Vấn đề Trung Quốc tham lam độc chiếm biển Đông được dự báo sẽ là đề tài nóng ở hội nghị ASEAN vốn nhằm quảng bá quan hệ an ninh-kinh tế khu vực.

Trung Quốc tham lam độc chiếm biển Đông làm nóng hội nghị ASEAN

Một Thế Giới | 04/08/2015, 16:25

Vấn đề Trung Quốc tham lam độc chiếm biển Đông được dự báo sẽ là đề tài nóng ở hội nghị ASEAN vốn nhằm quảng bá quan hệ an ninh-kinh tế khu vực.

Việc Trung Quốc tham lam độc chiếm biển Đông đã được Bắc Kinh thể hiện bằng tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng biển giàu tài nguyên này, dựa vào bản đồ “đường lưỡi bò 9 đoạn” do TQ tự vẽ hồi những năm 1940.

Biển Đông có sức thu hút lớn, vì là khu vực có 600 triệu dân, ngày càng có nhiều người tham gia tầng lớp trung lưu, có tổng GDP 2.600 tỉ USD trong năm 2014 và trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ 7 thế giới.

Biển Đông cũng đang trong quá trình để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ 4 thế giới vào năm 2050, theo ASEAN. Đây cũng là một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, đạt trị giá thương mại toàn cầu 5.300 tỉ USD/năm.

Ngày 5.8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp người đồng cấp của 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ở Kuala Lumpur, hai ngày sau khi TQ cáo buộc Mỹ quân sự hóa biển Đông, và việc Mỹ tuần tra cùng tập trận ở khu vực này làm Bắc Kinh khó chịu.

Mỹ và TQ không là thành viên, nhưng được mời tham dự hội nghị ASEAN. Ông Kerry sẽ tham gia trong hai ngày 5 và 6.8.

Vụ tranh chấp chủ quyền sẽ là “trung tâm của các cuộc đối thoại”, theo một quan chức Mỹ giấu tên cho các nhà báo biết về chuyến đi của ông Kerry.

Hôm 3.8, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Liu Zhenmi nói với Reuters: vụ tranh chấp biển Đông là chuyện “nhạy cảm”, chớ nên đem ra bàn tại hội nghị ASEAN lần thứ  48, và các nước không thuộc ASEAN chớ nên can thiệp. 

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị không đồng ý đề nghi TQ ngưng mọi hoạt động khiêu khích ở biển Đông. TQ cũng yêu cầu Mỹ không về phe nào trong cuộc tranh chấp này.  

Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói tình hình biển Đông căng thẳng phải được thảo luận vì có những quan ngại về an ninh khu vực. Mỹ lo ngại sự hung hăng của TQ ở biển Đông, được kỳ vọng sẽ lặp lại lời kêu gọi TQ ngưng hoạt động cải tạo đất trên vùng tranh chấp này.

Nhưng theo Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, ở Washington), TQ sẽ “muốn gạt bỏ mọi chỉ trích liên quan biển Đông”, và đề cao các đường hướng kinh tế của họ, nhất là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cùng việc phục hồi "Con đường tơ lụa" để đưa hàng hóa TQ qua châu Âu.

Poling cho rằng “sẽ không hoàn toàn bất ngờ” nếu ông Kerry sẽ công bố những chương trình giúp ASEAN do Mỹ tài trợ. Cùng lúc, TQ có thể sẽ công bố những hợp đồng đầu tư giá trị lớn, hoặc các khung làm việc hợp tác mới.

Reuters cho biết: họ đã được xem bản nháp tuyên bố chung khi bế mạc hội nghị ASEAN, trong đó nêu các lãnh đạo quan ngại những diễn biến gần đây “có nguy cơ làm giảm hòa bình, ổn định và an ninh trên biển Đông”. Bản nháp nêu sự cần thiết đề cập việc sự xói mòn niềm tin giữa các bên về vấn đề này.  

Theo các nhà phân tích, vấn đề là trong khi Mỹ tiếp tục có tầm ảnh hưởng đáng kể ở biển Đông, đa số các nước trong khu vực vẫn còn quan hệ thương mại và đầu tư lớn với TQ.

Theo trang Huffington Post, ASEAN có chủ trương không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước thành viên, thường bị chỉ trích là không có quan điểm chính thức về những vấn đề lớn của khu vực, gồm vấn nạn biển Đông.

Dù vậy, lãnh đạo các nước ASEAN hồi tháng 4 cũng ra tuyên bố chung, nêu “rất quan ngại” việc TQ cải tạo đất trên vùng biển tranh chấp, cảnh báo việc này có thể làm giảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Bà Bonnie Glasser, một chuyên gia về TQ của CSIS, nói hồi tháng 7: “Tôi nghĩ các nước này, ngay cả những nước rất lo ngại những hoạt động của TQ ở biển Đông thật sự trông cậy Mỹ làm nhiều hơn, và một số nước thật sự thích đứng sau Mỹ. Họ chẳng muốn tự làm gì nhiều”.

Cuộc tranh chấp chủ quyền có nguy cơ trở thành điểm nóng quân sự lớn nhất châu Á, ASEAN và TQ đã đồng ý lập đường dây nóng cấp ngoại trưởng, để có thể xử lý ngay tình trạng khẩn cấp ở biển Đông.

Ngoại trưởng Malaysia, ông Anifah Aman nói: “Tôi kỳ vọng nhiều nước sẽ lên tiếng, cho biết quan điểm về vấn đề liên quan biển Đông. Phải tránh bằng được bất kỳ diễn biến nào có thể làm tăng chuyện quân sự hóa ở biển Đông”.

Ông cũng nói “có tiến bộ quan trọng” trong cuộc đàm phán giữa ASEAN với TQ, nhằm hướng tới sự nhất trí thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) gồm những quy định nhằm tránh xung đột.

TQ đã đồng ý đàm phán với ASEAN về COC, nhưng đồng thời TQ tiếp tục xây các đảo nhân tạo trái phép trên những bãi nửa ngầm, bãi san hô trên biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines, ông Albert Del Rosario, nói Bắc Kinh trong nhiều năm qua dùng đủ mọi cách để phớt lờ COC.

Hồi tháng 5, tại Hội nghị Shangri-la của cấp Bộ trưởng quốc phòng ASEAN ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  Ashton Carter kêu gọi TQ cùng các nước láng giềng sớm đạt được COC trước khi kết thúc năm 2015.

Vĩnh Thụy (theo Reuters) 

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tham lam độc chiếm biển Đông làm nóng hội nghị ASEAN