Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây, ông Kissinger đã rất cẩn thận khi nói rõ bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky cũng chia sẻ quan điểm khôi phục nguyên trạng trước 24.2 mà điều đó đồng nghĩa với vẫn để Nga kiểm soát bán đảo Crimea.

Lôi ông Zelensky vào câu đính chính, ông Kissinger lại làm khó Tổng thống Ukraine

Anh Tú | 13/06/2022, 15:51

Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây, ông Kissinger đã rất cẩn thận khi nói rõ bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky cũng chia sẻ quan điểm khôi phục nguyên trạng trước 24.2 mà điều đó đồng nghĩa với vẫn để Nga kiểm soát bán đảo Crimea.

Như đã đưa tin, trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger đã nói rõ hơn quan điểm của mình. Đó là: những lãnh thổ do Nga chiếm được sau cuộc tiến quân vào Ukraine ngày 24.2 không thể nằm dưới quyền kiểm soát của Nga và phải được trả lại, ông nhấn mạnh. Chỉ khi nguyên trạng trước (ngày 24.2) được khôi phục, khi đó mới có thể có hiệp định ngừng bắn và đàm phán về những phần lãnh thổ tranh chấp khác từ trước khi diễn ra cuộc tiến quân. Cựu Ngoại trưởng Mỹ lưu ý rằng bản thân Tổng thống Ukraine Vololymyr Zelensky cũng chia sẻ quan điểm này.

Còn phát biểu tại hội nghị Davos cách đây 3 tuần, ông Kissinger chỉ nêu: “Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới trước khi nó tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua. Lý tưởng nhất, đường phân chia phải là đường quay trở lại thời điểm hiện trạng. Theo đuổi cuộc chiến ngoài thời điểm đó sẽ không phải vì tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga”.

Khi đó, ông Kissinger không nói rõ thời điểm hiện trạng là mốc nào  nên dẫn đến những suy đoán rằng cựu ngoại trưởng Mỹ tính ở thời điểm ngày 23.5 (thời điểm Hội nghị Davos phát trực tiếp thông điệp của ông). 

zelensky.jpg
Tổng thống Ukraine Zelensky và cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Ngay cả chính quyền Kyiv khi đó cũng rất phẫn nộ. Tổng thống Zelensky đã lập tức phản bác điều này. Ông cho biết: “Bất kể nhà nước Nga làm gì, luôn có ai đó nói rằng: hãy tính đến lợi ích của họ. Năm nay ở Davos điều đó đã được nghe thấy một lần nữa. Ví dụ, vẫn ở Davos, ông Kissinger xuất hiện từ quá khứ sâu thẳm và nói rằng một phần Ukraine nên được trao cho Nga. Vì vậy, không có sự xa cách giữa Nga với châu Âu”.

Zelensky nói thêm: “Có vẻ như lịch của Kissinger không phải năm 2022 mà là năm 1938, và ông ấy nghĩ rằng mình đang nói chuyện với khán giả không phải ở Davos, mà là ở Munich vào thời điểm đó”.

Việc ông Zelensky đề cập năm 1938 là ám chỉ thỏa thuận ở Munich năm đó của các cường quốc Tây Âu cho phép Adolf Hitler tuyên bố chủ quyền với Tiệp Khắc, với hy vọng thỏa mãn tham vọng của ông ta. Hitler sau đó xâm lược Ba Lan vào năm sau, phát động Thế chiến thứ hai.

Sẵn tiện, Zelensky kể lại quá khứ Holocaust của cá nhân ông Kissinger: “Nhân tiện, vào năm 1938, khi gia đình ông Kissinger chạy trốn Đức Quốc xã, ông mới 15 tuổi và ông hiểu mọi thứ một cách hoàn hảo. Và sau đó không ai nghe từ ông ấy rằng cần phải thích nghi với Đức Quốc xã thay vì chạy trốn hoặc chiến đấu với chúng".

