Theo Politico, hơn 100 ngày sau cuộc chiến ở Ukraine, ông Tập đã tập trung hoàn toàn vào sự ủng hộ của mình đối với Nga trong cuộc điện đàm mới nhất với Putin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15.6 đã đưa ra tuyên bố ủng hộ rõ ràng nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine, đồng thời cam kết ủng hộ “chủ quyền và an ninh” của Moscow.
Bình luận này đã có sự thay đổi sắc thái, khác hẳn với lời kêu gọi trước đó của ông Tập về việc kêu gọi ông Putin tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của “tất cả các quốc gia” - một nhận xét kiểu chung chung có thể được hiểu một cách lỏng lẻo là gồm cả Ukraine - mà ông đã đưa ra trong cuộc điện đàm trước đó. Cuộc điện đàm trước diễn ra chỉ một ngày sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Bây giờ, hơn 100 ngày sau cuộc chiến, ông Tập đã tập trung hoàn toàn vào sự ủng hộ của mình đối với Nga trong cuộc điện đàm mới nhất với Putin.
Ông Tập tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài của quan hệ hợp tác thực dụng song phương. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga về các lợi ích cốt lõi và các vấn đề quan tâm hàng đầu, chẳng hạn như chủ quyền và an ninh, cũng như hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn”.
Lần gặp nhau gần nhất giữa hai người là bên lề lễ khai mạc Olympic mùa Đông - vài tuần trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, ông Tập và ông Putin đã đạt được quan hệ đối tác “không có giới hạn”. Kể từ sau chiến tranh, thái độ của Bắc Kinh là rất mâu thuẫn thường được mô tả là “trung dung thân Nga”, có nghĩa là nước này không lên án Moscow cũng như không cung cấp vũ khí hoặc phương tiện để lách các lệnh trừng phạt.
Giữa những chú ý về vai trò của Trung Quốc như một huyết mạch đối với nền kinh tế bị trừng phạt của Nga, ông Tập đã tăng gấp đôi sự quan tâm của Trung Quốc với Nga.
Ông Tập nói: “Kể từ năm nay, đối mặt với những bất ổn và biến đổi toàn cầu, quan hệ Trung-Nga đã duy trì được đà phát triển tốt. Hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước đang tiến triển thuận lợi”.
Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Nga để không ngừng hỗ trợ lẫn nhau, thắt chặt hợp tác chiến lược và củng cố liên lạc và hợp tác trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Khi trao đổi về tình hình Ukraine, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc luôn đánh giá tình hình một cách độc lập và kêu gọi các bên tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng một cách ổn thỏa với tinh thần trách nhiệm.
Một cách tinh ý, ông Tập không đề cập đến từ “chiến tranh” hay “ngừng bắn”. Ông Tập cũng nói với ông Putin rằng "cuộc khủng hoảng Ukraine" nên được "giải quyết một cách hợp lý". Không kêu gọi ngừng bắn, ông Tập chỉ nói rằng Trung Quốc tìm cách “tạo điều kiện cho hòa bình thế giới”.
Đã có sự thay đổi trong cách dùng từ của Trung Quốc. Trong phát biểu gần đây ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa gọi đó là “chiến tranh”. Còn nhà lãnh đạo Trung Quốc né tránh từ này trong cuộc điện đàm với ông Putin, người khẳng định đây là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.
Ông Tập dự kiến sẽ có một bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg vào ngày mai. Việc ông Tập sẽ công bố các kế hoạch mới hay lặp lại những lời ủng hộ tương tự sẽ là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để đẩy cuộc cạnh tranh chiến lược với phương Tây lên một tầm cao mới hay chưa.
Về phần Nga, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Putin cũng nhận định quan hệ hợp tác thực chất Nga- Trung tiếp tục phát triển ổn định từ đầu năm đến nay. Nga sẵn sàng củng cố hợp tác đa phương với Trung Quốc để thúc đẩy một thế giới đa cực, thiết lập trật tự quốc tế cân bằng và hợp lý hơn.
Điện Kremlin ra thông cáo cho biết hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài chính và công nghiệp.
Cụ thể, thông báo của Kremlin nêu rõ hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về năng lượng, tài chính, công nghiệp, giao thông và nhiều lĩnh vực khác trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu thời gian qua đã trở nên phức tạp hơn, chủ yếu do chính sách trừng phạt của phương Tây.