Tình trạng một số doanh nghiệp lập dự án “ma” để phân lô bán nền, lừa đảo người dân và tín dụng đen, cho vay nặng lãi ngày càng diễn biến phức tạp là những vấn đề nóng được các đại biểu TP.HCM rất quan tâm.
Sáng 12.7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai, với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Doanh nghiệp lập dự án “ma” lừa đảo tràn lan
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân), thời gian gần đây, tình hình lừa bán đất ảo, phân lô bán nền trên giấy đang nở rộ ở các quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 9...Ước tính có hàng ngàn khách hàng đã bị lừa do đóng tiền góp vốn đặt cọc mua đất. Đáng chú ý, dù người dân gửi đơn khắp nơi nhưng các doanh nghiệp lừa đảo bán dự án “ma” vẫn không bị xử lý.
“Vậy với kiểu lừa đảo này, cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố hình sự được hay không, nhất là những cá nhân chủ mưu, cầm đầu để chấm dứt tình trạng dự án ma? Cơ quan Nhà nước cần đưa ra quy định thế nào để quản lý và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cho bài bản, công khai để người dân nắm rõ quy hoạch, tránh bỏ tiền mua đất ở các dự án ma”, bà Trâm đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn tại kỳ họp - Ảnh: P.D
Trả lời về tính trạng này, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, địa phương này đã chỉ đạo Công an huyện tăng cường theo dõi nắm tình hình. Thời gian qua, Công an huyện tiếp nhận 5 vụ việc và đã kiến nghị Công an TP.HCM sớm khởi tố các đối tượng lừa đảo mua bán đất đai. Hiện nay, huyện đã tiến hành xác minh hơn 100 trường hợp, nhưng thẩm quyền phía huyện không khởi tố được nên kiến nghị Công an TP.HCM khởi tố để răn đe.
“Ngoài 2 xã xảy ra tình trạng dự án ma vừa qua mà huyện đang đề nghị Công an TP.HCM khởi tố, hiện nay trên địa bàn huyện, tình hình lừa đảo mua bán đất đai ảo vẫn còn diễn ra trên địa bàn một số xã. Đây là một trong những nội dung thời gian tới huyện tập trung khắc phục để kéo giảm tình hình lừa đảo về đất đai”, ông Thắng nói thêm.
Trong khi đó, tại quận Bình Tân, Chủ tịch Lê Văn Thịnh nói rằng, đối với dự án “ma”, thông thường một số doanh nghiệp tự làm quy hoạch, rồi công bố trên mạng rao bán với giá rẻ. Một số người dân không có nhà ở ham giá rẻ nên chuyển nhượng mua bán. Theo thống kê, hiện trên địa bàn quận Bình Tân có 10 trường hợp.
“Trong thời gian tới, quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác; công khai quy hoạch và cảnh báo người dân về các khu đất quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng mà địa phương chưa có điều kiện triển khai. Bên cạnh đó, UBND quận báo cáo UBND TP.HCM và kiến nghị Công an TP tiến hành điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật để lừa đảo người dân”, ông Thịnh nói thêm.
Tín dụng đen đã giảm
Tương tự như các dự án “ma”, thực trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi có diễn biến phức tạp, đi liền là các tội phạm liên quan phát sinh cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề về việc các “băng nhóm” tín dụng đen ngày càng hoạt động phức tạp nhưng lại chỉ bị xử lý hành chính, ít vụ được khởi tố hình sự. Bà đề nghị Công an TP.HCM có giải pháp xử lý hiệu quả các đối tượng hoạt động tín dụng đen.
Đại biểu Tăng Hữu Phong cũng cho rằng tín dụng đen thời điểm này đã bớt gay gắt, nhưng vẫn gây bức xúc trong nhân dân, có nguy cơ gây ra những điểm nóng. Vì vậy, ông đề nghị UBND TP.HCM và Công an TP thông tin đầy đủ hơn về tình hình, kết quả thực hiện. Đặc biệt, 6 tháng cuối năm tình trang tín dụng đen có giảm được không?
Về vấn đề này, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM nói rằng, Công an thành phố đã có kế hoạch chuyên đề xác định rất cụ thể, phân công trách nhiệm cho các lực lượng chức năng và có hướng dẫn chi tiết việc xử lý hình sự hay hành chính. Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê... đều được công an tìm hiểu ngăn chặn, chứ không chờ khi các đối tượng hành động mới làm.
"Kế hoạch chuyên đề có phân công cho từng lực lượng chức năng trong việc xử lý hình sự các yếu tố định tội, định khung hoặc xử lý hành chính nghiêm khắc nếu không thể xử lý hình sự", ông Phong thông tin.
Theo ông Phong, với sự nỗ lực đó, hiện tại các vụ liên quan đến tín dụng đen đã giảm đến 20%; số vụ vi phạm trật tự công cộng, vi phạm đối với quyền tự do của công dân như tạt chất bẩn, la ó, chửi bới... cũng giảm hơn 22%. Tình hình đã bớt phức tạp hơn so với cuối năm 2018.
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm thành phố đã kéo giảm được gần 4,7% các vụ phạm pháp hình sự. Các loại trọng án, án xâm phạm sở hữu đều giảm như mục tiêu mà công an thành phố đặt ra.
Phan Diệu