Trở lại Kiên Giang vào cuối tháng 3, tôi mới có được cảm giác thư thái rảo bước trên tuyến đường 3 Tháng 2 (TP.Rạch Giá), nơi có nhiều quán nhậu với những món ngon vật lạ từ biển. Vài năm trở lại đây, ở miền Tây, dân chơi tứ xứ phát sốt với cá nhám.
Sức hút hàng hiệu
Cá nhám còn được gọi là cá mập con, cá mập sữa, cá mập cáo hay cá chèo bẻo. Đây là loài thuộc họ cá nhám đuôi dài, chi cá sụn.
Cá nhám là loài ăn thịt hung dữ, chúng bơi lội nhanh và hoạt bát. Thức ăn chủ yếu của cá là các loài tôm, cua và cá nhỏ.
Nói về chất lượng, thịt cá nhám có vị ngọt, tính bình, chứa một lượng lớn lipid, a xít béo omega-3, can xi và phốt pho nên giúp tăng cường thể lực và bồi bổ cơ thể rất tốt.
Lần mò tìm hiểu, chúng tôi thấy, tại một cửa hàng bán lẻ hải sản trên đường Ung Văn Khiêm, phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, bán giá cá nhám từ 160.000 -180.000 đồng/kg, tăng 40% so với năm ngoái.
“Việc đánh bắt cá nhám cũng gặp phải nhiều khó khăn. Ngày nay số lượng cá nhám tự nhiên không còn nhiều, chúng lại là loài sống đơn lẻ, thường lặn sâu dưới đáy đại dương và chỉ nổi lên tầng nước mặt để săn mồi vào ban đêm. Ngay cả lưới kéo hay thả câu cũng không dễ bắt được chúng. Những điều này làm cho cá nhám không được bán rộng rãi trên thị trường.
Hiện nay, khách hàng có thể tìm mua cá nhám ở một số khu chợ hải sản hoặc siêu thị lớn và chủ yếu mua tại các trang online chuyên bán cá, hải sản uy tín”, anh Mai Văn Giới, chủ cửa hàng bán lẻ hải sản trên nói.
Còn nhớ ngay khi nhận được tin nhắn của đứa em đồng nghiệp Nguyễn Nhân (phóng viên Báo Công an TP.HCM), từ TP.Cần Thơ đến An Giang, chúng tôi lập tức lên đường đi Kiên Giang.
Xe xuất phát từ 9 giờ sáng, 11 giờ trưa thì tới nơi, chúng tôi lập tức đến các quán đặc sản biển để “săn” cá nhám. Tại quán H.B (TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), một đứa vừa mở lời đã được cô tiếp viên giới thiệu tên Trang nhoẻn miệng cười tươi rồi huyên thuyên “Cá nhám bây giờ sốt lắm mấy anh. Du khách khoái lắm do thịt rất ngon ngọt, dai chắc, sụn nhiều. Cá này giàu giá trị dinh dưỡng, can xi nên được ưa chuộng. Hiện quán có bán nguyên con giá trung bình từ 290.000 - 870.000 đồng/con tùy cân nặng. Với phần cá đã được làm sẵn, cắt khoanh thường bán với giá trung bình khoảng 250.000 đồng/kg”.
Cũng theo Trang, cá nhám nấu mẻ, nướng muối ớt, hấp sả chấm muối ớt thì “thứ nào chịu nổi”, ăn một lần nhớ mãi không quên.
Dù biết đây là chiêu dụ khách của Trang nhưng chúng tôi cũng hơi chần chừ. Nhưng một ông khách dáng người bệ vệ nghe cô "tán" thì không kìm nổi về sự hấp dẫn của cá nhám lập tức hất hàm: “Nướng muối ớt cho anh 1 con to nhất của quán đi cưng. Hổm rày anh ghé đây sao không thấy em quảng cáo?”.
Đang hân hoan vì sắp được nếm mùi cá nhám nướng muối ớt thì gương mặt rạng rỡ của ông nọ tối sầm sau lời khước từ của cô Trang: “Tiếc là quán em hết rồi. Thông cảm lần sau đi ạ”.
"Thì gọi chỗ khác đi. Phải chiều khách như con lần sau anh mới ghé ủng hộ chứ", ông khách cằn nhằn.
"Mấy quán khác cũng chịu chết anh ơi! Ở đây tụi em kinh doanh liên kết, khi cần thì a lô tiếp viện nhau. Trưa giờ, mấy quán a lô hỏi cá nhám nhưng đào đâu ra. Mà nếu có thì quán cũng dành cho những khách đặt trước thôi. Cá nhám đang sốt nên khách nào cũng muốn thưởng thức", cô tiếp viên giải thích.
