Mỹ và phương Tây trong nhiều năm tỏ ra cứng rắng với Triều Tiên, song Bình Nhưỡng vẫn có thể mở rộng và cải tiến kho vũ khí hạt nhân hủy diệt.

Triều Tiên 'tranh thủ' nắm bắt quan hệ với Trung Quốc - Nga để đối đầu Mỹ

Hoàng Vũ | 14/06/2022, 12:45

Mỹ và phương Tây trong nhiều năm tỏ ra cứng rắng với Triều Tiên, song Bình Nhưỡng vẫn có thể mở rộng và cải tiến kho vũ khí hạt nhân hủy diệt.

Mỹ và hầu hết các nước phương Tây trong nhiều năm đã ủng hộ  cách tiếp cận với Triều Tiên bằng trừng phạt và gây áp lực cao, thế nhưng, bất chấp những khó khăn kinh tế - bắt nguồn từ các chế tài cứng rắn - Bình Nhưỡng vẫn liên tục mở rộng và cải tiến kho vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong bối cảnh đó, Nga và Trung Quốc dường như được cho là đang ngăn chặn bất kỳ động thái trừng phạt mới nào của Mỹ - ví dụ gần đây nhất là vào ngày 27.5, Moscow và Bắc Kinh phủ quyết đề xuất của Washington về các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung lần đầu tiên tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuần trước, Zhang Jun, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc chỉ trích "các chính sách của Mỹ", khi không thành công trong việc đối thoại với Bình Nhưỡng và đã dẫn đến những căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên.

Tương tự, Phó đại sứ tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva của Nga cho biết, các biện pháp trừng phạt mới áp dụng với Triều Tiên "sẽ đi vào ngõ cụt". Bà nhấn mạnh rằng các chế tài hiện tại không đảm bảo an ninh trong khu vực và "cũng như không giúp thúc đẩy trong việc giải quyết các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong khi đó đã nêu quan ngại về quyền phủ quyết trong cuộc họp với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Luxembourg hôm 13.6.

Sự ủng hộ công khai như vậy của Trung Quốc và Nga đã đưa Triều Tiên đến gần hơn với hai nước láng giềng lớn nhất.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ khăng khít của hai nước, theo một bài báo trên tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên vào cuối tuần trước.

Bức thư viết rằng "Người dân Triều Tiên mở rộng sự ủng hộ và động viên đầy đủ" đối với Nga, nước đã "đạt được những thành công to lớn trong việc hoàn thành mục tiêu chính nghĩa là bảo vệ phẩm giá và an ninh của đất nước họ" - có thể là ám chỉ đến việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Với việc Nga và Trung Quốc nằm trong số 5 thành viên Hội đồng Bảo an nắm quyền phủ quyết đối với các lệnh trừng phạt, điều này khiến Mỹ rơi vào tình thế khó khăn vì các biện pháp trừng phạt khó có thể có hiệu lực như mong muốn nếu không được tất cả các quốc gia thành viên chấp thuận.

Sangsoo Lee, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc - Triệu Tiên Stockholm tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển, cho biết: “Với sự bất hợp tác của Nga và Trung Quốc, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Triều Tiên đang suy yếu".

Thay vì ủng hộ các chế tài, Nga và Trung Quốc đã đề xuất một quá trình từng bước nhằm phi hạt nhân hóa với các hành động "có đi có lại" được thực hiện bởi cả Washington và Bình Nhưỡng. Trên thực tế, Moscow và Bắc Kinh không tin rằng Triều Tiên sẽ có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân mà không có bất cứ điều kiện gì để đổi lại.

Mức độ bất hòa quốc tế này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng có thể thúc đẩy Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích.

Zhiqun Zhu, giáo sư tại Đại học Bucknell (Mỹ) cho biết: “Triều Tiên có khả năng lợi dụng tình trạng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, lợi dụng việc Washington và Bắc Kinh đang quá bận rộn cạnh tranh với nhau để quan tâm đúng mức đến vấn đề Triều Tiên”. 

Mặc dù thực tế đã chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên không mấy hiệu quả, nhưng ông Zhu cho biết, Mỹ khó có thể từ bỏ chiến lược này. "Những thói quen cũ khó có thể biến mất nhưng để Washington từ bỏ chính sách đối ngoại dựa trên các biện pháp trừng phạt, cần phải có sự thay đổi", Zhu nói.

Chuyên gia Sangsoo Lee cho rằng ba bên cần cố gắng và tìm ra điểm chung nào đó. “Mỹ có thể thuyết phục Nga và Trung Quốc về việc Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân, đồng thời gợi ý rằng các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng nếu Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa trong một khoảng thời gian nhất định".

Tuy nhiên, Zhu cho rằng bất kỳ phản ứng dữ dội nào từ Trung Quốc về một vụ thử hạt nhân là khó có thể xảy ra vào lúc này. Trên thực tế, vào ngày 2.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã "bóng gió" rằng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới ngay cả khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân.

“Trung Quốc sẽ không làm gì nhiều nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lúc này, ngoài việc bày tỏ sự hối tiếc và kêu gọi các bên bình tĩnh, không leo thang căng thẳng. Do đó, Triều Tiên có thể cảm thấy mình chẳng còn gì để mất, ngay cả khi họ tiến hành một vụ thử hạt nhân", giáo sư Zhiqun Zhu nhận định.

Cũng theo ông Zhu, các động thái quốc tế gần đây cũng khiến ba bên khó hợp tác hơn trên bất kỳ mặt trận nào. "Mỹ quyết tâm làm suy yếu, và thậm chí đánh bại Nga trong xung đột tại Ukraine, đồng thời, công khai tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của họ", Zhu nói thêm.

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên 'tranh thủ' nắm bắt quan hệ với Trung Quốc - Nga để đối đầu Mỹ