Trung Quốc hiện đang là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ liên quan đến tiêu thụ than đá, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Quá nửa trong số đó là các dự án sử dụng công nghệ cũ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Một trong những mỏ quặng than có trữ lượng lớn nhất thế giới nằm ở Pakistan, cách thủ đô Karachi khoảng 250 dặm về phía Tây và nằm trong sa mạc Thar. Nó được phát hiện vào giữa những năm 1990 và được duy trì nguyên trạng cho đến thời điểm cuối năm 2016 khi một dự án khai thác trị giá khoảng 3,5 tỉ USD được tài trợ bởi Trung Quốc ra đời.
Năng lượng là một trong những lĩnh vực đầu tư chủ chốt của Trung Quốc vào nền kinh tế Pakistan, được thúc đẩy bởi dự án Con đường tơ lụa xuyên qua khu vực Trung Á của Bắc Kinh: chỉ tính riêng trong lĩnh vực năng lượng, dự kiến Trung Quốc sẽ đầu tư xây dựng khoảng 7 nhà máy nhiệt điện sử dụng than mới ở Pakistan. Theo kế hoạch, đến năm 2020 nhiệt điện sử dụng than sẽ đóng góp khoảng 24% lượng điện năng tại quốc gia láng giềng với Ấn Độ này, trong khi ở thời điểm hiện tại mức này chỉ là khoảng 0,1%.
Và Pakistan không phải là trường hợp duy nhất. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực về tài chính và công nghệ liên quan đến than đá, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2016, các tổ chức tài chính của Trung Quốc đã ủng hộ và đầu tư khoảng hơn 50 nhà máy nhiệt điện sử dụng than ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Tính đến tháng 9.2016, các công ty Trung Quốc đã tham gia ít nhất là 79 dự án nhiệt điện sử dụng than khác. Theo thống kê, tổng năng lượng mà các dự án nhiệt điện này tạo ra nhiều hơn tổng công suất của tất cả các nhà máy điện đang hoạt động tại Mỹ, kể cả các nhà máy đang được xây dựng để có thể phát điện trước năm 2020.
Dự kiến, chủ đề này sẽ không có mặt trong danh sách các vấn đề thảo luận giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida vào cuối tuần này. Tuy nhiên, khi Mỹ được coi là đã rút lui khỏi các cam kết về khí hậu, thì thế giới đang có xu hướng coi Trung Quốc như quốc gia dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Về một số khía cạnh, Trung Quốc xứng đáng nhận được những lời khen ngợi khi nước này đã nỗ lực giảm đáng kể các lĩnh vực sản xuất sử dụng than trong nền kinh tế của mình. Và những lời khen ngợi có thể sẽ nhiều hơn đáng kể, nếu như Trung Quốc cũng cố gắng làm điều tương tự ở nước ngoài thay vì khuyến khích các quốc gia trên khắp thế giới sử dụng nhiệt điện chạy than như nó đang làm hiện nay.
Trung Quốc có nhiều lý do để xuất khẩu công nghệ và thiết bị sử dụng than ra thế giới ở thời điểm hiện tại. Trung Quốc đang rất quan tâm đến nguồn cung cấp nguyên liệu thô cũng như thị trường tiêu thụ ở các nước đang phát triển, mà các nước này thì lại đang cần rất nhiều điện, đặc biệt là nguồn điện giá rẻ, và than được coi là nhiên liệu phát điện hợp pháp tại hầu hết các quốc gia này. Trong khi đó, các biện pháp chống ô nhiễm cũng như sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế ở trong nước đã làm giảm nhu cầu xây dựng các dự án điện than mới ở Trung Quốc. Vì vậy, lựa chọn tất yếu là các công ty nhiệt điện Trung Quốc đã hướng ra nước ngoài để tìm kiếm sự bù đắp về tăng trưởng và lợi nhuận.
Các tổ chức cho vay nhà nước, điển hình là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, dĩ nhiên là rất sẵn sàng hỗ trợ về mặt tài chính cho các dự án này. Theo thống kê, 2/3 số dự án điện năng ở nước ngoài được hỗ trợ bởi các ngân hàng phát triển Trung Quốc trong giai đoạn 2007-2014 là thuộc diện sử dụng than. Trong khi đó, 96% dự án năng lượng được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới trong cùng giai đoạn là thuộc diện năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện.
Những hậu quả từ tình trạng trên được đánh giá là rất trầm trọng. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng than được các công ty Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài trong giai đoạn 2001-2015 có tổng lượng phát thải CO2 tương đương khoảng 11% lượng phát thải của toàn bộ nước Mỹ. Đây là một con số khổng lồ, nếu như chúng ta không quên rằng Mỹ hiện là nước có mức phát thải lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Điều này dĩ nhiên thuộc trách nhiệm của Trung Quốc trong việc giảm thiểu tác động môi trường từ các dự án nhiệt điện này. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất ở đây là gần 60% công nghệ được các công ty Trung Quốc sử dụng trong những dự án nhiệt điện than ở nước ngoài trong giai đoạn 2001-2015 là thuộc diện lạc hậu, hiệu năng thấp và mức phát thải ô nhiễm rất cao.
Trong khi đó, phần còn lại là các dự án sử dụng công nghệ được xem là hiệu quả hơn, thì thực tế cũng chỉ giảm lượng phát thải ít hơn khoảng 10-20% so với các dự án sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, nếu Trung Quốc sử dụng công nghệ hiện đại hơn cho các nhà máy điện than này, thì ít nhất nó cũng sẽ giúp giảm khoảng 30% lượng khí thải mà các nhà máy này thải ra môi trường.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất cổ súy cho việc tài trợ các dự án điện than ô nhiễm trên thế giới. Trong giai đoạn 2007-2015, các quốc gia thuộc G20 đã tài trợ khoảng 76 tỉ USD cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Nó xuất phát từ một thực tế là các nước đang phát triển có nhu cầu rất lớn đối với điện năng, và do áp lực về vấn đề chi phí và giá cả, nên điện than vẫn sẽ được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới trong tương lai gần.
Tuy nhiên, trong năm 2015, các nước OECD ít nhất cũng đã đồng ý việc hạn chế tài trợ cho các dự án sử dụng than ở nước ngoài, ngoại trừ ở các nước trong diện nghèo nhất thế giới. Thay vào đó, các dự án sẽ được ưu tiên tài trợ cho những công nghệ sạch nhất có thể. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đưa ra những cam kết được cho là khá mơ hồ về việc hỗ trợ các công nghệ có mức phát thải Carbon thấp như một phần trong thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu.
Nếu Trung Quốc muốn được coi trọng với vai trò như một nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nước này sẽ buộc phải tuân theo các cam kết của OECD, trong đó chỉ hỗ trợ các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và chịu trách nhiệm về các vấn đề môi trường mà nó gây ra ở nước ngoài.
Tuy nhiên, những ví dụ về dự án khai thác mỏ than đá lớn nhất thế giới tại Pakistan trị giá 3,5 tỉ USD vào cuối năm ngoái, lại đang chỉ ra điều ngược lại, nhất là khi các khoản hỗ trợ của Trung Quốc cho Pakistan để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo như gió và mặt trời lại vô cùng khiêm tốn.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)