Tình yêu thiên nhiên trong mỗi câu chuyện của Trần Hoài Dương rất dễ đi vào lòng người và đằm sâu ở đó chính vì những ân tình mà ông có thể nhìn ra trong vạn vật thiên nhiên tươi đẹp.

Trần Hoài Dương: Người đánh thức tình yêu thiên nhiên cho tâm hồn trẻ nhỏ

Tiểu Vũ | 07/05/2021, 13:06

Tình yêu thiên nhiên trong mỗi câu chuyện của Trần Hoài Dương rất dễ đi vào lòng người và đằm sâu ở đó chính vì những ân tình mà ông có thể nhìn ra trong vạn vật thiên nhiên tươi đẹp.

img_4438tran-hoai-duong.jpg
Cố nhà văn Trần Hoài Dương và tác phẩm - Ảnh: Gia đình nhà văn cung cấp

Như Một Thế Giới đã đưa tin, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố nhà văn Trần Hoài Dương (6.5.2011- 6.5.2021) sáng 6.5, Hội Nhà văn TP.HCM cùng gia đình tác giả tổ chức buổi tọa đàm Trần Hoài Dương – Cuộc đời và tác phẩm.

Tham dự buổi tọa đàm Trần Hoài Dương – Cuộc đời và tác phẩm có Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân, các nhà văn – nhà thơ: Trầm Hương, Trần Quốc Toàn, Văn Công Hùng, Cao Xuân Sơn, Bùi Phan Thảo, Kim Quyên, Phương Huyền, Võ Thu Hương, nhà báo nghiên mỹ thuật cứu Lý Đợi cùng đại diện gia đình nhà văn và bạn đọc.

Nhà văn Trần Hoài Dương được biết đến nhiều trong những trang sách giáo khoa suốt hàng chục năm nay. Ông gần như dành cả cuộc đời của mình để sáng tác văn học cho lứa tuổi thiếu nhi qua loạt tác phẩm nổi tiếng như Em bé và bông hồng, Cây lá đỏ, Miền xanh thẳm...Hầu hết sách của ông đều hướng cho trẻ em và những người yêu trẻ, yêu văn học tới những nét đẹp trong trẻo, hồn hậu trong cuộc sống con người, thiên nhiên, vạn vật.

 Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, quê gốc Hải Dương, sinh năm 1943 tại Thị Cầu, Bắc Ninh, sống nhiều năm ở Hà Nội. Tốt nghiệp trường báo chí trung ương năm 1961, khi mới 20 tuổi, Trần Hoài Dương về công tác tại Tạp chí Học tập  (sau đổi tên là Tạp chí Cộng Sản)

Từ năm 1968-1969 Trần Hoài Dương đi thực tế tại trường giáo dục trẻ em của Bộ Giáo dục trên Bắc Giang. 

Từ năm 1971 đến năm 1981 là biên tập rồi phụ trách ban văn xuôi báo Văn Nghệ – Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1982 chuyển vào TP.HCM làm ở nhà xuất bản Măng Non (sau được tổi tên là Nhà xuất bản Trẻ), làm trưởng ban Văn học. 

Năm 1992 ông xin ra khỏi biên chế, thôi tham gia sinh hoạt Đảng, trở thành một nhà văn tự do để dành toàn bộ tâm sức viết cho thiếu nhi.

Từ năm 1982 đến khi qua đời, ông sống ở TP.HCM. Ông mất ngày 6.5.2011 sau một cơn đột quỵ tại nhà riêng, đường Thích Quảng Đức , hưởng thọ 68 tuổi.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã có bài phát biểu đánh giá nhìn nhận sự nghiệp văn chương của nhà văn Trần Hoài Dương dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều kỷ niệm sâu sắc và xúc động về ông lúc sinh thời cũng đã được các nhà nghiên cứu nhà văn thuộc nhiều thế hệ kể lại.

Một Thế Giới giới thiệu đến bạn đọc bài tham luận của nhà văn trẻ Võ Thu Hương (Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM):

Trần Hoài Dương: Người đánh thức tình yêu thiên nhiên cho tâm hồn trẻ nhỏ

Hôm trước, khi nhắc tới nhà văn Trần Hoài Dương, một người bạn, người anh lớn tôi quen, PGS - TS Bùi Thanh Truyền đã đọc lại một đoạn văn Em bé và bông hồng. Và lúc ấy, trong kí ức từ rất xưa, cùng với Em bé và bông hồng, Cây lá đỏ, Đàn chim sẻ,... những trang văn giàu nhạc và hoạ của Trần Hoài Dương - một trong những tác giả được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích, ùa về.

dscf3218.jpg
Nhà văn Trần Hoài Dương và bạn đọc nhỏ tuổi - Ảnh: Gia đình nhà văn cung cấp

Đã có một thời, tôi tỉ mẩn chép đến thuộc lòng những trang văn thật đẹp của ông trong một cuốn sổ dành riêng để chép những trang văn bài thơ mà mình yêu thích. Điều mà tôi ấn tượng nhất trong những trang văn Trần Hoài Dương là thiên nhiên với những vẻ đẹp xinh, trong veo, đầy ân tình. Dưới ngòi bút của ông, từ cây nhút nhát, chiếc lá đỏ, đàn chim sẻ... vạn vật đều được sống đời sống của mình, đều có linh hồn và rất gần với tâm hồn trẻ nhỏ.

Thiên nhiên là người bạn lớn với trẻ nhỏ trong tác phẩm của Trần Hoài Dương. Người bạn lớn ấy gắn liền, hoà hợp trong cuộc sống của trẻ, dành những điều xinh đẹp, đáng yêu nhất để đãi trẻ.

Khi viết về thiên nhiên như người bạn thiết thân, gần gũi gắn với cuộc sống của lũ trẻ, trong Miền xanh thẳm, ông kể: “Lối mòn giống người bạn nhỏ nghịch ngợm vui tính rủ rê bọn trẻ chúng tôi len lỏi vào giữa những bụi sim mua, những đám bòng bong, ràng ràng rậm rì, những cây khế rừng lúc lỉu những chùm quả chát chát chua chua, những cây mâm xôi chi chít quả đỏ chót ngọt lịm, những cây chua me dại quả tròn xoe, xanh trong như ngọc, mới ăn thì chát nhưng sau vị ngọt cứ đậm dần, thấm mãi nơi cổ họng.

Trời đất hào phóng bày ra cơ man nào là hoa quả mời mọc, chiêu đãi chúng tôi, những đứa trẻ lăn lóc suốt ngày trên các bờ bãi”… Tôi đã nhìn thấy chính tuổi thơ mình khi cùng đám bạn thường tha thẩn với cây với hoa, và những quả dại trên những lối mòn ven chân núi Quyết, ven khu thành cổ Vinh. Chúng tôi giống y bọn trẻ ấy, suốt những mùa hè, những ngày cuối tuần rảnh rỗi lại dẫn nhau đi tìm dăm ba quả dại nhưng là những món quà quý của thiên nhiên.

72791732_2987247264623679_6603520322203287552_n.jpg
Nhà văn trẻ Võ Thu Hương - tác giả bài tham luận 

Người bạn thiên nhiên nhẹ nhàng nhưng cũng đầy sâu sắc khi chỉ bảo cho trẻ những điều hay ở đời. Để từ đó, thế giới trẻ thơ được rộng mở hơn, lãng mạn, nhạy cảm hơn khi trẻ có thêm những trải nghiệm sống qua cả những cuộc đời cây cỏ, muôn loài. Như truyện Chiếc lá, một chú chim sâu hỏi thăm về cuộc đời chiếc lá, chiếc lá tự nhận “Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu”, “tôi chỉ là chiếc lá nhỏ nhoi bình thường”, nhưng cuộc đời nhỏ nhoi khiêm cung ấy với một đóa hoa lại là: “Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ có họ mới có chúng tôi: những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói trên kia ... “. Chỉ một câu truyện ngụ ngôn bé nhỏ, dạy con trẻ lòng biết ơn, biết trân trọng những điều bình thường như cách những đoá hoa đang sống hay sống khiêm nhường, vị tha như cách chiếc lá tự nghĩ về đời mình nhưng mang nhiều ý nghĩa lớn lao.

Hay trong truyện ngắn Chiếc lá đỏ là câu chuyện ân tình về chiếc lá bàng đỏ thắm run rẩy trước gió đông. Gió rủ rê lá lang thang rong chơi. Chiếc lá cảm ơn bạn gió và nhẹ nhàng từ chối vì: Suốt đời, cây đã nuôi tôi. Trong những phút cuối cùng của cuộc đời, tôi không muốn bỏ cây mà đi. Tôi đang muốn đem lại niềm vui cho cây nên đã dồn hết sức mình, đẹp rực rỡ lên một lần cuối để cho cây tự hào mình có một chiếc lá đỏ đẹp đến như thế...

183312163_4527348120613578_952699075861252856_n.jpg
Các nhà văn thuộc Hội Nhà văn TP.HCM tại buổi tọa đàm về nhà văn Trần Hoài Dương - Ảnh: BTC cung cấp

Em bé và bông hồng – một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, thiên nhiên xinh đẹp thể hiện qua đoá hoa hồng nhung. Em bé vì không nghe lời mẹ đã ngắt hoa giấu vào bụi cây, để hoa héo, bạn chê... Em bé ấy không bao giờ hái hoa nữa. Là bài học “bông hoa này là của chung” dung dị thôi nhưng dưới ngòi bút của Trần Hoài Dương, bông hoa mang linh hồn của bông hoa, em bé có tâm hồn của bé, em bé biết yêu đoá hoa đẹp, biết thương bông hoa vì mình mà bị héo... câu chuyện giản dị nhưng chạm vào trái tim mỗi người vì nét đẹp trong từng câu, từng chữ.

