Hãng thông tấn GMA đưa tin Philippines đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị Manila hủy vụ kiện bản đồ đường chín đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở biển Đông ra Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) và bắt đầu các vòng đàm phán song phương.

Trung Quốc gạ hủy vụ kiện "đường lưỡi bò", Philippines thẳng thừng từ chối

Một Thế Giới | 18/07/2015, 06:26

Hãng thông tấn GMA đưa tin Philippines đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị Manila hủy vụ kiện bản đồ đường chín đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở biển Đông ra Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) và bắt đầu các vòng đàm phán song phương.

Tôn trọng luật pháp quốc tế

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma nhấn mạnh một khi đã đưa vụ việc ra PCA, Manila nhất quyết theo đuổi đến cùng. Ông Herminio Coloma cho biết thêm Philippines dứt khoát tôn trọng luật pháp quốc tế và tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật lệ cho các tranh chấp ở biển Đông.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hối thúc Philippines “trở lại đúng đường hướng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn”. Bà Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận các nỗ lực đơn phương cầu viện một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp”. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa liên quan đến vụ kiện do Philippines khởi xướng.

Liên quan đến vụ kiện của Philippines, tạp chí Diplomat nhận định quyết định của Philippines cho thấy quyết tâm của quốc gia Đông Nam Á này theo đuổi việc gỡ rối, giải quyết tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế. Khi đã tham gia các tổ chức quốc tế, các thành viên phải tuân theo những quy định được cộng đồng quốc tế đặt ra. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng vụ kiện không chỉ quan trọng đối vối Philippines mà còn với pháp trị trong quan hệ quốc tế nói chung, đặc biệt là việc thực thi Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Không ít ý kiến cho rằng việc Trung Quốc không muốn đối mặt với Philippines ở PCA là bởi Trung Quốc không thể cung cấp được các bằng chứng cần thiết để biện minh cho yêu sách về đường chín đoạn của nước này.

Tổn hại uy tín, kinh tế

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, việc nhất quyết từ chối tham gia vào các cuộc tranh luận pháp lý cũng như thể hiện sự quyết đoán ngày càng tăng với tranh chấp biển đảo đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường, quốc tế. Tạp chí National Interest của Mỹ cho rằng những động thái của Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Việc Trung Quốc ngày càng thể hiện sự quyết đoán trong các tuyên bố về chủ quyền trên biển Đông, biển Hoa Đông làm dư luận đang dần tin rằng Bắc Kinh là cội nguồn leo thang căng thẳng trong khu vực. Từ chối tham gia toà trọng tài của Trung Quốc được các phương tiện truyền thông trích dẫn như là hành vi không tôn trọng giá trị của luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, theo Economic Times, Bắc Kinh nên tham gia vụ kiện, của Philippines bởi thông qua việc làm này, Trung Quốc có thể gửi đi một hình ảnh đẹp rằng nước này luôn tôn trọng việc xử lý các tranh chấp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Bài viết mới đây trên tờ Straits Times của Singapore nhận định chính sách của Trung Quốc ở biển Đông gây căng thẳng quan hệ và sự bất bình của các nước Đông Nam Á không chỉ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bắc Kinh mà còn dẫn đến thiệt hại kinh tế. Chuyên gia nghiên cứu về ASEAN Ekaterina Koldunova nhận xét Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có liên hệ kinh tế chặt chẽ, tâm lý bất bình với Trung Quốc có thể gây tác động lớn đến mối liên hệ này.

Hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang được hình thành. Nhiệm vụ của ASEAN là nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo ra những cơ chế cho phép các nước ASEAN mở rộng thương mại trên khắp thế giới. Các quốc gia này đang đánh giá tình hình và tiếp tục nỗ lực đa phương hóa liên hệ kinh tế của mình. Việc tìm kiếm hợp tác dưới dạng các thoả thuận bổ sung với Mỹ, Ấn Độ và các nước khác sẽ được tiếp tục cả trong lĩnh vực kinh tế. “Và do nhũng căng thẳng với Trung Quốc, các nước này sẽ nghiêm túc xem xét làm thế nào để tránh bị ràng buộc nhiều vào Bắc Kinh”, bà Koldunova nói.

Việt Nam luôn quan tâm sát sao
Từ ngày 7.7, Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở La Haye (Hà Lan) đã bắt đầu mở phiên tòa về đơn kiện của chính phủ Philippines. Tuy nhiên, PCA thông báo “sau khi nhận được những đề nghị bằng văn bản của các nước và tham khảo ý kiến từ các bên, Tòa cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, cử phái đoàn nhỏ đến tham dự với tư cách là quan sát viên”.

Hôm 9.7, trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã cử đoàn đến dự và theo dõi phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện này với tư cách quan sát viên".

PV (th)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc gạ hủy vụ kiện "đường lưỡi bò", Philippines thẳng thừng từ chối