Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 3.9 cam kết tài trợ thêm 60 tỉ USD cho châu Phi và xóa nợ cho một số quốc gia khu vực kém phát triển nhất. Đây được xem là động thái nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị- kinh tế của Trung Quốc tại đây.
Cam kết được nhà lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC). Số tiền sẽ được cung cấp dưới hình thức viện trợ chính phủ cũng như đầu tư và tài trợ của tổ chức hoặc công ty.
Cụ thể, 60 tỉ USD bao gồm 15 tỉ USD viện trợ, vay không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi, một gói tín dụng 20 tỉ USD, 10 tỉ USD tài trợ các dự án phát triển hợp tác Trung Quốc- châu Phi và quỹ đặc biệt 5 tỉ USD cho hàng nhập khẩu từ châu Phi.
Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được khuyến khích đầu tư không dưới 10 tỉ USD vào châu lục này trong vòng 3 năm tớivà Bắc Kinh xóa nợ cho những quốc gia nghèo có quan hệ ngoại giao với nước này, Chủ tịch Tập cho biết.
Ông nhấn mạnh: “Hợp tác Trung Quốc- châu Phi phải đem lại cho người dân hai bên lợi ích và thành công hữu hình, có thể nhận thấy được”. Cường quốc châu Á tại FOCAC 2015 cũng từng tuyên bố tài trợ 60 tỉ USD.
Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định đầu tư của họ tại châu lục này không có bất kỳ ràng buộc về chính trị nào cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
“Chỉ có người dân Trung Quốc và châu Phi có quyền bình luận hợp tác hai bên có tốt hay không. Không nên chỉ dựa vào thành kiến, suy nghĩ của mình mà phủ nhận thành tích to lớn của hợp tác”, Chủ tịch Tập phát biểu.
Phát biểu tại lễ khai mạc FOCAC, Tổng thống Rwandan Paul Kagame đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) cho biết: “Châu Phi không phải trò chơi người được kẻ mất. Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa chúng tôi với Trung Quốc không khiến đối tác khác mất mát gì cả”.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố FOCAC 2018 đang diễn ra “bác bỏ quan điểm châu Phi đang gặp phải chủ nghĩa thực dân mới”, nhưng ông cho rằng Trung Quốc - châu Phi nên xây dựng quan hệ thương mại cân bằng hơn.
Hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Phi với danh nghĩa triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường bị chỉ trích là “ngoại giao bẫy nợ”, khiến các quốc gia trong khu vực chìm trong nợ nần và buộc phải cho Bắc Kinh kiểm soát cơ sở hạ tầng chiến lược. Động thái “mạnh tay” chi thêm 60 tỉ USD mới nhất càng khiến phương Tây thêm nghi ngờ.
Ông Grant Harris, cựu cố vấn về các vấn đề châu Phi của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tuần trước cáo buộc Trung Quốc đang cẩn thận đặt ra “một cái bẫy” để chính phủ các nước khu vực sa vào.
“Nợ Trung Quốc đã là ma túy đá, rất dễ gây nghiện, luôn có sẵn và đem lại tác động tiêu cực lâu dài vượt xa lợi ích tạm thời”, theo ông Harris.
Tại chính châu Phi cũng xuất hiện quan điểm chỉ trích. Nhà bình luận chính trị Patrick Gathara tại Kenya cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta (Kenya) đang thành quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh mua chuộc tầng lớp lãnh đạo đất nước”.
Ngoài viện trợ tài chính, Chủ tịch Tập còn cho biết sẽ lập một quỹ hòa bình và an ninh khu vực, trong khi vẫn cung cấp hỗ trợ quân sự miễn phí cho AU.
Giới phân tích đánh giá những cam kết lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Phi giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ngoài ra, từ đây có thể nhìn ra Bắc Kinh đã thay đổi trọng tâm, không còn chỉ tập trung nhắm năng lượng cùng với tài nguyên của châu lục này.
Theo nhà nghiên cứu Trình Thành thuộc Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương đại học Nhân dân, dân số mà đặc biệt là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của châu Phi là thị trường xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc. Chiều ngược lại, cường quốc châu Á có khả năng nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng nông nghiệp châu Phi.
Chuyên gia kinh tế Razia Khan của ngân hàng Standard Chartered xem khoản 5 tỉ USD cho hàng nhập khẩu từ châu Phi (nằm trong tổng số 60 tỉ USD nêu trên) là nỗ lực tái cân bằng thương mại, sau khi Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta phàn nàn về thâm hụt thương mại khổng lồ của toàn khu vực với Trung Quốc. Theo Tổng thống, Bắc Kinh phải nhập nhiều hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn.
Cẩm Bình (theo SCMP, Financial Times)