TPP - Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới được xem là yếu tố quyết định "kẻ thắng, người thua" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tờ Bloomberg nhận định.

TPP đã quyết định kẻ thắng, người thua ở châu Á - Thái Bình Dương

Một Thế Giới | 11/10/2015, 05:00

TPP - Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới được xem là yếu tố quyết định "kẻ thắng, người thua" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tờ Bloomberg nhận định.

TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3.2010, gồm 12 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. 
Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp...
Thỏa thuận này nhằm loại bỏ hoặc giảm thuế quan và các hình thức khác của chủ nghĩa bảo hộ trong 12 quốc gia thành viên. Hiệp định TPP được xem là chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, với sản lượng kinh tế gần 30.000 tỉ USD.
Nhà Trắng ước tính thỏa thuận này sẽ xóa bỏ 18.000 loại thuế quan đối với tất cả cả mặt hàng được sản xuất tại Mỹ. Thêm vào đó, thỏa thuận này sẽ mang đến cơ hội cho từ những người nuôi tôm ở Việt Nam đến những người nông dân chăn nuôi bò sữa ở New Zealand có thể thậm nhập vào các thị trường ở khu vực Thái Bình Dương với mức thuế rẻ hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận này sẽ giết chết việc làm ở Mỹ, giảm tiêu chuẩn môi trường và nâng cao giá thuốc.
Vậy, TPP đã quyết định kẻ thắng, người thua ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như thế nào?
Nhật Bản
Các nhà sản xuất ô tô và linh kiện ô tô Nhật Bản có thể là người chiến thắng lớn nhất, vì họ có thể xuất khẩu với mức thuế rẻ hơn vào Mỹ, thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Nhật Bản.
Nhật Bản đã buộc phải giảm bớt một số biện pháp bảo vệ đối với người nông dân trồng lúa nhằm tạo ra một hạn ngạch nhập khẩu không thuế.
Nông dân chăn nuôi có thể chịu ảnh hưởng nặng nề khi thuế quan đối với thịt bò sẽ bị cắt giảm đến 9% trong 16 năm, từ mức 38,5% trong khi thuế quan đối với thịt lợn cũng sẽ bị cắt giảm.
Úc
Thỏa thuận này sẽ loại bỏ khoảng 9 tỷ đô la Úc tiền thuế nhập khẩu từ việc giao dịch ở Úc.
Hơn nữa, Úc sẽ được giảm các khoản thu khi xuất khẩu đường vào thị trường Mỹ và quốc gia này cũng được hưởng lợi từ việc được cắt giảm thuế quan thịt bò.
Úc và New Zealand đã thành công trong việc gây áp lực cho Mỹ để khiến các bên có thể đạt được thỏa thuận về dược phẩm và thuốc công nghệ sinh học.
Ngoài ra, tất cả các nhà sản xuất của Úc từ sản xuất sắt thép, dược phẩm, máy móc, giấy và phụ tùng ô tô đều được giảm thuế.
New Zealand
Các loại thuế quan giữa New Zealand và các đối tác trong TPP sẽ được xóa bỏ đến 93%. Theo đó, mức thuế này sẽ giúp New Zealand tiết kiệm được 259 triệu đô la New Zealand, Bộ trưởng Thương mại Tim Groser cho biết.
Ngành công nghiệp sữa, chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu của quốc gia này, sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu đô la New Zealand một năm. Trong khi đó, một số loại thuế sẽ vẫn giữ nguyên ở các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico. 
Mặc dù, New Zealand đạt được những ưu đãi về hạn ngạch mới, nhưng Canada chỉ đồng ý thiết lập hạn ngạch nước ngoài ở mức 3,3% trên thị trường sữa trong 5 năm.
Ngoài ra, thuế xuất khẩu thịt bò của New Zealand sẽ được xóa bỏ ở các thị trường trong các quốc gia thuộc TPP, ngoại trừ Nhật Bản. 
Ở Nhật Bản, thuế xuất khẩu thịt bò của New Zealand chỉ được giảm 9%, từ mức 38,5% như trước đây, tuy nhiên, thuế các mặt hàng xuất khẩu khác bao gồm trái cây, hải sản, rượu và thịt cừu sẽ được loại bỏ.
Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chiến thắng lớn nhất trong thỏa thuận TPP lần này. Được biết, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 11% vào năm 2025, với kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 28%, theo Eurasia Group.
Việt Nam sẽ được giảm các loại thuế nhập khẩu ở Mỹ. Hơn nữa, chi phí lao động thấp ở Việt Nam trong ngành dệt may sẽ tạo điều kiện giúp Việt Nam thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đối mặt với các quy luật nghiêm khắc về vật liệu.
Ngành thủy sản ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với tôm, mực và cá ngừ.
Tuy nhiên, loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dược phẩm sẽ gây nên những khó khăn trong việc cạnh tranh giữa các công ty trong nước ở Việt Nam và nước ngoài. 
TPP cũng sẽ tăng cường bảo vệ bằng sáng chế, hạn chế các công ty Việt Nam tiếp cận với các sản phẩm mới cũng như khả năng sản xuất các loại thuốc mới.
Malaysia
Doanh nghiệp nhà nước Malaysia cũng bị ảnh hưởng từ thỏa thuận này.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu điện tử, sản phẩm hóa chất, dầu cọ và cao su là một trong những đối tượng được hưởng lợi từ TPP. Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai trên thế giới và là một trong những nước trồng cao su lớn nhất thế giới.
Trung Quốc
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang là quốc gia chịu thiệt thòi nhất từ TPP vì quốc gia này đã quyết định không tham gia thỏa thuận lớn nhất lịch sử này.
Theo đó, chính Trung Quốc đã cho phép Mỹ thắt chặt quan hệ thương mại với các nước trong khu vực và thúc đẩy chính quyền của ông Obama quay trục sang châu Á.
Một số nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ mất thị phần ở Mỹ và Nhật Bản trước các đối thủ như Việt Nam, theo nhà kinh tế Fielding Chen.
Vì vậy, hiện giờ, Trung Quốc đang có thái độ cởi mở trong việc xây dựng hệ thống phù hợp với các quy tắc của WTO và có lợi cho việc hội nhập kinh tế của quốc gia này trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bày tỏ ý định về việc tham gia TPP trong tương lai.
Ấn Độ
Ấn Độ dường như đang tỏ ra rất thận trọng về tác động của TPP ở cả trung hạn và dài hạn.
Ấn Độ giờ đây không chỉ đứng trước nguy cơ để mất thị phần vào tay Việt Nam trên thị trường Mỹ, mà quốc gia này còn phải lo sợ đến các vấn đề liên quan đến bảo vệ đầu tư, môi trường và lao động sẽ phải tuân theo những quy luật trong thỏa thuận TPP này.
"Chúng ta không có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ và đây chính là điểm yếu. Theo đó, Việt Nam có thể cạnh tranh với chúng ta trên thị trường Mỹ do họ có lợi thế hơn. 
Họ được miễn thuế vào thị trường Mỹ trong các lĩnh vực như dệt may, quần áo và giày dép da. Vì vậy, các nhà sản xuất dệt may trong nước sẽ đặc biệt phải thận trọng với những quy tắc của TPP", ông Abhijit Das, Giám đốc trung tâm nghiên cứu WTO thuộc Viện Thương mại quốc tế Ấn Độ, nhận định.
Sau khi 12 quốc gia thành viên hoàn tất thỏa thuận TPP thì thỏa thuận này sẽ phải đợi Quốc hội các nước này thông qua.
Tuyết Nhung(Theo Bloomberg)
Bài liên quan
UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Vingroup ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh
Ngày 16.11, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh trên địa bàn tỉnh, với trọng tâm là phát triển hệ sinh thái giao thông xanh bằng xe điện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TPP đã quyết định kẻ thắng, người thua ở châu Á - Thái Bình Dương