Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách TP hỗ trợ cho 17 bệnh viện đang gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù cho nhân viên y tế theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND.

TP.HCM: Bệnh viện công gặp khó là hệ quả của tự chủ chưa bền vững

Hồ Quang | 12/11/2022, 15:00

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách TP hỗ trợ cho 17 bệnh viện đang gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù cho nhân viên y tế theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND.

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, sau 20 năm các bệnh viện chuyển đổi từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên (từ thực hiện tự chủ theo Nghị định 10/2002 cho đến Nghị định 43/2006, và hiện nay chuẩn bị thực hiện theo Nghị định 60/2021) đã giúp cho ngân sách TP chi cho lĩnh vực y tế giảm mạnh. Nếu như vào năm 2016, ngân sách TP chi cho lĩnh vực y tế là 7% thì đến năm 2020 chỉ còn 2%. Một số bệnh viện phát triển tốt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh.

tphcm-benh-vien-cong-gap-kho-khan-la-he-qua-cua-tu-chu-chua-ben-vung-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Trưng Vương  (TP.HCM) đang gặp rất nhiều khó khăn về thu nhập nên từ đầu năm đến nay đã có hơn 130 nhân viên y tế ở đây nghỉ việc - Ảnh: PV

Ngân sách TP chi cho lĩnh vực y tế giảm cũng là lúc hàng loạt bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền để chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Hệ quả là số nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng nhiều.

Khó khăn của bệnh viện hiện nay là nguồn tiền để chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, có nơi chi thu nhập tăng thêm còn rất thấp, thậm chí có nơi còn không có tiền để chi thu nhập tăng thêm. Theo Sở Y tế, mức thu nhập tăng thêm của các bệnh viện trung bình dao động từ 7 - 39 triệu đồng/tháng. Trong đó, các bệnh viện đa khoa thường có mức thu nhập tăng thêm bình quân thấp hơn các bệnh viện chuyên khoa.

Điều này là hệ quả của tự chủ bệnh viện chưa bền vững, đặc biệt là ở thời điểm hiện nay - một số bệnh viện không đứng vững được sau giai đoạn nỗ lực chống dịch COVID-19, số lượt khám chữa bệnh giảm sâu và nguồn thu giảm sút tương ứng.

Phân tích về những khó khăn hiện nay của các bệnh viện, Sở Y tế cho rằng có những khoảng cách giữa các bệnh viện công lập với nhau.

Cụ thể là khoảng cách về tỷ trọng nguồn thu từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu như các bệnh viện đa khoa có tỷ trọng nguồn thu từ khám chữa bệnh BHYT là chủ yếu (trên 70%), còn nguồn thu từ khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ chiếm tỷ trọng thấp (dưới 30%), thì các bệnh viện chuyên khoa có tỷ trọng ngược lại, ít lệ thuộc nhiều vào khám chữa bệnh BHYT (dưới 50%).

Tiếp đó là khoảng cách về quỹ phát triển sự nghiệp giữa các bệnh viện công lập với nhau. Bên cạnh một số bệnh viện chuyên khoa có số dư quỹ phát triển sự nghiệp (từ nguồn chênh lệch thu chi theo quy định) ngày càng lớn thì còn rất nhiều bệnh viện đa khoa gặp rất nhiều khó khăn trong việc trích lập quỹ này. Thậm chí có bệnh viện không có nguồn để trích lập nên rất khó khăn trong phát triển bệnh viện như: sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, đào tạo nhân viên...

Bên cạnh đó là khoảng cách về tần suất nghỉ việc của nhân viên y tế giữa các bệnh viện công lập, trong đó bệnh viện đa khoa có tần suất nhân viên nghỉ việc cao gấp 2 lần so với các bệnh viện chuyên khoa (8% so với 4%, số liệu năm 2019). Khoảng cách về tần suất nhân viên y tế nghỉ việc là hệ quả của sự chênh lệch về thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế giữa các bệnh viện công lập. Điều này dẫn đến các nhân viên y tế nghỉ việc ở bệnh viện công lập để chuyển đổi sang bệnh viện tư nhân hoặc chuyển đổi nghề.

Trong tình hình hiện nay, Sở Y tế cho rằng cần các giải pháp về cơ chế chính sách để rút ngắn các khoảng cách trên, tạo sự công bình về sự phát triển, công bình về thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế công lập giúp họ an tâm công tác và tiếp tục nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ cao quý của người thầy thuốc đó là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân.

Sở Y tế mong muốn Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND được duy trì giúp ổn định thu nhập cho nhân viên y tế của các bệnh viện đang gặp khó khăn về chênh lệch thu chi. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ giúp ổn định chênh lệch thu chi cho các bệnh viện.

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Bệnh viện công gặp khó là hệ quả của tự chủ chưa bền vững