Lệnh trừng phạt Nga được luật hóa tại Mỹ đã gây phản ứng dữ dội không chỉ từ Nga mà còn từ chính Liên minh châu Âu (EU) - đồng minh lâu đời của Mỹ bên bờ đông Đại Tây Dương. Bởi với việc luật hóa trừng phạt Nga, Washington bị cho là chỉ xem trọng mục đích của mình mà quên đi lợi ích của đồng minh, đối tác. Điều đó được thể hiện rất rõ ràng qua phản ứng của Brussels.

Liệu EU có phá rào luật trừng phạt Nga của Mỹ?

01/08/2017, 08:00

Lệnh trừng phạt Nga được luật hóa tại Mỹ đã gây phản ứng dữ dội không chỉ từ Nga mà còn từ chính Liên minh châu Âu (EU) - đồng minh lâu đời của Mỹ bên bờ đông Đại Tây Dương. Bởi với việc luật hóa trừng phạt Nga, Washington bị cho là chỉ xem trọng mục đích của mình mà quên đi lợi ích của đồng minh, đối tác. Điều đó được thể hiện rất rõ ràng qua phản ứng của Brussels.

Dù thất vọng với Mỹ, nhưng EU được cho là sẽ không xé rào luật trừng phạt Nga của Mỹ

Ngay sau khi nghị sĩ hai đảng chính trị tại Mỹ đạt thoả thuận về luật hóa trừng phạt Nga, EU đã cảnh báo: “Luật trừng phạt Nga có thể gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ với khối G7 mà còn với lợi ích kinh tế và an ninh năng lượng của EU. Luật trừng phạt ảnh hưởng tới cả nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng của EU”, tờ Bild am Sonntag dẫn lời người phát ngôn của EC:

Với Brussels, việc luật hóa lệnh trừng phạt Nga được nhìn nhận là liên quan tới các vấn đề của riêng Washington về cáo buộc Nga gây nhiễu loạn bầu cử Mỹ - chứ không phải vấn đề quốc tế như lệnh trừng phạt trước đây mà chính quyền Obama áp đặt và EU đã phối hợp với Mỹ để gây sức ép với Nga.

Theo Financial Times, giới chức tại Đức đã thể hiện sự phẫn nộ, khi cho rằng luật trừng phạt Nga đã tạo ra sức ép lên chính phủ Mỹ, buộc phải ưu tiên xuất khẩu năng lượng Mỹ, tạo việc làm cho lao động Mỹ, tăng cường chính sách ngoại giao kinh tế, đặt lợi ích Mỹ lên trên lợi ích của các đồng minh.

Luật trừng phạt Nga của Mỹ được cho là ảnh hưởng tới dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga tới mà không quá cảnh Ukraine. Dự án do Tập đoàn Gazprom của Nga kết hợp cùng các đối tác từ Đức và Áo thực hiện. Do vậy, khi luật hoá trừng phạt Nga thì các công ty của Đức và Áo bị trừng phạt.

Vì vậy, đã có nhiều nhận định rằng có thể EU sẽ tìm cách phá rào cản từ luật trừng phạt Nga của Mỹ để đảm bảo lợi ích của mình. Điều đó là có cơ sở, bởi EU đã làm điều đó khi ngó lơ cho các thực thể kinh tế của mình làm ăn với các đối tác Nga trong thời cấm vận, khiến trao đổi thương mại song phương đã tăng mạnh trong năm 2016, theo báo Der Spiegel của Đức.

Kết quả hình ảnh cho picture of trump and juncker and tusk

EU sẽ không xé rao luật trừng phạt Nga của Mỹ vì nhiều lý do

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khi lệnh trừng phạt Nga được luật hoá tại Mỹ thì vấn đề rất khác và EU cũng sẽ không thực hiện việc xé rào luật trừng phạt Nga của Mỹ. Điều đó được nhận diện bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, thấy cốt lõi của EU là lợi ích Mỹ và đó cũng là lý do khiến EU trở thành độc nhất vô nhị, dù có nhiều liên minh, cộng đồng được hình thành trên thế giới.

