Một số nhà phân tích nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng tình trạng cải thiện Trung - Nhật đem lại triển vọng cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Cơ hội đến với RCEP

Cẩm Bình | 03/09/2018, 15:35

Một số nhà phân tích nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng tình trạng cải thiện Trung - Nhật đem lại triển vọng cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Trần Chấn Thanh cho biết, đại diện đàm phán của 16 nước tham gia RCEP trong cuộc họp tại đảo quốc này tuần trước đã đi đến thống nhất về một số vấn đề chính yếu của hiệp định này, và các lãnh đạo khi gặp nhau vào tháng 11 nhiều khả năng đạt được một thỏa thuận rộng rãi.

RCEP quy tụ 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand, tạo thành thị trường chiếm gần một nửa dân số thế giới và 1/3 GDP toàn cầu. Quá trình đàm phán đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, triển vọng đạt đồng thuận được thắp lên khi báo Sankei dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố quan hệ với Trung Quốc “đã trở lại bình thường”.

Chuyên gia Hoắc Kiến Quốc, cựu lãnh đạo một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, khẳng định cường quốc châu Á rất cần RCEP có bước đột phá, vì họ muốn vượt qua cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng cách mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực.

“Trung Quốc phải chủ động hình thành một trật tự thương mại quốc tế mới. Đàm phán RCEP kéo dài quá lâu và không thể trì hoãn thêm nữa”, theo chuyên gia Hoắc.

Việc xác định mức độ mỗi quốc gia mở cửa thị trường là nguyên nhân chính khiến đàm phán đình trệ. Một số nước như Nhật Bản yêu cầu mở cửa sâu rộng, nhưng India với nhiều đối tác khác phản đối.

Chuyên gia Hoắc nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là phải đạt được thỏa thuận, và một thỏa thuận tạm thời có thể cho phép các quốc gia mở cửa dần.

Giới phân tích đánh giá tiến bộ trong RCEP phụ thuộc vào hợp tác giữa Bắc Kinh với Tokyo, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhà nghiên cứu Giang Thụy Bình của Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Nhật đối với RCEP từng khá thụ động nhưng nay đã chủ động hơn. Theo Giang, Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) cùng với nhu cầu cần một hiệp định thương mại tự do khu vực là các yếu tố thúc đẩy Tokyo chuyển hướng chú ý sang RCEP.

Thủ tướng Abe vào tháng 7 từng kêu gọi: “Khi chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trên thế giới, châu Á phải đoàn kết lại”.

Khi quan hệ song phương có sức sống mới, Nhật sẽ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề mà đặc biệt là thương mại khu vực, nhà nghiên cứu Giang nhận định.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội đến với RCEP