Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp hôm 24.2 nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm chất bán dẫn và đất hiếm, trong đó Mỹ muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan liên bang tiến hành đánh giá trong 100 ngày về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của 4 sản phẩm (chất bán dẫn, đất hiếm, các thành phần dược phẩm hoạt tính, pin ô tô điện) và xác định các bước ngay lập tức có thể được thực hiện để khắc phục bất kỳ lỗ hổng nào.
Lệnh điều hành từ ông Biden được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất ô tô, với các công ty khổng lồ Mỹ như Ford Motor và General Motors dự kiến thu nhập bị mất hàng tỉ USD trong năm nay do sản lượng giảm.
Cảnh báo rằng việc bỏ qua vấn đề có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ông Biden cho biết sự thiếu hụt chip gần đây nhấn mạnh sự cần thiết của Mỹ trong việc phục hồi ngành bán dẫn.
"Trong một số trường hợp, xây dựng khả năng phục hồi sẽ có nghĩa là chúng ta tăng cường sản xuất một số loại sản phẩm nhất định ở quê nhà. Trong một số trường hợp khác, điều đó có nghĩa là hợp tác chặt chẽ hơn với những người bạn và đối tác đáng tin cậy của chúng tôi, các quốc gia chia sẻ các giá trị của chúng tôi để chuỗi cung ứng này không thể bị sử dụng làm đòn bẩy chống lại chúng tôi”, ông Biden nói trước khi ký lệnh hành pháp trong điều ám chỉ rõ ràng về vai trò Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Tổng thống Mỹ cũng cần xác định, xây dựng sức mạnh tăng cường để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Một khía cạnh mà chính quyền Biden đã nhấn mạnh là ý định của Mỹ hợp tác với các đối tác và đồng minh cùng chí hướng để xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng công nghệ.
Trong lĩnh vực chất bán dẫn và pin ô tô điện, điều này có nghĩa là hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong lĩnh vực khoáng sản đất hiếm, Mỹ đã hợp tác với Úc để thách thức sự thống trị của Trung Quốc, nơi mà Mỹ có khoảng 80% nguồn cung.
"Công việc này sẽ không phải là về việc Mỹ đi một mình. Câu trả lời cho những điểm yếu này không phải lúc nào cũng là tăng cường sản xuất trong nước", Sameera Fazili, Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với các phóng viên tại cuộc họp ngắn của Nhà Trắng trước khi Tổng thống Biden ký lệnh hành pháp, tránh xa các quan điểm thương mại hung hăng của chính quyền Trump trước đây vốn gây khó chịu cho cả các đồng minh.
“Dù quá trình xem xét vẫn chưa bắt đầu, chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng kết hợp các biện pháp ưu đãi để khuyến khích sản xuất ở đây, tìm cách đảm bảo có năng suất tăng nhưng cũng dự trữ, làm việc với các đồng minh và đối tác để đảm bảo rằng chúng tôi có các luồng mở xuyên biên giới”, Peter Harrell, Giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế và năng lực cạnh tranh của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói trong cùng cuộc họp báo.
Các cơ quan liên bang cũng sẽ hoàn thành đánh giá sâu hơn 1 năm nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các lĩnh vực rộng lớn hơn như quốc phòng, sức khỏe cộng đồng và sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, năng lượng và sản xuất lương thực.
Trong khi đó tại Đồi Capitol, lãnh đạo phe đa số đảng Dân chủ ở Thượng viện - Chuck Schumer hôm 23.2 nói với các phóng viên rằng ông đã chỉ đạo các thành viên ủy ban liên quan của cả hai đảng bắt đầu soạn thảo một gói lập pháp liên quan đến việc đầu tư nghiêm túc vào việc củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ để vượt qua Trung Quốc và ngừng phụ thuộc trên các nguồn nước ngoài.
Chuck Schumer tuyên bố: “Chúng ta không thể để Trung Quốc vượt trước mình trong lĩnh vực sản xuất chip. Đây sẽ là một phần của đề xuất mà chúng tôi sẽ giới thiệu".
Đảng viên Dân chủ đến từ New York cho biết luật mới phải nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc bằng cách đầu tư vào sự đổi mới, công nhân và sản xuất, cũng như vào các đối tác chiến lược và liên minh - NATO, Đông Nam Á và Ấn Độ.
“Mỹ phải vạch trần, kiềm chế, chấm dứt một lần và mãi mãi tất cả các hành vi săn mồi của Trung Quốc đã làm tổn hại rất nhiều việc làm của người Mỹ", ông nói.
Theo công ty tư vấn chiến lược Boston Consulting Group, thị phần của Mỹ trong năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm mạnh xuống chỉ còn 12% hiện nay, từ 37% vào năm 1990. Đài Loan hiện đứng đầu về sản lượng chip của thế giới, nhưng Boston Consulting dự báo Trung Quốc sẽ đứng đầu vào năm 2030 với 24% thị phần.