Có thể nhận định rằng, một châu Âu điêu tàn sau Thế chiến II không thể “vươn mình đứng dậy” chỉ sau chưa đầy một thập kỷ, nếu không có nguồn lợi ích khổng lồ từ đồng minh bên bờ tây Đại Tây Dương đổ vào lục địa già với Kế hoạch Marshall vĩ đại (1947 – 1951).

Theo giới phân tích, nếu không có lợi ích Mỹ thì nguyên tắc liên hiệp tại châu Âu không thể được hiện thực dễ dàng hóa như vậy. Bởi ngay sau khi Thế chiến I kết thúc, năm 1916 Ngoại trưởng Pháp lúc đó là ông Aristide Briand đã đề xuất ý tưởng thành lập một liên hiệp châu Âu.

Tuy nhiên, ý tưởng vĩ đại của nhà chính trị kiệt xuất ấy đã không thể trở thành hiện thực trong thời đại của ông. Điều đó chứng tỏ việc liên hiệp tại châu Âu phải có những điều kiện đặc biệt, để tạo ra sự tương đồng trong nền tảng lợi ích và đó chính nguồn lực từ Kế hoạch Marshall.

Ngay sau khi Kế hoạch Marshall kết thúc, Hiệp ước Paris được ký kết cho ra đời Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) vào năm 1951, rồi Hiệp ước Rome 1958 cho ra đời Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu.

Năm 1967, với Hiệp ước hợp nhất đã cho ra đời Cộng đồng châu Âu (EC), để rồi đến năm 1991 với Hiệp ước Maastricht cho ra đời Liên minh châu Âu (EU) và mở rộng lên 28 quốc gia, đưa EU trở thành một trong 3 trụ cột kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.

Cũng nên biết rằng, trong số 17 nước nhận nguồn tài trợ trực tiếp từ khi Kế hoạch Marshall, hiện chỉ có Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài EU. Điều đó cho thấy cốt lõi của EU là lợi ích Mỹ, do vậy khi vấn đề lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng và phải được ngăn bằng rào cản pháp lý thì EU sẽ không thể phá rào.

Thứ hai, lợi ích kinh tế có được trong quan hệ EU – Nga rất khiêm tốn so với lợi ích kinh tế có được trong quan hệ EU – Mỹ, vì vậy Brussels sẽ không mạo hiểm để rồi lợi bất cập hại.

Theo Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), EU và Mỹ có mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương lớn nhất trên thế giới. Tổng vốn đầu tư của Mỹ vào EU gấp 3 lần đầu tư của Mỹ ở toàn châu Á, còn 1/3 thương mại xuyên Đại Tây Dương là luân chuyển nội bộ giữa Mỹ và EU.

Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, năm 2013, EU xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ đạt trị giá 387,5 tỉ USD, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với trị giá 262,0 tỉ USD, EU thặng dư mậu dịch với Mỹ là 125,5 tỉ USD.

Năm 2014 xuất khẩu từ EU vào Mỹ đạt 420,6 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ đạt 276,2 tỉ USD, thặng dư mậu dịch với Mỹ là 144,4 tỉ USD. Năm 2015 EU xuất khẩu vào Mỹ 427,5 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ 271,8 tỉ USD và thặng dư mậu dịch với Mỹ là 155,6 tỉ USD.

Trong năm 2016, dù có giảm sút nhưng xuất khẩu của EU vào Mỹ vẫn đạt 416,3 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ 269,6 tỉ USD và thặng dư là 146,7 tỉ USD. Còn trong 5 tháng đầu năm 2017, EU đã xuất vào Mỹ 174,0 tỉ USD, nhập khẩu 116,6 tỉ USD và cũng đã thặng dư với Mỹ 57,4 tỉ USD.

