Theo một báo cáo mới đây của Trung Quốc, nước này sẽ bị Ấn Độ vượt mặt về chỉ số đổi mới sáng tạo trong chưa đầy 10 năm tới.
Trong một thập kỷ tới, các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) sẽ cạnh tranh gay gắt với nhau trong nhiều vấn đề, trong đó có đổi mới sáng tạo. Trong 15 năm tới, tốc độ đổi mới sáng tạo của Ấn Độ sẽ gia tăng nhanh chóng và lần lượt vượt qua Nga rồi Trung Quốc, theo nghiên cứu của Trung tâm giao lưu khoa học công nghệ của Trung Quốc.
Dự kiến, nền kinh tế Ấn Độ trong năm nay sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn Trung Quốc. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong năm 2017 sẽ tăng 7,2% trong khi Trung Quốc chỉ tăng khoảng 6,5%. GDP của Ấn Độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự tiến bộ trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, và những chỉ số này được coi là "kim chỉ nam" cho phát triển trong tương lai.
"Người ta dự đoán rằng khả năng cạnh tranh đổi mới sáng tạo của Ấn Độ sẽ gia tăng nhanh chóng song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ và họ có thể sẽ vượt qua Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2025 tới 2030", theo báo cáo của Trung tâm giao lưu khoa học công nghệ của Trung Quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh đổi mới sáng tạo của các nước BRICS trong năm 2017.
Hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu năng lực đổi mới sáng tạo trong khối BRICS với các thứ hạng tiếp theo lần lượt là Nga, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Tuy nhiên, Nga có xu hướng sẽ bị giảm tốc độ đổi mới sáng tạo trong thời gian tới còn Ấn Độ lại tăng nhanh, nhanh chóng vượt mặt Nga trong thời gian tới. Sau đó Ấn Độ sẽ thách thức vị trí hàng đầu của Trung Quốc trong khối BRICS về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Theo báo cáo của Trung tâm giao lưu khoa học công nghệ của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng đổi mới sáng tạo của Ấn Độ tăng nhanh là nhờ vào chương trình nghị sự cải cách sâu rộng của Thủ tướng Narendra Modi.
Chính phủ Ấn Độ đã đế ra nhiều đề án như "Chính phủ thông minh" với hàng loạt chính sách nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông trên toàn đất nước và đầu tư nhiều cho cộng đồng startup. Chính phủ Ấn Độ cũng hỗ trợ tài chính mạnh cho các công ty lớn cũng như những dự án khởi nghiệp đầy tiềm năng của nước này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ của đất nước.
Trong khi đó, trình độ phát triển công nghệ thông tin cũng như các ngành khoa học chuyên môn của người lao động Ấn Độ được xem là một lợi thế không nhỏ. Việc tập trung đào tạo các kỹ sư công nghệ thông tin có khả năng lập trình cao cấp biến nước này thành trung tâm gia công phần mềm ngày càng lớn mạnh, vượt qua mọi đối thủ trong khu vực cũng như Trung Quốc.
Thiên Hà