TSMC đã cam kết tạo ra hàng ngàn việc làm tại Mỹ, song có những căng thẳng ngày càng gia tăng về việc liệu công nhân người Mỹ có đủ kỹ năng hoặc đạo đức làm việc để thực hiện những công việc này.

Tranh cãi liệu công nhân Mỹ có đủ kỹ năng để làm ở hãng sản xuất chip số 1 thế giới?

Sơn Vân | 16/08/2023, 19:45

TSMC đã cam kết tạo ra hàng ngàn việc làm tại Mỹ, song có những căng thẳng ngày càng gia tăng về việc liệu công nhân người Mỹ có đủ kỹ năng hoặc đạo đức làm việc để thực hiện những công việc này.

TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Đài Loan) cho biết sự thiếu kỹ năng của công nhân Mỹ là lý do tại sao việc mở cửa nhà máy bán dẫn của họ ở thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ bị đẩy lùi đến năm 2025. Đó là lý do tại sao TSMC muốn được chính phủ Mỹ cấp thị thực thêm cho 500 công nhân Đài Loan, điều mà một liên đoàn lao động tại Arizona đang cố gắng ngăn chặn.

Không chỉ bất đồng về chuyên môn gây rủi ro cho nhà máy chip của TSMC ở Phoenix, sự khác biệt trong văn hóa làm việc giữa Mỹ và Đài Loan, nơi nhân viên nói rằng phải làm việc theo ca kéo dài và biết tuân thủ quy tắc, có thể mang đến những thách thức không chỉ cho việc xây dựng nhà máy mà còn cả hoạt động của nó sau khi mở cửa.

tranh-cai-lieu-cong-nhan-my-co-du-ky-nang-de-lam-o-hang-san-xuat-chip-so-1-the-gioi1.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay với ông Mark Liu - Ảnh: AP

Hồi tháng 3, ông Morris Chang - người sáng lập TSMC đã phát biểu tại một hội thảo ở Đài Loan về điều mà ông cho là khoảng cách đáng kể trong văn hóa làm việc. 

"Nếu một kỹ sư ở Đài Loan nhận được cuộc gọi khi đang ngủ, anh ta sẽ thức dậy và bắt đầu mặc quần áo. Vợ anh ấy sẽ hỏi: 'Có chuyện gì vậy?'. Anh ta sẽ trả lời: 'Anh cần đến nhà máy'. Vợ anh sẽ ngủ tiếp mà không nói thêm lời nào. Đây là văn hóa làm việc", Morris Chang nói.

Theo tờ The New York Times, các nhân viên TSMC nghi ngờ việc công nhân Mỹ sẽ sẵn sàng hy sinh vì công việc như người ở Đài Loan. Họ cho biết công nhân Đài Loan ở Arizona có thể sẽ bị buộc phải nhận phần việc còn thiếu cho các đồng nghiệp người Mỹ.

"Điều khó khăn nhất khi sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) không phải là công nghệ. Khó nhất là quản lý nhân sự. Người Mỹ là những người khó quản lý nhất", theo Wayne Chiu, cựu kỹ sư TSMC, cho biết từng cân nhắc chuyển đến Mỹ trước khi quyết định từ chối.

Các nhân viên hiện tại và trước đây của TSMC tại Mỹ cũng đưa ra những lo ngại trên trang web Glassdoor về việc làm.

"Thời gian của tôi tại TSMC Phoenix là một cơn ác mộng. Khối lượng công việc khó quản lý, môi trường văn phòng độc hại và thiếu nguồn lực khiến nó trở thành một trải nghiệm không thể chịu đựng được", một kỹ sư ở Arizona viết vào tháng 7.

Một nhân viên giấu tên của TSMC Phoenix viết vào tháng 7: "Làm việc 12 giờ là bình thường. Ngay cả khi làm việc vào cuối tuần, bạn vẫn không thể đáp ứng thời hạn".

Vào tháng 6, tờ Fortune đưa tin một kỹ sư Đài Loan (làm việc 5 năm tại TSMC) cho biết các công nhân TSMC bị cản trở nộp đơn xin trả lương làm thêm giờ và phải làm theo những gì được yêu cầu.

"Các nhà quản lý không thể bày tỏ ý kiến của mình với cấp trên. Điều này đơn giản là không thể thực hiện được", ông nói.

Ngày 24.7, một kênh YouTube của Đài Loan gần 3 triệu người theo dõi đăng video cáo buộc công nhân ở Phoenix lười biếng và sử dụng smartphone quá nhiều trong công việc, bản tin song ngữ về công nghệ, kinh doanh và quan hệ Mỹ - Á đưa tin. Trang Insider không thể liên hệ được với quản trị viên kênh YouTube này.

Song theo trang Focus Taiwan, khi được hỏi về mối quan tâm của công nhân Mỹ với văn hóa của TSMC, ông Mark Liu - Chủ tịch công ty Đài Loan nói: "Những người không muốn thay đổi ca làm việc không nên tham gia sản xuất chất bán dẫn. Lĩnh vực này không chỉ liên quan đến mức lương hấp dẫn mà còn là đam mê với nó".

