Báo New York Times (NYT) ngày 31.7 đề cập Nga sẽ có cuộc tập trận lớn Zapad vào giữa tháng 9 tới, đồng thời nói rằng việc Tổng thống Nga Putin đưa Quân đoàn xe tăng Liên Xô trở lại khiến khối liên minh NATO lo ngại.

Tổng thống Putin đưa Quân đoàn xe tăng Liên Xô trở lại, NATO giật thót mình

02/08/2017, 11:09

Báo New York Times (NYT) ngày 31.7 đề cập Nga sẽ có cuộc tập trận lớn Zapad vào giữa tháng 9 tới, đồng thời nói rằng việc Tổng thống Nga Putin đưa Quân đoàn xe tăng Liên Xô trở lại khiến khối liên minh NATO lo ngại.

Hình ảnh xe tăng Nga tập trận - Ảnh: New York Times

Cuộc tập trận Zapad 2017 là một trong những bước lớn nhất trong quá trình hiện đại hóa quân đội Nga thời Tổng thống Vladimir Putin. NYT nói nó mang tính chất "hù dọa" ở vùng sát biên giới NATO và gợi nhắc những ngày đáng sợ thời Chiến tranh Lạnh. Zapad 2017 có 100.000 quân Nga tham gia và diễn ra trên vùng biển Baltic, phía tây Nga, vùng Kalingrad thuộc Nga và Belarus.

Để chuẩn bị tập trận, Nga đã tập hợp đủ số toa xe lửa để chở 4.000 xe tăng cùng các phương tiện quân sự hạng nặng đến Belarus, nơi mà Nga đã có 1.000 quân phòng không và nhân viên liên lạc trú đóng, cùng các đội hậu cần giám sát các vị trí diễn tập. Đến giữa tháng 8, các đơn vị bộ binh, nhảy dù và phòng không đầu tiên sẽ có mặt ở Belarus. Số quân còn lại sẽ đến Belarus đầu tháng 9 và cuộc tập trận Zapad 2017 sẽ bắt đầu từ ngày 14 đến 20.9.

Quân đoàn xe tăng cận vệ là "quả đấm mạnh" của ông Putin

Cuộc tập trận này sẽ có một lực lượng xe thiết giáp được đặt theo tên của một đơn vị Hồng quân Liên Xô là Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1. Trong Thế chiến 2, quân đoàn này từng chiến đấu với quân Đức ở Mặt trận phía Đông, sau đó xông đến tận Berlin để đánh tan phát xít Đức rồi sau đó trú đóng ở Tây Đức.

Sau Chiến tranh Lạnh, Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 rút về Smolensk giáp biên giới Belarus. Sau khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng này giải thể năm 1998.

Nay Nga tái lập Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1, tập hợp nhiều đơn vị quân khác gồm các tiểu đoàn xe tăng tinh nhuệ đóng gần Moscow. Đây là lần đầu tiên từ sau khi Liên Xô sụp đổ, một lực lượng tấn công được tập hợp dưới một sự chỉ huy duy nhất. Nga cũng tuyên bố lực lượng này là đơn vị đầu tiên sẽ nhận xe tăng chiến đấu T-14 Armata, cùng các hệ thống phòng không và phương tiện chiến tranh điện tử hiện đại.

Ở Smolensk, Nga cũng có một sư đoàn cơ giới mới, có thể phối hợp với Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1. Tổng cộng lực lượng này có 800 xe tăng, hơn 300 khẩu pháo và hàng chục hệ thống phóng tên lửa chiến thuật Iskander.

Ở cuộc tập trận Zapad 2017, các đơn vị quân của Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 sẽ lập các sở chỉ huy ở phía tây Belarus, tổ chức tập trận ở những khu vực diễn tập gần Brest sát biên giới Ba Lan và ở Grodno gần Ba Lan, Litva. Ít nhất 2 tiểu đoàn của quân đoàn này, gồm hơn 3.000 lính, sẽ tham gia tập trận ở Belarus. Tổng số quân Nga, nhân viên an ninh và quan chức dân sự tham gia khoảng từ 60.000 đến 100.000 người.

Cách để Nga "chấn chỉnh láng giềng"

Trung tướng Frederick B. Hodges, chỉ huy quân Mỹ ở châu Âu, nói: “Chỉ có một lý do duy nhất để lập Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1, đó là thể hiện một thế lực tấn công mạnh mẽ. Đây không phải là để bảo vệ an ninh tổ quốc. Về yếu tố dọa nạt thì đây là một cách gây sức ép với những đồng minh”.

Phillip A. Karber, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Quỹ Potomac (Mỹ) từng nghiên cứu hoạt động quân sự Nga nói rằng Nga có nhiều xe tăng hơn số xe tăng mà NATO triển khai ở 3 nước vùng biển Baltic (Estonia, Latvia và Litva) và Ba Lan cùng Đức, chưa kể số xe bọc thép dành cho quân tăng viện đến từ Mỹ.

Ông Karber lưu ý rằng không nên thổi phồng khả năng của Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1, vì không phải tất cả các đơn vị đã có đủ quân và một số xe tăng hiện đại chưa được trang bị cho quân đoàn này. Nhưng ông Karber nói nếu được triển khai đầy đủ ở Belarus thì Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 sẽ là một đội hình mạnh, cho thấy Nga có thể triển khai quân nhanh về phía tây, điều rất quan trọng với Moscow.

