Năm học 2023-2024, TP.HCM quy định một số nội dung thu đặc thù so với năm học 2022-2023.

TP.HCM: Học phí và các khoản thu dịch vụ trong năm học 2023-2024 có gì mới?

Tú Viên | 25/08/2023, 12:43

Năm học 2023-2024, TP.HCM quy định một số nội dung thu đặc thù so với năm học 2022-2023.

Ngày 25.8, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản về hướng dẫn các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2023-2024.

Trong đó, khoản thu “Tiền công trả lương cho nhân viên nuôi dưỡng theo Nghị quyết số 04/2021 của HĐND TP.HCM” trong năm học 2023-2024 là số chênh lệch, còn lại sau khi trừ số tiền ngân sách thành phố hỗ trợ so với tiền lương trên hợp đồng lao động, nhưng không vượt quá mức thu quy định tại Nghị quyết số 04/2023 của HĐND TP.HCM.

Với khoản thu “Tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số” gồm các nội dung như sổ liên lạc điện tử, phần mềm quản lý thẻ, phần mềm học trực tuyến, không thu vượt quá mức trần tối đa theo quy định.

bin-huong.jpg
Phụ huynh học sinh được lựa chọn phương thức thanh toán như thanh toán trên thiết bị di động/máy tính... Ảnh: Tú Viên

Với khoản thu “Tiền tổ chức thực hiện Đề án trường thực hiện chương trình chất lượng cao, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, Sở GD-ĐT có ý kiến đối với mức thu của trường theo phân cấp quản lý và không vượt quá mức thu tối đa được quy định.

Dự toán thu - chi đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải xây dựng trước khi thông báo công khai mức thu cho cha mẹ học sinh. Các khoản thu này phải được thống nhất với cha mẹ học sinh trước khi triển khai thực hiện.

Khi thu tiền, nhà trường phát hành biên lai, hóa đơn cho học sinh, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm, thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.

Riêng với chủ trương thanh toán học phí không dùng tiền mặt, 100% cơ sở giáo dục tạo điều kiện để cha mẹ học sinh không cần đến trường thanh toán các khoản thu, đồng thời triển khai việc thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức không dùng tiền mặt với nhiều hình thức, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Việc kết nối giữa hệ thống thanh toán của cơ sở giáo dục với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán/trung gian thanh toán cần phải hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người thực hiện thanh toán theo hướng có quyền được lựa chọn nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, lựa chọn phương thức thanh toán như thanh toán trên thiết bị di động/máy tính, chuyển khoản Internet banking, chuyển khoản qua QR Code, thanh toán từ ví điện tử….

Sở GD-ĐT TP.HCM đặc biệt lưu ý, cơ sở giáo dục phải tăng cường quản lý dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trong đó cần làm chủ dữ liệu và bảo mật thông tin riêng tư cho học sinh.

Trước đó, ngày 12.7, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết số 04 quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024.

Có 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.

Các khoản thu, mức thu như sau:

Đối với nhóm 1 (học sinh tại các trường ở TP.Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân).

Các khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa, bao gồm 7 khoản thu:

1. Tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày: Mức thu không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng ở bậc tiểu học, không quá 200.000 đồng ở bậc THCS và không quá 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT.

2. Tiền tổ chức dạy tăng cường môn ngoại ngữ: Mức thu quy định không quá 100.000 đồng/tháng ở bậc tiểu học, không quá 200.000 đồng/tháng ở bậc THCS và không quá 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT.

3. Tiền tổ chức dạy tin học: mức thu dao động từ 50.000-240.000 đồng/tháng.

4. Tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (năng khiếu, thể dục tự chọn, câu lạc bộ, kỹ năng sống, STEM, học bơi, học ngoại ngữ với người nước ngoài, học ngoại ngữ sử dụng phần mềm bổ trợ, học ngoại ngữ thông qua toán và khoa học): Mức thu từ 80.000-800.000 đồng/tháng tùy lớp, môn.

5. Tiền tổ chức dạy học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết.

6. Tiền tổ chức dạy bổ sung kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết.

7. Tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè: 500.000 đồng/tuần.

Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án gồm 4 khoản thu:

1. Tiền tổ chức các lớp học theo đề án "dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam": Mức thu 3,6 triệu đồng/tháng với cấp tiểu học và THCS, 8,5 triệu đồng/tháng với cấp THPT.

2. Tiền tổ chức các lớp học theo đề án tin học quốc tế: 120.000-180.000 đồng/tháng.

3. Tiền tổ chức thực hiện đề án trường thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế": 1.725.000 đồng/tháng.

4. Tiền thực hiện chương trình kích cầu đầu tư: 210.000 đồng/tháng.

Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú gồm 5 khoản thu:

1. Tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú: 250.000-550.000 đồng/tháng.

2. Tiền phục vụ ăn sáng: 60.000-220.000 đồng/tháng.

3. Tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú: 200.000-450.000 đồng/năm.

4. Tiền giữ trẻ mầm non ngoài giờ: 12.000 đồng/giờ.

5. Tiền công trả lương cho nhân viên nuôi dưỡng: 160.000-260.000 đồng/tháng.

Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh gồm 10 khoản thu:

1. Tiền mua sắm đồng phục học sinh: 200.000-500.000 đồng/bộ.

2. Tiền học phẩm-học cụ-học liệu: 300.000-600.000 đồng/năm.

3. Tiền suất ăn trưa bán trú: 35.000 đồng/ngày.

4. Tiền suất ăn sáng: 20.000 đồng/ngày.

5. Tiền nước uống: 20.000 đồng/tháng.

6. Tiền khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường): 50.000-70.000 đồng/năm.

7. Tiền sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh): 35.000-50.000 đồng/tháng.

8. Tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: 110.000 đồng/tháng.

9. Tiền trông giữ xe học sinh: 2.000 đồng/lượt.

10. Tiền tổ chức xe đưa rước học sinh: 8.000-10.000 đồng/km.

Đối với học sinh nhóm 2 (học sinh tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ) mức thu tối đa các khoản thấp hơn khoảng 10.000-50.000 đồng so với nhóm 1.

Bài liên quan
Điện lực TP.HCM tăng cường bảo mật thông tin khách hàng
Cùng với xu thế cá nhân hóa dịch vụ khách hàng, ngành điện đã và tiếp tục hoàn thiện những công cụ mang lại tiện ích tốt nhất để khách hàng trải nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Học phí và các khoản thu dịch vụ trong năm học 2023-2024 có gì mới?