Mark Liu cũng nói rằng các công nhân của TSMC tại Mỹ sẽ không được áp dụng cùng văn hóa làm việc như ở Đài Loan. Ông sẽ sẵn lòng tiếp nhận những thay đổi miễn là các giá trị cốt lõi của TSMC được duy trì.

tranh-cai-lieu-cong-nhan-my-co-du-ky-nang-de-lam-o-hang-san-xuat-chip-so-1-the-gioi.jpg
Các vị khách chờ chuyến thăm của Tổng thống Biden tới nhà máy TSMC ở Phoenix - Ảnh: The New York Times

Tranh cãi gay gắt liệu công nhân Mỹ có đủ kỹ năng để làm việc tại TSMC?

Morris Chang đã thẳng thắn đánh giá về lực lượng lao động Mỹ trong một podcast năm 2022: "Ngay từ đầu đã thiếu các tài năng sản xuất".

Morris Chang trích dẫn kinh nghiệm của TSMC tại nhà máy sản xuất ở bang Oregon (Mỹ), nơi ông cho biết chi phí sản xuất cao hơn khoảng 50% so với ở Đài Loan.

"Chúng tôi gửi đủ loại người đến đây. Chúng tôi thay đổi người quản lý và kỹ sư. Chúng tôi sử dụng cả kỹ sư Mỹ. Chúng tôi cũng gửi kỹ sư từ Đài Loan đến Oregon để cố gắng cải thiện hiệu suất", ông nói trong podcast, được tổ chức bởi Viện Brookings.

Morris Chang cho biết hiệu suất đã được cải thiện nhưng chênh lệch chi phí 50% vẫn giữ nguyên.

Song theo Arizona Pipe Trades 469 Union, khi tuyên bố tình trạng thiếu kỹ năng ở Phoenix, TSMC đã cố tình trình bày sai về kỹ năng của lực lượng lao động Arizona. Arizona Pipe Trades 469 Union nói rằng đại diện cho hơn 4.000 thợ lắp ống, thợ ống nước, thợ hàn và kỹ thuật viên sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí.

Arizona Pipe Trades 469 Union bắt đầu gửi một bản kiến ​​nghị kêu gọi các nhà làm luật Mỹ từ chối cấp thị thực thêm cho 500 công nhân Đài Loan mà TSMC đang tìm kiếm. Theo Arizona Pipe Trades 469 Union, bằng cách chấp thuận các yêu cầu thị thực của TSMC, các nhà làm luật sẽ đặt nền móng cho "lao động giá rẻ" để thay thế công nhân Mỹ.

"Việc thay thế công nhân của Arizona bằng công nhân bên ngoài mâu thuẫn trực tiếp với mục đích mà Đạo luật CHIPS được ban hành, để tạo việc làm cho công nhân Mỹ", trích nội dung bản kiến nghị của Arizona Pipe Trades 469 Union.

Arizona Pipe Trades 469 Union không đưa ra bình luận khi được trang Insider đề nghị. TSMC không trả lời các câu hỏi từ Insider về văn hóa và kỳ vọng của họ với người lao động Mỹ. Tuy nhiên, TSMC nói rằng các công nhân Đài Loan sắp tới sẽ không phải là mối đe dọa với bất kỳ công việc nào của Mỹ, mà họ chỉ ở đó trong thời gian giới hạn để hỗ trợ quá trình xây dựng văn hóa làm việc.

"Nhà máy TSMC Phoenix đang trong giai đoạn quan trọng để xử lý, lắp đặt tất cả thiết bị chuyên dụng và tiên tiến nhất trong một cơ sở tinh vi. Các nhà cung cấp của chúng tôi cần huy động những người lao động chuyên nghiệp có kinh nghiệm vững vàng và kỹ năng liên quan để hỗ trợ công việc này, đồng thời chia sẻ kiến thức với người lao động địa phương. Chúng tôi không thay thế bất kỳ công nhân địa phương nào bằng công nhân nước ngoài. Chúng tôi tiếp tục ưu tiên thuê công nhân địa phương ở Arizona", TSMC trả lời Insider.

Adam Ozimek, nhà kinh tế của tổ chức Economic Innovation Group, viết trên X (trước đây được gọi là Twitter) rằng người Mỹ có thể thực hiện công việc nhưng với tốc độ chậm hơn.

Ông viết: “Những gì tôi nghe được từ những người trong ngành công nghiệp bán dẫn là không phải thợ ống nước và thợ lắp đường ống của Mỹ không thể thực hiện công việc theo đúng nghĩa đen. Vấn đề là họ phải mất nhiều thời gian hơn vì sự khác biệt về kinh nghiệm".

Bài liên quan
Phản ứng của Volkswagen, TSMC khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium
Volkswagen cho biết đang theo dõi tình hình trên thị trường kim loại sau khi Trung Quốc (TQ) áp đặt hạn lệnh chế xuất khẩu với gallium và germanium, hai kim loại được sử dụng trong chất bán dẫn và ô tô điện. Một số nhà sản xuất chip đã giảm bớt lo ngại tiềm ẩn với nguồn cung.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi liệu công nhân Mỹ có đủ kỹ năng để làm ở hãng sản xuất chip số 1 thế giới?