Sở Công Thương TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc tổng kết đánh giá, đề xuất chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong thời gian tới.
Khoa học - công nghệ

TP.HCM đề xuất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Tú Viên 05/12/2023 14:12

Sở Công Thương TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc tổng kết đánh giá, đề xuất chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong thời gian tới.

Theo đó, tính đến ngày 31.10, toàn thành phố (TP) có 14.092 dự án/hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 354,44 MWp, chiếm tỷ lệ 3,69% so với tổng công suất lắp đặt ĐMTMN của cả nước và chiếm 7,63% so với công suất đỉnh năm 2023 (4.648 MW) của lưới điện TP.

Lượng điện năng phát lên lưới đến nay là 900,89 triệu kWh, chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng (chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phát ~ 300 triệu kWh/năm).

Gần 99% hệ thống ĐMTMN được lắp đặt nhằm mục tiêu tự sử dụng tại chỗ. Hệ thống ĐMTMN được xem là nguồn điện phân tán và nguồn năng lượng xanh hết sức hiệu quả tại các khu vực đô thị, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường; đóng góp vào định hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net-Zero của Chính phủ.

3.jpeg
ĐMTMN góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực căng thẳng về nguồn điện trong giai đoạn sắp tới - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ĐMTMN vẫn còn một số tồn tại cần có hướng dẫn bổ sung để phù hợp với tình hình mới như sau: Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31.12.2020.

Trong khi đó, ĐMTMN là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.

Do chưa có cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 nên chưa phát huy triệt để tiềm năng ĐMTMN trên địa bàn TP.HCM.

Việc hoàn thiện các hồ sơ liên quan về các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành (sử dụng đất đai, an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ, hoạt động kinh tế trang trại, đăng ký kinh doanh) của chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán ĐMTMN với ngành điện còn gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định riêng của từng lĩnh vực chuyên ngành.

Về tiềm năng phát triển ĐMTMN tại TP.HCM, theo báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tiềm năng ĐMTMN trên địa bàn TP ước tính khoảng 6.300 MWp.

Với tiềm năng như trên, TP chủ trương khuyến khích lắp đặt hệ thống ĐMTMN giúp bổ sung nguồn điện tại chỗ cho nhu cầu sử dụng chung của TP. Đây cũng là nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực căng thẳng về nguồn điện trong giai đoạn sắp tới.

TP.HCM đề xuất ưu tiên phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu theo quy định tại Quyết định số 500/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được mở rộng lắp đặt tại tất cả công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu (an toàn kết cấu, PCCC, môi trường...) mà không giới hạn tại nhà ở, cơ quan công sở.

Trong một số trường hợp đặc thù (như cần thúc đẩy phát triển nhanh ĐMTMN tại một số khu vực hoặc các nhóm khách hàng), kiến nghị cho phép áp dụng cơ chế mua bán điện linh hoạt (giá FIT, giá thỏa thuận, bù trừ điện năng...).

Đối với các hệ thống ĐMTMN có công suất lớn (đề xuất trên 100 kWp) cần khuyến khích và từng bước tiến đến quy định chủ đầu tư phải lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) kèm theo để tối ưu hóa việc khai thác hệ thống ĐMTMN, hạn chế các tác động của sự kém ổn định đối với công tác vận hành lưới điện và cân bằng cung cầu trong hệ thống điện quốc gia…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đề xuất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu