghệ siêu thanh, đặc biệt là ứng dụng vào lĩnh vực quân sự”.
Theo SCMP, thử nghiệm bay trong đường hầm gió sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ thất bại trong những vụ bay thử ngoài thực địa.
Hiện tại, đường hầm gió uy lực nhất thế giới là cơ sở LENX-X của Mỹ, tọa lạc tại thành phố Buffalo, tiểu bang New York. Đường hầm cho phép thử các máy bay siêu thanh với vận tốc 10km/giây, gấp 30 lần vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, nếu hoàn thành và được đưa vào sử dụng, đường hầm gió của Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trở thành đường hầm gió uy lực nhất thế giới, cho phép thử các máy bay siêu thanh với vận tốc 12km/giây. Với tốc độ này, máy bay Trung Quốc có thể tiếp cận bờ tây của Mỹ chỉ trong vòng 14 phút.
Máy bay siêu thanh là những máy bay có vận tốc từ March 5 (6.125km/giờ) trở lên. Vào năm 2011, quân đội Mỹ đã cho thử HTV-2, máy bay siêu thanh không người lái có vận tốc đạt đến hơn March 20 (24.500km/giờ). Chiếc này chỉ bay được vài phút trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Tháng 3.2017, Trung Quốc đã 7lần thử thành công máy bay DF-ZF (phía Mỹ gọi là WU-14) với vận tốc bay từ March 5 (6.125km/giờ) đến March 10 (12.250km/giờ).
Ngoài hai nước trên, Nga, Ấn Độ và Úc cũng đã cho những mẫu máy bay siêu thanh thử nghiệm bay thử. Các máy bay đều có khả năng mang tên lửa, thậm chí là tên lửa có đầu đạn hạt nhân.
Ông Ngô Đại Phương, giáo sư đến từ Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh tham gia phát triển tên lửa hành trình siêu thanh cho quân đội Trung Quốc, cho biết nước này đã xây được vài đường hầm gió giúp đảm bảo các vụ thử vũ khí siêu thanh đạt tỷ lệ thành công cao, nhưng đường hầm gió chuẩn bị xây này “sẽ là một trong những cơ sở thử nghiệm vũ khí siêu thanh uy lực và tân tiến nhất thế giới”.
“Đây chắc chắn là tin vui đối với chúng tôi. Tôi mong đường hầm gió này sớm hoàn thành”, giáo sư Ngô chia sẻ.
Theo SCMP, đường hầm gió mới sẽ có một buồng thử nghiệm đủ không gian cho những mẫu máy bay lớn có sải cánh lên đến gần 3 mét.
Về cách thức đường hầm gió hoạt động, ông Triệu giải thích để tạo ra luồng không khí với tốc độ cực cao, các nhà nghiên cứu sẽ chế tạo những đường ống dẫn hỗn hợp các khí oxy, hydro và nitơ để làm ra một loạt vụ nổ có khả năng giải phóng 1 gigawat điện chỉ trong vòng 1 giây. Nguồn năng lượng bằng hơn 50% tổng công suất phát điện của nhà máy điện hạt nhân ở vịnh Đại Á, tỉnh Quảng Đông.
Sóng xung kích từ những vụ nổ sẽ được truyền vào buồng thử nghiệm qua một đường hầm bằng kim loại, bao bọc quanh các mẫu máy bay thử nghiệm và làm nhiệt độ quanh máy bay lên đến 7.727 độ C (nóng hơn bề mặt mặt trời gần 50%).
Máy bay siêu thanh phải được làm bằng chất liệu đặc biệt và có một hệ thống làm mát cực kỳhiệu quả, nếu không máy bay sẽ bị đốt cháy khi bay đường dài (với vận tốc siêu thanh), ông Triệu cho hay.
Đặc biệt, đường hầm gió sẽ giúp Trung Quốc thử nghiệm động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) mới được thiết kế riêng cho máy bay siêu thanh, thay cho động cơ truyền thống.
Ông Triệu còn tiết lộ việc xây dựng đường hầm gió mới sẽ do nhóm xây dựng đường hầm gió JF-12 chịu trách nhiệm thực hiện. JF-12 là đường hầm gió có khả năng tái lập điều kiện bay với vận tốc từ March 5 (6.125km/giờ) đến March 9 (11.025km/giờ) ở độ cao 20- 50km.
Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ sau khi hoàn thành vào năm 2012, JF-12 đã hoạt động hết công suất, cứ 2 ngày tiến hành 1 vụ thử.
Ông Tưởng Tông Lâm, người phụ trách chương trình phát triển JF-12, đánh giá máy bay siêu thanh sẽ có “ảnh hưởng mang tính cách mạng” với xã hội.
Theo ông Tưởng: “Với những máy bay siêu thanh thực sự, một chuyến bay hai tiếng đồng hồ nhưng đến bất cứ đâu trên thế giới là điều khả dĩ. Các máy bay siêu thanh trong tương lai gần sẽ đóng vai trò quyết định trong an ninh quốc gia, vận tải dân dụng và bay vào không gian”.
Cẩm Bình (theo SCMP)