Hiện TP.HCM đã có 6 quận huyện đạt 100% người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1; các quận huyện còn lại đều đạt trên 50%.

TP.HCM: Tất cả quận huyện đều đạt trên 50% người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19

Hồ Quang | 03/09/2021, 17:05

Hiện TP.HCM đã có 6 quận huyện đạt 100% người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1; các quận huyện còn lại đều đạt trên 50%.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến ngày 3.9, tất cả 22 quận huyện và thành phố đều đạt trên 50% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1. Trong số trên có 6 quận, huyện đã đạt 100% người dân tiêm mũi 1 (các quận Phú Nhuận, 11, 7, 5, 1 và huyện Cần Giờ); 10 quận huyện có số người tiêm đạt từ 70% đến dưới 100%; còn lại 6 quận huyện đạt từ trên 50% đến dưới 70%.

tpcm-tat-ca-cac-quan-huyen-deu-dat-tren-50-nguoi-dan-tiem-vac-xin-phong-covid-19-hinh-anh(1).png
Người dân tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: PV

Như vậy, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 1.9 là 6.225.960 mũi (tăng 6.424 mũi vắc xin so với ngày 31.8), trong đó tổng số mũi 1 là 5.894.452, mũi 2 là 350.584, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 685.694 người.

Theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của TP.HCM, đến ngày 30.9, TP sẽ đạt 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 được thực hiện dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đến 6 giờ ngày 3.9, toàn TP có 233.093 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 232.644 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 449 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 2.9, TP có 3.369 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ đầu năm 2021 đến nay lên 116.337. TP đang điều trị 41.040 bệnh nhân, trong đó có 2.890 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.749 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (máy tim phổi nhân tạo). Trong ngày 2.9 đã có 217 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện TP đã tổ chức hơn 411 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 được điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện.

TP đang triển khai phát túi thuốc A, B, C cho F0 được chăm sóc, điều trị tại nhà. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng, có thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Thuốc hạ sốt sẽ được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5°C, có thể uống lặp lại mỗi 4 -6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Gói thuốc này dùng trong 7 ngày.

Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ.

Riêng gói thuốc C là gói thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng vi rút đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành, nhưng thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Thống Nhất đã cho những kết quả khả quan.

Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ” trước khi được cấp phát và sử dụng.

Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2, dương tính sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Tất cả quận huyện đều đạt trên 50% người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19