Còn trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây, ông Kissinger đã rất cẩn thận khi nói rõ bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky cũng chia sẻ quan điểm của ông, tức là khôi phục nguyên trạng trước 24.2. Mà nguyên trạng trước ngày 24.2 là vẫn chấp nhận để Nga kiểm soát bán đảo Crimea mà họ sáp nhập từ Ukraine năm 2014 (chưa tính phần lãnh thổ mà phe ly khai kiểm soát tại Donbas trước 24.2)

Cơ sở nào để ông Kissinger nói Tổng thống Zelensky cũng chia sẻ quan điểm với ông. Chuyện là tại Davos, ông Zelensky có phát biểu trả lời câu hỏi về khả năng giải phóng Crimea do Nga chiếm đóng. Ông Zelensky nói: “Tôi nghĩ sẽ có hàng trăm nghìn binh sĩ thiệt mạng từ phía chúng tôi. Đó là tôi không tính những người thuộc phe đối địch". Phát biểu của ông Zelensky cho thấy nhà lãnh đạo Ukraine không muốn mạo hiểm dùng chiến tranh giải quyết vấn đề Crimea.

Tuy nhiên, các cấp dưới của Tổng thống Zelensky lại không nghĩ vậy. Ngay trước khi ông Zelensky phát biểu tại Davos thì người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, ông Kyrylo Budanov, tuyên bố quân đội Ukraine sẽ xoay chuyển tình thế trong cuộc xung đột với Nga và tiến vào Crimea trước cuối năm nay.

Cụ thể, ông Budanov cho rằng tình hình trên chiến trường sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Kiev từ tháng 8, khi nguồn vũ khí do phương Tây cung cấp đến được các đơn vị Ukraine.

Ông Budanov nói: "Chúng tôi đang vô cùng thiếu vũ khí hạng nặng… Nga có 12 tháng chuẩn bị nguồn lực để tiến hành một cuộc chiến toàn diện". Theo quan chức này, cuộc xung đột giữa Kyiv và Moscow sẽ kết thúc với "sự trở về của các vùng lãnh thổ của chúng tôi".

Khi được hỏi liệu những "vùng lãnh thổ" đó có bao gồm Crimea hay không, ông Budanov tuyên bố "trước cuối năm nay, ít nhất chúng tôi phải tiến vào vùng lãnh thổ Crimea".

Quan điểm của Phủ tổng thống Ukraine lúc này cũng không còn như khi ông Zelensky phát biểu trước Davos nữa. Đầu tháng 6, Cố vấn Tổng thống Ukraine Alexey Arestovich tuyên bố Kyiv sẽ sử dụng các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga nếu họ cho là cần thiết.

Khi hỏi sâu về việc liệu các hạn chế sử dụng hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp có áp dụng đối với Crimea hay không, ông Arestovich nói rằng vùng lãnh thổ này thuộc về Ukraine. Đồng thời ông tuyên bố: 
“Crimea là của chúng tôi. Nó thuộc về Ukraine. Và họ (Nga) biết điều đó. Do đó, nó (tên lửa do Mỹ cung cấp) sẽ bay đến Crimea gấp đôi, nếu cần thiết”.

Như vậy, kể cả việc ông Kissinger đính chính về thời điểm quay về nguyên trạng cũng chẳng thay đổi được câu chuyện. Thậm chí, nó sẽ gây kẹt cho Tổng thống Ukraine khi bị truy vấn có tán thành quan điểm quay về 24.2 hay xa hơn là có dùng vũ lực để thu hồi bán đảo Crimea hay không.

Nếu Tổng thống Zelensky nói có thì sẽ khiến phương Tây rơi vào lo ngại vì sợ Ukraine tiếp tục mở rộng cuộc chiến và tấn công vào vùng mà Nga coi là lãnh thổ. Khi đó chiến tranh lan thế nào thì khó tưởng tượng.

Nếu Tổng thống Zelensky nói không thì sẽ gặp áp lực từ các thuộc cấp đang có tinh thần chủ chiến. Thậm chí, Anh, Ba Lan và các nước Baltic cũng đang cổ vũ Ukraine chiến đấu tới cùng để đẩy người Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ.

Từ Davos đến giờ, Tổng thống Ukraine đã không đề cập vấn đề nhạy cảm này mà chỉ để Cố vấn phát biểu. Nhưng nếu người ta muốn tìm hiểu làm rõ từng phát ngôn của ông Kissinger về ý: "bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky cũng chia sẻ quan điểm này" thì khá là kẹt cho ông Zelensky. Tổng thống Ukraine khi đó sẽ phải giải thích rõ thêm quan điểm của ông về cách xử lý vấn đề bán đảo Crimea.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lôi ông Zelensky vào câu đính chính, ông Kissinger lại làm khó Tổng thống Ukraine