Hôm 1.3, các quan chức Trung Quốc cho biết nước này đang nhanh chóng vạch ra những điểm yếu tiềm ẩn trong hàng chục lĩnh vực công nghệ và soạn thảo một kế hoạch sâu rộng để giải quyết các lĩnh vực có nguy cơ từ bên ngoài.

Trung Quốc vạch ra điểm yếu ở hàng chục lĩnh vực công nghệ, đặt mục tiêu tham vọng thoát phụ thuộc Mỹ

Nhân Hoàng | 01/03/2021, 23:01

Hôm 1.3, các quan chức Trung Quốc cho biết nước này đang nhanh chóng vạch ra những điểm yếu tiềm ẩn trong hàng chục lĩnh vực công nghệ và soạn thảo một kế hoạch sâu rộng để giải quyết các lĩnh vực có nguy cơ từ bên ngoài.

Động thái này diễn ra khi Trung Quốc đặt mục tiêu củng cố hơn nữa sức mạnh công nghệ đang lên của mình và chống lại cuộc chạy đua khó khăn đang rình rập do Mỹ khởi xướng về các công nghệ cốt lõi như chip, phần mềm, vật liệu sẽ quyết định cơ cấu quyền lực toàn cầu.

Diễn biến mới nhất trong quá trình thúc đẩy độc lập công nghệ của Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày trước sự kiện chính trị quan trọng hàng năm là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 5.3 với hai phiên họp, khi các nhà lập pháp và cố vấn chính trị hàng đầu thảo luận về một loạt các chính sách phát triển, bao gồm kế hoạch 5 năm đến 2025, nơi mà các tiến bộ công nghệ là trung tâm.

Giải quyết sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào nguồn cung cấp nước ngoài về một số thành phần quan trọng đã trở thành chủ đề nóng trước hai phiên họp, với các nhà lập pháp và cố vấn chính trị đưa ra các đề nghị và gợi ý nhằm giải quyết khía cạnh khác nhau của vấn đề, bao gồm tăng chi tiêu của chính phủ, xây dựng nhân tài và các biện pháp hỗ trợ khác. Các nhà phân tích cho biết các chính sách chi tiết hơn và mục tiêu đầy tham vọng dự kiến ​​sẽ được đưa ra trong hai phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

Kế hoạch khắc phục điểm thiếu sót và điểm yếu

Tại cuộc họp báo hôm 1.3, Tiêu Á Khánh, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, nói rằng trong khi khả năng công nghiệp của Trung Quốc được thể hiện đầy đủ trong đại dịch COVID-19, quá trình này cũng bộc lộ "những thiếu sót và điểm yếu nhất định" trong chuỗi cung ứng và công nghiệp nước này.

Để giải quyết vấn đề đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã bắt đầu tiến hành đánh giá toàn diện 41 lĩnh vực và vạch ra các chuỗi công nghiệp chính để "tìm ra những điểm trống cũng như điểm yếu của chúng ta, sửa chữa chuỗi để khắc phục những thiếu sót và yếu kém, đảm bảo để chuỗi sẽ không bị đứt trong những thời điểm quan trọng".

Trong khi sự phát triển lâu dài của Trung Quốc đòi hỏi phải có những đột phá đáng kể về công nghệ cốt lõi, chiến dịch trấn áp công nghệ ngày càng leo thang do Mỹ phát động, vốn đã chứng kiến ​​những hạn chế về nguồn cung chip và các thành phần quan trọng khác cho Trung Quốc, đã tăng thêm tính cấp bách cho chính quyền ông Tập Cận Bình để giải quyết loạt vấn đề "nút thắt cổ chai" này.

Nút thắt cổ chai là điểm tắc nghẽn trong hệ thống sản xuất, chẳng hạn như dây chuyền lắp ráp hoặc đường truyền máy tính.

Trong dấu hiệu việc tiếp tục chiến dịch công nghệ của mình, Mỹ được cho có kế hoạch thực hiện các lệnh cấm do chính quyền Trump áp đặt các giao dịch công nghệ với Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden cũng đang thúc đẩy thành lập liên minh công nghệ với các đồng minh để chống lại Trung Quốc trong các công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, theo tờ Wall Street Journal.

trung-quoc-vach-ra-diem-yeu-o-hang-chuc-linh-vuc-cong-nghe-1(1).jpg
 Trung Quốc phụ thuộc vào chip do nước ngoài sản xuất, trong đó nhiều chip được sản xuất bằng công nghệ Mỹ

Tại cuộc họp báo hôm 1.3, Tiêu Á Khánh nói rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào các lĩnh vực như mạch tích hợp, phần mềm cốt lõi, vật liệu mới thiết yếu và thiết bị chính để giải quyết vấn đề “nút thắt cổ chai".

