Hiện nay, nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để đầu tư phát triển giao thông, thành phố đang lên đề án huy động 20.000 tỉ đồng trong dân.

TP.HCM sẽ huy động 20.000 tỉ trong dân để phát triển giao thông

Phan Diệu | 04/08/2017, 10:52

Hiện nay, nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để đầu tư phát triển giao thông, thành phố đang lên đề án huy động 20.000 tỉ đồng trong dân.

Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết tại cuộc họp về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm2017 diễn ra ngày 3.8.

Giải ngân vốn còn ì ạch

Báo cáo tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Trần Thị Bình Minh cho biết từ đầu năm đến nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước đã giao cho thành phố trong năm 2017 là 26.183 tỉ đồng. Tính đến hết ngày 31.7, tổng số vốn thành phố đã giải ngân là 13.214 tỉ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn giao. Trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 722 tỉ đồng, đạt 22% kế hoạch vốn đã giao.

Về nguồn vốn ODA do Trung ương cấp phát, tính đến 31.7, thành phố đã thực hiện giải ngân là 2.901 tỉ đồng, đạt 71,9% so với kế hoạch vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao. Tuy nhiên, hiện nay, tổng nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn thành phố năm 2017 là khoảng 7.700 tỉ đồng, so với tổng kế hoạch vốn ODA do Trung ương cấp phát cho thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

Với số vốn này, TP.HCM khó có thể triển khai và đưa các dự án vào khai thác sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán hợp đồng quốc tế đã ký kết, dễ gây phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán.

Trong khi đó, đối với nguồn vốn từ ngân sách thành phố, tổng số vốn giải ngân đến hết ngày 31.7 là 9.589 tỉ đồng, đạt 50,8% kế hoạch vốn thành phố giao.

Giải phóng mặt bằng chậm kéo theo giải ngân chậm

Theo bà Trần Thị Bình Minh, qua rà soát, có một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến công tác giải ngân.

Cụ thể, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn thành phố cònchậm, kéo dài, đôi khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân do có sự chênh lệch về mức bồi thường so với giá chuyển nhượng thị trường.

Chưa kể, một số hộ dân có mặt bằng là nơi kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng nên gây khó khăn, bất hợp tác trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các cơ quan khi thực hiện thu hồi.

Ngoài ra, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp về đấu thầu ở một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chưa đồng đều dẫn đến chất lượng của hoạt động đấu thầu chưa đảm bảo.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Trung ương tiếp tục xem xét, bổ sung vốn ODA là 3.648 tỉ đồng.

Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là 3.303 tỉ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 345 tỉ đồng. Với số vốn này, thành phố cam kết sử dụng hết khi được Trung ương giao.

Thế nhưng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo hiện nay do dự án tuyến metro số 1 đang trong quá trình điều chỉnh dự án (tăng tổng mức đầu tư từ 17.400 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng), chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, nên chưa có cơ sở xem xét, bổ sung vốn ODA trung hạn và hàng năm theo quy định.

Về dự án này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói rằng tuyến metro số 1 vượt dự toán do khâu tư vấn có nhiều vấn đề phát sinh. Do đó, thành phố đã giao cho chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ, làm rõ việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án để có cơ sở trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời để có cơ sở pháp lý đề xuất bổ sung kế hoạch vốn ODA theo quy định.

Trong khi đó, đối với các vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về Giám đốc sở ngành, Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND quận huyện.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành, quận huyện đến hết tháng 1.2018 phải đảm bảo giải ngân 100% vốn năm 2017. Đơn vị nào cuối năm giải ngân không đạt phải có báo cáo giải trình cho UBND TP.HCM về lý do không giải ngân được. HĐND các quận huyện phải giám sát tiến độ giải ngân ở quận huyện.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng giao Sở Tài chính rà soát nhân sự hội đồng thẩm định để củng cố, bố trí nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc. Riêng những đề xuất của các quận, huyện liên quan đến đơn giá bồi thường tuyến metro 2 Thủ Thiêm - Đô thị Tây Bắc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua Hội đồng thẩm định giá sớm trình UBND TP xem xét thông qua đơn giá bồi thường.

Sở Nội vụ TP.HCM cũng sớm có ý kiến về phân cấp thẩm định giá trình UBND TP để phân cấp cho HĐND quận huyện phê duyệt đơn giá nhằm giảm áp lực cho TP. Đối với những dự án xin điều chỉnh vốn phải có văn bản báo cáo thành phố, cũng như tính toán giải pháp để làm.

Đáng chú ý, cũng tại cuộc họp, đại diện một số sở ngành, quận huyện cam kết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo đến cuối năm tỷ lệ giải ngân đạt kế hoạch được giao.

Phan Diệu

Bài liên quan
TP.HCM cần hơn 200 nghìn tỉ đồng để phát triển hạ tầng thời kỳ 2024-2030
UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn thời kỳ 2024-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM sẽ huy động 20.000 tỉ trong dân để phát triển giao thông