Giá vé được đề xuất là 3.000 đồng/lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000 - 7.000 đồng/lượt với các nhóm khách còn lại, tùy theo cự ly tuyến.

TP.HCM công bố mức giá vé xe buýt điện với 5 tuyến thí điểm

Tú Viên | 21/02/2022, 11:01

Giá vé được đề xuất là 3.000 đồng/lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000 - 7.000 đồng/lượt với các nhóm khách còn lại, tùy theo cự ly tuyến.

Theo kế hoạch vừa được Sở GTVT TP.HCM thông tin, việc thí điểm được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai trong quý 1/2022 - đưa vào vận hành một tuyến (VB03 Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn). Quý 3 sẽ bắt đầu thực hiện tiếp giai đoạn 2 - đưa vào vận hành bốn tuyến xe buýt điện sau khi xây dựng xong depot.

Tỷ lệ trợ giá/chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1%. Loại xe buýt điện được đề xuất sử dụng có sức chứa từ 65 đến 70 chỗ, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Giá vé được đề xuất là 3.000 đồng/lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000 - 7.000 đồng/lượt với các nhóm khách còn lại, tùy theo cự ly tuyến.

Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thí điểm tổ chức 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn thành phố kể từ quý I/2022. Thời gian thí điểm 24 tháng tính từ khi bắt đầu hoạt động.  Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM đề xuất mở 5 tuyến buýt điện gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27 km); VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất, 30 km); VB03 (Vinhome Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn, 29 km); VB04 (Vinhome Grand Park – Bến xe Miền Đông mới, 8,5 km); VB05 (bến xe Miền Đông mới – khu đô thị ĐH Quốc gia, 10 km).

Về phương thức thực hiện, trong thời gian thí điểm, UBND TP chỉ đạo Sở GTVT vận dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với các loại xe buýt CNG có sức chứa tương đương đang hoạt động trên địa bàn thành phố để đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.

Thành phố cũng giao Giám đốc Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai việc thí điểm. Trong đó, cân nhắc việc áp dụng công nghệ, phương án bán vé xe buýt theo hướng hiện đại để tạo thuận tiện cho người dân và dễ dàng kiểm soát doanh thu, mức độ hiệu quả của các tuyến buýt, làm căn cứ điều chỉnh các chính sách hỗ trợ.

Sau giai đoạn thí điểm, Sở GTVT tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện để triển khai và áp dụng chính thức trên địa bàn toàn thành phố.

Bên cạnh đó, thành lập tổ công tác theo dõi, đánh giá, đề xuất điều chỉnh tỷ lệ trợ giá/chi phí và các nội dung liên quan hoạt động thí điểm, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách.

Theo Sở GTVT, hiện nay hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn TP đã được phục hồi sau thời gian giãn cách, Đến nay hệ thống xe buýt đã phục hồi hoạt động trở lại 86/90 tuyến. Tuy nhiên tại các tuyến xe buýt vẫn còn tình trạng vắng khách. Nguyên nhân do dịch COVID-19, tâm lý hành khách vẫn còn e dè khi tham gia xe buýt, sản lượng hành khách so sánh với cùng kỳ các năm trước giảm mạnh.

Sở GTVT sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng và đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đối với dự án phát triển giao thông xanh, Sở GTVT cho biết Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban giao thông) đã có văn bản về phương án tiếp tục triển khai dự án theo phương án rà soát, điều chỉnh. Trong đó, điều chỉnh hình thức đầu tư 42 phương tiện trong dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa. Do đó, ngành giao thông chưa thực hiện ngay trong giai đoạn này mà sẽ phân kỳ đầu tư, tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Dự kiến có 77 xe buýt điện (giá 6,5 tỉ đồng/chiếc) hoạt động trên 5 tuyến. Xe có sức chứa 65 - 70 chỗ (đứng và ngồi), sử dụng năng lượng điện không phát khí thải ra môi trường, hạn chế tiếng ồn.

Về giá vé, tuyến VB01, VB02, VB03 là 7.000 đồng/khách thường và 3.000 đồng/học sinh, sinh viên; vé tháng là 157.500 đồng/tập 30 vé.

Đối với các tuyến VB04, VB05 giá vé là 5.000 đồng/khách thường và 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên; vé tháng là 112.500 đồng/tập 30 vé.

Các tuyến buýt điện này sẽ sử dụng các điểm đầu cuối hiện phục vụ xe buýt gồm: bến xe buýt Sài Gòn; bãi hậu cần số 1; sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia; bến xe Miền Đông mới. Riêng điểm đầu cuối trong khu dân cư Vinhome Grand Park (quận 9) được đề xuất xây dựng bến bãi rộng 2.400 m2 với 20 chỗ đậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM công bố mức giá vé xe buýt điện với 5 tuyến thí điểm