Theo chân ngư dân
Quán mỗi lúc mỗi đông khách nên cô Trang “xin kiếu” chúng tôi để vào làm việc. Trước khi đi, cô dặn “Nếu muốn dạm mặt cá nhám, sáng mai các anh đến bến phà Rạch Giá, bắt tàu đi Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Chỗ đó dân đi biển nhiều lắm. Biết đâu gặp may”.
Hòn Tre (còn gọi là hòn Rùa) xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, nằm ở phía tây tỉnh Kiên Giang. Hòn Tre cũng là một trong số 140 đảo ở vùng biển Kiên Giang. Hòn đảo này cách trung tâm TP.Rạch Giá khoảng 30km, được ví như một con rùa khổng lồ trên biển khơi. Đảo Hòn Tre nổi tiếng với những công trình tôn giáo mộc mạc và không gian hoang sơ, thơ mộng.
Lúc này 7 giờ sáng, ghe thuyền cập bến các vựa thu mua hải sản đông nghẹt. Tiếng tranh cãi, trả giá của chị em hàng cá làm náo động một vùng. Dù hỏi nát nước hôm nay có bắt được cá nhám loại lớn nhất không nhưng chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu.
Một chị hàng cá sau khi phân tích “Cá nhám được coi là một trong những đặc sản của vùng biển Tây Nam. Tuy nhiên, săn bắt được loài cá này lại không hề đơn giản, mà phải có kinh nghiệm. Cũng như những loài cá săn mồi khác, cá nhám thường sống ở những vùng nước sâu, địa hình hiểm trở. Đây toàn ghe đi khơi nên hổng có thứ ấy đâu”, đã khuyên “Các chú lại mấy vựa thu mua hải sản hoặc dân đi lưới chuyên đánh bắt cá nhám mà kiếm, biết đâu họ có”.
9 giờ sáng, dân đi lưới cập bờ. Nỗi thất vọng lại ập đến khi chúng tôi tiếp tục nhận được những xua tay, lắc đầu: “Tụi này chỉ chài lưới ghẹ thôi. Hổm rày nước đục nên cánh săn cá nhám ở nhà hết rồi”. Dứt lời, anh chàng ngư dân tên Lộc chỉ tay về phía xa, nơi một người đàn ông đang cho chiếc ghe vượt qua những cơn sóng cuồn cuộn cập bờ, nói nhỏ: “Tay đó chuyên săn cá nhám, huynh hỏi thử xem”.
Đó là anh Nguyễn Văn Thương (tức Hai Thương, có vựa hải sản Hai Thương, ngụ đảo Hòn Tre). Ghe cập bờ, Hai Thương rít thuốc rồi tặc lưỡi: “Hổm rày tôi cố săn nhưng hổng được con nào. Biển nước đục ngầu nên thả lưới chẳng dính gì. Bình thường, mỗi đêm chỉ chạy ghe vòng vòng quanh khu hòn là bắt được cá nhám rồi. Nhưng chừng vài năm trở lại đây, khi cá nhám được khách du lịch ưa chuộng thì chúng bị săn bắt rất nhiều, phải chạy ghe xa mới có”.
Trước khi kể về kỹ thuật săn cá nhám, Hai Thương tươi cười bảo, cũng như nhiều loài cá khác, cá nhám thường được ngư dân đánh bắt bằng lưới vây.
“Cá nhám đi đơn lẻ, trọng lượng lại rất nhỏ, chỉ từ 2 đến 10 ký lô nên những nghề như câu rất khó bắt chúng. Ngay cả lưới kéo cũng không dễ có cá nhám vì tập tính loài cá này ban ngày lặn sâu dưới đáy biển, ban đêm chúng mới nổi lên tầng nước mặt để kiếm mồi.
Đó cũng chính là lúc người đi săn cá nhám có cơ hội bắt chúng. Ngoài việc rải một số mồi ưa thích để dụ cá, việc nắm bắt tập tính của loài cá ăn thịt này cũng rất quan trọng để quyết định hiệu quả của việc săn bắt”, Hai Thương kể thêm.
Về kinh nghiệm săn loài cá này, Hai Thương bảo cá nhám như cá mập nên chúng rất dữ tợn, ngay cả khi mắc lưới.
“Đừng nghĩ rằng khi nó mắc lưới thì thò tay vào gỡ, bắt được, bởi chúng có thể cắn nát ngón tay là chuyện thường. Khi trưởng thành, cá nhám nặng khoảng 5 - 6 ký lô, dài tới hơn một mét, đặc biệt có hàm răng dưới rất sắc nhọn.
