Nhà ở xã hội là vấn đề được người dân TP.HCM rất quan tâm. Chính quyền thành phố đang tìm cách tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành chỉ tiêu được giao.

TP.HCM tìm cách tháo gỡ khi tiến độ xây nhà ở xã hội đang chững lại

Hồ Đông | 17/07/2023, 20:08

Nhà ở xã hội là vấn đề được người dân TP.HCM rất quan tâm. Chính quyền thành phố đang tìm cách tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Trong đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP.HCM được giao chỉ tiêu 69.700 căn.

TP.HCM xác định nhiệm vụ này không chỉ phục vụ phát triển, ổn định kinh tế-xã hội của thành phố mà còn là nhiệm vụ chính trị. Trong cuộc họp báo giữa tuần qua, ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thành phố dành sự quan tâm cho phân khúc các dự án NOXH, nhà ở cho công nhân,

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng NOXH tại TP.HCM đang bị khựng lại. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2010, 2 dự án được xây dựng hoàn thành với quy mô sử dụng đất gần 0,5 ha, diện tích sàn xây dựng 10.090 mét vuông, 118 căn hộ. Giai đoạn 2011 - 2015, đưa vào sử dụng 10 dự án với quy mô sử dụng đất 10,1 ha, diện tích sàn xây dựng 347.184 mét vuông, 3.768 căn hộ.

Giai đoạn 2016-2020, xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, với tổng diện tích đất 24,67 ha, diện tích sàn xây dựng 1,23 triệu mét vuông, quy mô 14.954 căn hộ. Đây là giai đoạn NOXH phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, TP.HCM mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 dự án NOXH với diện tích đất 4.300 mét vuông, 32.668 mét vuông sàn xây dựng, quy mô 260 căn hộ. Con số này quá ít, chỉ chiếm 1,31% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, hàng loạt dự án động thổ, khởi công năm 2022 hầu hết đang chững lại.

Để nắm bắt tình hình, Sở Xây dựng đã tổng hợp 87 khu đất hoặc dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng NOXH, nhà lưu trú công nhân trên địa bàn.

Theo đó, trên địa bàn có tổng cộng 9 dự án đang triển khai (5 trong số này chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020) với diện tích đất hơn 17,5 ha, 517.690 m2 sàn xây dựng, quy mô 6.383 căn. Do nhiều nguyên nhân mà tiến độ xây dựng chưa đạt.

Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Xây dựng rà soát quỹ đất xây dựng NOXH trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha; đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương đầu tư xây dựng NOXH, nhà lưu trú cho công nhân. Trường hợp chậm hoặc không thực hiện thì thu hồi, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng NOXH tại khu đất này theo quy định. Đồng thời, ghi vốn đầu tư công và ngân sách để thực hiện các dự án, nhiệm vụ trọng tâm gồm dự án NOXH thuộc sở hữu nhà nước.

Đề cập những dự án quy mô dưới 10 ha, ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho hay có 188 dự án như vậy. Về nguyên tắc, chủ đầu tư được đóng bằng tiền thay cho nghĩa vụ 20% nhà ở xã hội, song hiện còn 142 chủ đầu tư chưa chọn hình thức nộp bằng tiền hay đóng quỹ đất.

Hồi cuối tháng 5, ông Mai Thanh Tùng (Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM) đã nêu khó khăn trong các bước thủ tục đầu tư dự án NOXH còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án NOXH phải thực hiện thêm các thủ tục như: Thẩm định giá bán NOXH, xác nhận đối tượng mua, thuê mua NOXH, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức ...

Trong khi đó, nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án NOXH, cho các đối tượng được hưởng chính sách NOXH vay mua nhà là chưa ổn định. Cơ chế ưu đãi chủ đầu tư chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Có tình trạng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
30 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM tìm cách tháo gỡ khi tiến độ xây nhà ở xã hội đang chững lại