"Đây là những lĩnh vực mà chúng ta không thể tìm ra giải pháp thay thế, nếu Mỹ quyết định cắt nguồn cung. Chúng là những công nghệ cốt lõi quan trọng nhất mà chúng ta phải làm chủ", Fang Xingdong, người sáng lập tổ chức nghiên cứu công nghệ ChinaLabs có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 1.3. Ông nói thêm rằng trong khi việc chia tay hoàn toàn khó xảy ra, Trung Quốc cần có khả năng đó để Mỹ không thực hiện các biện pháp cực đoan như vậy.

Đó là nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự tại các kỳ họp hàng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPC) - cơ quan lập pháp hàng đầu đất nước và Ủy ban toàn quốc của Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) - cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu.

Ngoài việc đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội cho năm nay, cuộc họp cũng sẽ tập trung vào việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-25) và các mục tiêu dài hạn đến 2035. Thông qua một loạt các cuộc họp và tài liệu chính sách, Trung Quốc đã đặt việc đạt được độc lập về công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm tới.

Trong khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đang xem xét hơn 40 lĩnh vực, tâm điểm chú ý là chip, sau khi Mỹ cắt đứt nguồn cung cấp cho các công ty Trung Quốc, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng và gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà lãnh đạo và ngành công nghiệp nước này.

Trước hai phiên họp, các đề xuất và gợi ý từ ​​các đại biểu NPC cùng các thành viên CPPCC chủ yếu tập trung vào phát triển công nghệ trong các lĩnh vực như chip và hạt giống cây trồng - cả hai đều bị các quan chức hàng đầu cho là phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Trước tình trạng khan hiếm chip ô tô gần đây, Zhu Ronghua, Phó NPC kiêm Chủ tịch của nhà sản xuất ô tô Trường An, đã đệ trình đề xuất kêu gọi có thêm chính sách để phát triển chip ô tô trong nước.

Gọi hạt giống là "con chip của nông nghiệp", Wen Simei, thành viên CPPCC và Phó chủ tịch Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc, đã đưa ra đề xuất về các chính sách toàn diện để hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà khoa học phát triển công nghệ cốt lõi cho hạt giống.

Mục tiêu đầy tham vọng

Các nhà phân tích cho biết những đề xuất và gợi ý này có thể dẫn đến các biện pháp chính sách cụ thể cùng các mục tiêu đầy tham vọng được mong đợi từ hai phiên họp.

Lấy chip làm ví dụ. Hiện tại, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 90% chip được sử dụng trong nước, trị giá khoảng 300 tỉ USD, nhưng đang nhắm tới việc đảo ngược điều đó với 70% nguồn cung chip đến từ các nhà sản xuất địa phương vào năm 2025, khi thị trường chip của Trung Quốc có thể đạt 2.000 tỉ nhân dân tệ lên khoảng 884,8 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020, theo Xiang Ligang - Tổng giám đốc của Liên minh Tiêu thụ Thông tin có trụ sở tại Bắc Kinh.

"Đó là một mục tiêu rất tham vọng đòi hỏi đầu tư lớn vào nhiều lĩnh vực", Xiang Ligang nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 1.3 và cho biết thêm rằng đầu tư của Trung Quốc vào phát triển chip đã tăng mạnh từ khoảng 30 tỉ nhân dân tệ trong năm 2019 lên 140 tỉ nhân dân tệ vào 2020. "Mức đầu tư đó sẽ giữ nguyên, nếu không còn tăng hơn nữa", ông Xiang Ligang nói.

Cả báo cáo công việc của chính phủ và kế hoạch 5 năm lần thứ 14 có thể sẽ bao gồm các hỗ trợ chính sách và mục tiêu phát triển cụ thể cho các lĩnh vực khác nhau, bao gồm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ. Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc đã đặt mục tiêu lâu dài là tăng chi tiêu cho R&D lên 2,5% GDP vào năm 2020. Các mục tiêu tương tự sẽ được đặt ra trong 5 năm tới, nếu không tăng lên.

Năm 2020, tổng chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã tăng lên 2.400 tỉ nhân dân tệ từ khoảng 1.420 tỉ nhân dân tệ vào 2015. Trung Quốc là nước chi tiêu lớn thứ hai thế giới cho R&D và đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

"Dù nhu cầu bên trong hay rủi ro bên ngoài, điều mà chúng ta có thể chắc chắn là trong 5 năm tới và lâu hơn nữa, Trung Quốc sẽ triển khai sức mạnh quốc gia to lớn của mình để đạt được sự độc lập về công nghệ và chuỗi cung ứng. Tôi không nghi ngờ rằng cuối cùng chúng ta sẽ có bức tranh khác về cấu trúc sức mạnh công nghệ toàn cầu", Xiang Ligang nhận định.

Bài liên quan
Gót chân Achilles khiến Trung Quốc luôn đi sau Mỹ trong lĩnh vực công nghệ
Khi nói đến công nghệ tiên tiến, Trung Quốc vẫn dựa vào nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc vạch ra điểm yếu ở hàng chục lĩnh vực công nghệ, đặt mục tiêu tham vọng thoát phụ thuộc Mỹ