Khi săn mồi, cá nhám thường lấy đuôi quật con mồi ngất đi rồi lao vào cắn. Khi bắt cá nhám ngư dân cũng phải lưu ý đến đặc tính này của chúng. Nghĩa là cần khống chế phần đầu, dù là nơi có răng nhọn, bởi nếu cầm phía đuôi, chúng sẽ đập và cắn rất nguy hiểm. Cách tốt nhất bắt cá nhám là đè đầu và bóp vây của chúng lại”, Hai Thương kể.
Ông Sáu Lưới, lão ngư có hơn 40 bám biển “ra hóng gió”, góp chuyện: “Sau những năm bôn ba bám biển, gia đình tôi dành dụm mua được một chiếc ghe lớn. Ngoài săn cá nhám, tôi cũng thường bắt được một số loài cá khác. Cá nhám rất khỏe, nếu bị dính lưới nhưng được kéo lên ngay thì chúng vẫn sống rất khỏe. Ngược lại, hầu hết cá nhám câu thì đều chết khi về tới bến. Cá nhám còn sống khi đem lên ghe cho vào những thùng nhựa, có thể sống tiếp một vài tuần nữa.
Nghề săn cá nhám rất cực vì chúng là loài tinh khôn. Thường ngư dân tìm những đàn cá nhỏ là mồi của cá nhám rồi vây bắt kẻ săn mồi. Tất cả ngư dân làm nghề săn cá nhám đều đi ban đêm, bởi ban ngày không ai nhìn thấy cá nhám bao giờ. Nếu may mắn, có chuyến anh em chúng tôi bắt được 20 con, nhưng cũng có khi chỉ tầm 5 - 7 con”.
Thảm cảnh sẽ được lặp lại
Hôm ấy, dù không săn được con cá nhám nào nhưng anh Hai Thương tự tin tuyên bố “sẽ tạo điều kiện cho huynh diện kiến dung nhan”. Dứt lời, Hai Thương đưa chúng tôi ghé thăm nhà và nhanh nhảu lôi từ trong chiếc thùng xốp 5 con cá nhám.
Cá có thân hình màu nâu đen, bụng màu trắng nhạt, viền các vây màu đen nâu. Miệng cá nhám nhỏ, có một đôi râu ở phần hàm trên. Răng dẹt, kích thước nhỏ được phân thành 3 chạc. Chạc giữa lớn nhất hình tam giác cạnh bên có 1 - 2 răng cưa nhỏ. Cơ thể hình thoi, to ở giữa và nhỏ dần về phía đuôi. Đuôi cá nhám thon dài, phần đuôi nhọn.
Hai Thương giải thích có mấy chiến hữu ở Sài Gòn muốn tới Hòn Tre thưởng thức cá nhám nên phải thủ sẵn mồi và săn thêm. Hai Thương lẩm bẩm: “Ngày trước, biển cả thiếu gì đặc sản, mấy loại cá nhám này ai thèm ăn đâu. Du lịch phát triển, tôm hùm, tôm tít, ốc hương, cua huỳnh đế, tôm mũ ni, cá da bò, cá bò giáp... vào quán nhậu chóng mặt nên khan hiếm dần. Để có mồi thay thế cho du khách đỡ ngán, mấy ông bà chủ quán mới điểm danh các loại đặc sản khác. Bây giờ tới thời cá nhám”.
Theo tâm tình của Hai Thương và dân săn cá nhám, giá một con cá qua chế biến hiện tương đương một ký ốc hương nên ai nấy đều tích cực săn lùng. “Tụi tôi trước đây chuyên đi săn. Sau đó, xăng dầu liên tục lên giá, đi biển bị "lỗ sở hụi” nên chủ ghe thuyền giải nghệ. Muốn sống được tui chuyển sang thả lưới ghẹ và bây giờ thì săn cá nhám”.
"Cá có giá chắc sống cũng được?", tôi tò mò.
"Cũng lay lắt thôi huynh ơi. Nghề biển như nghề nông. Được mùa thì mất giá. Được giá nếu không mất mùa thì nhiều đứa tranh ăn. Lúc nở rộ mỗi ngày tôi săn cả tạ cá nhám là chuyện thường. Riết rồi chỉ còn từ 5 - 8 con. Có khi chẳng có con nào hết”, anh cho biết.
Hai Thương khuyên, bây giờ tuy cá nhám hơi hiếm nhưng vẫn còn nên cố tranh thủ mà ăn, chứ mai này có tiền hổng phải muốn gì cũng được. Để dẫn chứng, Hai Thương tuôn một tràng dài: “Con ốc tù và (có tên trong sách đỏ), con chích bông, con cẩu gai, hải sâm… là ví dụ. Lúc trước những giống này nhiều lắm nhưng giờ đào đâu ra. Sớm muộn lịch sử cũng lặp lại với con cá nhám, bởi vậy mình nên tranh thủ bắt và ăn”.