Tình yêu thiên nhiên trong mỗi câu chuyện của Trần Hoài Dương rất dễ đi vào lòng người và đằm sâu ở đó chính vì những ân tình mà ông có thể nhìn ra trong vạn vật thiên nhiên tươi đẹp. Thiên nhiên đối với con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ, cỏ cây muông thú đối đãi với nhau... đều chung một chữ tình trọn vẹn như thế.

Một trong những truyện ngắn nhiều thế hệ trẻ em đều yêu thích của Trần Hoài Dương là đàn chim sẻ. Cái tình mà đàn chim đối với nơi mình gắn kết có lẽ chỉ những người yêu cái đẹp, trọng những giá trị nhân văn mới nhìn ra: “Có một đàn chim sẻ trú ngụ trên cây gạo cằn cỗi, già nua suốt mùa đông giá rét. Đàn chim sẻ cứ ngỡ cây gạo sẽ chết, chúng thương lắm, không nỡ rời cây gạo. Đàn chim sẻ hàng ngày cầu mong cây gạo hồi sinh. Mùa xuân tới, những nụ mầm xanh non bật ra từ thân cây cỗi cằn, cây hoa gạo vươn trong gió xuân. Đàn chim sẻ vui lắm, chúng reo vui khắp khu rừng như báo tin mùa xuân đã về, cây gạo đã xanh tươi trở lại”.

182132954_112829740956865_8486223381611681494_n.jpg
PGS- TS Bùi Thanh Truyền phát biểu trong tọa đàm về nhà văn Trần Hoài Dương

Khu nhà tôi ở suốt thời thiếu nhi có những gốc gạo cổ thụ, có những đàn chim sẻ nô đùa, chao lượn trên ấy. Mỗi lần đi ngang tôi đều đứng ngắm nhìn, và những câu văn về đàn chim sẻ, cây gạo của Trần Hoài Dương khiến cho cây gạo, đàn chim nơi góc phố nghèo của tôi trở nên lung linh, đẹp đẽ hơn so với vẻ ngoài vốn dĩ đã rất đẹp. Và cũng như khi chạm vào cây xấu hổ (cây trinh nữ), tôi lại nghĩ tới cây nhút nhát vì nhút nhát mà nhắm mắt mỗi khi gió thổi mà không có cơ hội nhìn thấy được chú chim xanh tuyệt đẹp vụt bay lên. Khi nhìn chiếc lá bàng đỏ rực, không chỉ thấy ngời lên sắc màu kiêu hãnh, còn nhớ tới ân tình lá dành cho cây như trong những trang văn của ông. Những vẻ đẹp thiên nhiên cùng những thông điệp sâu sắc mà ông gửi gắm trong từng câu chuyện dung dị, rất tự nhiên, theo tuổi thơ thế hệ chúng tôi và nhiều thế hệ bé thơ khác lớn lên.

182918438_193575792482977_6102398187699943103_n-rotated.jpg
Tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương đăng trên báo Khăn quàng đỏ năm 2010 - Ảnh: Tư liệu

Nhà văn Trần Hoài Dương trong câu chuyện của những bè bạn mà tôi biết, là người yêu thiên nhiên đến say mê. Phải rồi, chỉ có thể say mê mới có thể viết ra những trang văn đầy mật ngọt như thế. Chỉ có thể đắm say mới có thể dễ dàng chạm vào cảm xúc không chỉ trẻ nhỏ mà với cả những người lớn yêu trẻ, yêu thiên nhiên đến thế. Chỉ đắm say, những trang văn ấy mới đằm sâu những giá trị cả khi nhà văn đã rời xa.

Khi Hội Nhà văn TP.HCM bắt đầu kế hoạch tổ chức cuộc toạ đàm nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông đã định lấy tên chủ đề Miền xanh thẳm. Miền xanh thẳm là tiểu thuyết duy nhất của ông. Nhưng, miền xanh thẳm, còn mang ý nghĩa chủ đề, người đã đi về cõi mây trắng trời xanh, nhưng vẫn để lại một miền xanh thẳm trong lòng những người mến yêu. Miền xanh thẳm ấy, với tôi, không thể thiếu tình yêu thiên nhiên mà ông gửi gắm sau những trang văn. Hẳn không chỉ 10 năm, mà sẽ tính bằng những thế hệ thiếu nhi, sẽ còn mãi đó. Vì tình người, tình yêu thiên nhiên luôn có sẵn trong lòng mỗi đứa trẻ. Ông là người đánh thức, bằng những trang văn đầy thi ca nhạc hoạ, đầy chân tình, niềm vui trong miền xanh thẳm văn chương mang dấu ấn Trần Hoài Dương.

Bài liên quan
Nhớ Trần Hoài Dương, một miền xanh thẳm tuổi thơ
Có những cây bút dành trọn lẽ sống để viết cho thế giới tuổi thơ như một thứ Đạo. "Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ".Trần Hoài Dương là một nhà văn như vậy. Ông đã mãi mãi đi về miền xanh thẳm nhưng vẫn còn một "Miền Xanh Thẳm" tác phẩm kỳ diệu của ông để lại bên bờ trần gian cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Hoài Dương: Người đánh thức tình yêu thiên nhiên cho tâm hồn trẻ nhỏ