Dù nhiều đại biểu đề nghị đưa Formosa vào chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2017 nhưng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, để tránh sự trùng lặp với những hoạt động giám sát về môi trường đã có của Quốc hội nên chương trình lần này không có nội dung về môi trường và Formosa.

Tổng thư ký QH lý giải việc không đưa Formosa vào chuyên đề giám sát 2017

Trí Lâm | 28/07/2016, 06:00

Dù nhiều đại biểu đề nghị đưa Formosa vào chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2017 nhưng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, để tránh sự trùng lặp với những hoạt động giám sát về môi trường đã có của Quốc hội nên chương trình lần này không có nội dung về môi trường và Formosa.

Chiều 27.7, với sự nhất trí của đại đa số đại biểu quốc hội, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Trong phần trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội và dự thảo nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2017, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội cho biếtcó đại biểu nêu ý kiến đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và đầu tư có vốn nước ngoài liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên - môi trường.

Theo đó, Ủy banThường vụ Quốc hội nhận thấy vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước là vấn đề rất bức xúc, được dư luận hết sức quan tâm do việc thực hiện còn hạn chế. Ô nhiễm do tập đoàn Formosa gây ra tại biển miền Trung không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người dân mà còn tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, năm 2011, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Năm 2012, Thường vụ Quốc hội cũng đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Các kết luận, kiến nghị của những đoàn giám sát này đang được triển khai.Với sự việcô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, phát hiện nguyên nhân, khắc phục hậu quả và đã đạt được kết quả bước đầu.

“Đối với sự cố môi trường nêu trên, thời gian qua, Chính phủ cũng như các cơ các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ tìm ra nguyên nhân, hỗ trợ người dân bị thiệt hại và đã có những kết quả bước đầu. Hiện nay cơ quan chức năng cũng đang tiến hành làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm của cá nhân, tập thể có liên quan” – ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cũngcho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động nắm tình hình, làm việc với các bộ ngành, địa phương có liên quan để báo cáo kết quả, dự kiến cuối tháng 7 sẽ báo cáo

"Trong thời gian tới, để có thêm cơ sở cho việc xem xét vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, trong đó có hoạt động của Tập đoàn Formosa để báo cáo kết quả cho Quốc hội để tiếp tục theo dõi giám sát", ông Phúc nói.

Do đó, với những hoạt động đã có này của Quốc hội, vấn đềFormosa đã không được bổ sung vào chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội 2017.

Bày tỏ ý kiến về điều này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - một trong số các đại biểu đề xuất giám sát Formosa cho biết ông ghi nhận sự tiếp thu của Quốc hội trong vấn đề này.

Trước đó, trong phiên thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội phải có chuyên đề giám sát về chính sách pháp luật đầu tư liên quan đến bảo vệ môi trường.

Theo ông Nghĩa, khoảng vài năm trở lại đây, vấn đề môi trường là vấn đề hết sức bức xúc và cụm từ Formosa được nhắc đi nhắc lại. Những sự cố môi trường, có người gọi là thảm hoạ môi trường nhưFormosavừa qua làm cho phần lớn cử tri băn khoăn, bức xúc. Mấy tháng qua những người có lòng yêu nước, quan tâm đến vận mệnh quốc gia ăn không ngon ngủ không yên.

“Tôi đọc kỹ 4 nội dung chuyên đề tôi tìm mãi không thấy cụm từ môi trường. Tôi kiến nghị có sự điều chỉnh lại, đề nghị có chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường”- ông Nghĩa nói.

Đại biểu quốc hội Vũ Trọng Kim - nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng ủng hộ đề xuất của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về việc thành lập ủy ban lâm thời giám sát Formosa.

Theo ông Kim, cần thiết phải có ủy ban lâm thời giám sát Formosa, vì đây là giám sát cả đầu tư chứ không chỉ là môi trường. Vụ việc ở Formosa không chỉ là sự cố mà là thảm họa môi trường. Bao giờ mới khắc phục xong, nguy cơ còn không, ai dám nói?”.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thư ký QH lý giải việc không đưa Formosa vào chuyên đề giám sát 2017