Ông nói: “Chỉ cần sự hiện diện của Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 gần biên giới Ba Lan là đủ để NATO lo sốt vó, tìm giải pháp chống đỡ. Liệu NATO sẽ tăng viện cho 3 nước vùng Baltic hay bảo vệ phía đông Ba Lan? NATO không đủ quân cho cả hai mặt trận trong cùng một thời gian ngắn. Thế lực quân sự này giúp Nga có thêm sức ép chính trị để “chấn chỉnh” 3 nước Baltic và Ba Lan”.

Theo NYT, mối quan ngại lớn hơn là liệu Nga có dùng cuộc tập trận Zapad 2017 để buộc Belarus "xếp hàng ngay ngắn", ám chỉ nước này có đứng về phía Moscow hay không? Belarus lâu nay hợp tác chặt chẽ với Nga, các đơn vị phòng không Belarus hợp tác với các đơn vị Nga ở phía đông. Nhưng nay có thông tin bất đồng giữa Tổng thống Belarus Aleksandr G. Lukashenko với Tổng thống Putin, cùng các thông tin nói rằng Belarus không muốn quân Nga trú đóng thường trực.

Tổng thống Nga theo dõi một cuộc tập trận của quân đội Nga

"Chớ nên đùa với Nga"

Zapad 2017 đã được chuẩn bị từ nhiều tháng qua, không phải là một phản ứng với việc Quốc hội Mỹ vừa có luật mới trừng phạt kinh tế Nga. Hiện Nga chỉ mới trả đũa sự trừng phạt này bằng cách trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại Nga.

Nhưng cuộc tập trận Zapad 2017 là một nỗ lực lớn để ông Putin phô trương sức mạnh quân sự, như đã thể hiện bằng cách triển khai quân đến Syria, sáp nhập Crimea, bay chặn những máy bay NATO và thực hiện những cuộc tập trận bất ngờ khiến 3 nước vùng biển Baltic lo ngại.

Việc Mỹ và châu Âu trừng phạt Nga nhằm cô lập nước này không thể cản ý chí khẳng định thế lực quân sự của ông Putin, điển hình là cuộc tập trận Zapad 2017. Vấn đề là các quan chức NATO đang thắc mắc liệu tất cả quân Nga và khí tài ở Belarus có được rút về nước?

Theo các quan chức quân đội cấp cao của Mỹ, điều đáng ngại nhất làZapad 2017 có thể là cớ để Nga tăng sự hiện diện quân sự ở Belarus, một quốc gia Trung Âu giáp 3 nước thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia.

Tướng Tony Thomas, chỉ huy quân đặc nhiệm Mỹ, đã nói tại Hội nghị an ninh Aspen (Mỹ) hồi tháng 7: “Mối quan ngại lớn là họ sẽ không rút về nước và đó không phải là một sự hoang tưởng”.

Cựu tướng bộ binh 1 sao Mỹ Peter B. Zwack, từng là tùy viên quân sự Mỹ ở Moscow từ năm 2012 - 2014, nói thêm: “Trước tiên và trên hết, thông điệp của Nga là “Ta đang theo dõi các người. Các người chớ nên đùa với Nga”.

Các quan chức quân sự phương Tây nói rằng Mỹ - Nga không đứng bên bờ vực chiến tranh. Nhưng họ bày tỏ sự lo ngại hoạt động quân sự tăng cao của Nga có thể dẫn đến những vụ đối đầu ngoài ý muốn. Mỹ đã có những bước đề phòng, gồm cử 600 lính dù Mỹ đến 3 nước vùng biển Baltic và tạm ngưng một đơn vị quân do Mỹ dẫn đầu trú đóng luân phiên ở Ba Lan.

Trung tướng Frederick B. Hodges, chỉ huy quân Mỹ ở châu Âu, cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhưng chúng tôi sẽ không nằm chờ chuyện gì xảy ra”.

Theo NYT, các quan chức Nga cho NATO biết cuộc tập trận Zapad 2017 sẽ chỉ có 13.000 quân. Nhưng các quan chức NATO nói cuộc tập trận này là cách Nga kiểm tra những kế hoạch đối phó trong một cuộc chiến lớn với NATO và sẽ có cả sự tham gia của các cơ quan dân sự Nga.

Hồi tháng 7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi có đủ lý do để tin sẽ có nhiều quân Nga tham gia hơn là con số từ báo cáo chính thức”.

Bồi thêm vào sự lo ngại, Nga chưa đồng ý cho các quan sát viên quốc tế giám sát cuộc tập trận Zapad 2017. Các quan chức Mỹ từ lâu nói sự giám sát là quan trọng vì tình báo phương Tây khó nắm được hoạt động quân sự Nga chỉ là tập trận hay là chuẩn bị cho một cuộc tấn công xâm lược.

Ngược lại, Mỹ đã cho phép các quan sát viên Nga, Trung Quốc và cả CHDCND Triều Tiên giám sát cuộc tập trận Talisman Sabre (Kiếm bùa) mà Mỹ tổ chức ở Romania, Hungary và Bulgaria.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Putin đưa Quân đoàn xe tăng Liên Xô trở lại, NATO giật thót mình