Năm 2016, tổng giá trị kim ngạch thương mại của EU đạt khoảng 4.520,6 tỉ USD, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều EU–Mỹ là 685,9 tỉ, chiếm khoảng 16,13%. Đặc biệt, trong quan hệ thương mại với Mỹ, EU luôn thặng dư mậu dịch. Chỉ riêng từ năm 2013 đến 2016 và 5 tháng đầu năm 2016, EU đã thặng dư mậu dịch với Mỹ lên tới 629,6 tỉ USD.

Kết quả hình ảnh cho picture of putin and merkel

Dù quan hệ Nga - EU có cải thiện song EU sẽ không phá rào một lần nữa trong việc trừng phạt Nga

Trong khi đó, quan hệ thương mại EU-Nga năm 2014, EU xuất khẩu vào Nga đạt 133,0 tỉ USD, nhập khẩu từ Nga 194,8 tỉ USD, thâm hụt mậu dịch là -61,8 tỉ USD, năm 2015, EU xuất vào Nga 99,0 tỉ USD, nhập từ Nga 148,1 tỉ USD, thâm hụt -49,1. Còn năm 2016, EU xuất vào Nga chỉ còn 72,4 tỉ, nhập từ Nga vẫn tới 118,7 tỉ USD, và thâm hụt -46,2 tỉ USD.

Rõ ràng, lợi ích kinh tế từ quan hệ EU–Mỹ luôn lơn hơn rất nhiều lợi ích kinh tế trong quan hệ EU–Nga, thậm chí EU phải lấy thặng dư mậu dịch từ quan hệ thương mại với Mỹ để bù đắp thâm hụt trong quan hệ thương mại với Nga. Dù vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng có thể không đơn giản chỉ là những con số, song trong bối cảnh luật trừng phạt được Mỹ thực thi thì vấn đề lợi ích là rất quan trọng khiến EU không thể mạo hiểm.

Thứ ba, EU đã đạt được thoả thuận thương mại tự do với Nhật Bản, có thể bù đắp những lợi ích mất đi trong quan hệ với Nga và EU cũng đã kết hợp với Israel xây dựng dự án đường ống dẫn khí dầu xuyên Địa Trung Hải, qua đó giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Ngày 6.7, EU và Nhật Bản đã chính thức thoả thuận về một hiệp định thương mại tự do. Hiệp định thương mại tự do Nhật – EU sẽ mở đường cho việc gia tăng trao đổi hàng hoá giữa hai trong số khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, theo BBC.

EU và Nhật đã cùng một lúc đạt được hai thỏa thuận: một là thoả thuận về thương mại tự do, mà sẽ tạo ra một khối kinh tế thương mại tự do quy mô lớn và hai là thoả thuận về thiết lập đối tác chiến lược, hợp tác trong các lĩnh vực khác như chống biến đổi khí hậu…

Thoả thuận khung giữa EU và Nhật Bản đã được ký kết tại Brussels, sau cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngay trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 Hamburg 2017.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với dân số khoảng 127 triệu người. Hiện tại, nước này là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của EU. Theo BBC, nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản đối với các sản phẩm của châu Âu đang tăng dần trong những năm gần đây. Đó là cơ hội rất lớn cho EU, nhằm bù đắp khoản thiệt hại do Nga cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm.

Kết quả hình ảnh cho picture of abe and juncker and tusk

EU đã tìm được nguồn lực bù đắp những thiệt hại từ quan hệ với Nga

Còn trước đó, theo The Times of Israel ngày 3.4 cho hay, Israel đã cùng với Italy, Hy Lạp và Cyprus cam kết cùng hợp tác trong dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên biển dài nhất thế giới từ Đông Địa Trung Hải đến Nam Âu, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu.

“Theo kế hoạch tiền khả thi, đường ống dẫn khí đốt được phối hợp thiết kế giữa Israel và EU có tổng vốn đầu tư là 6,2 tỉ USD, dự kiến sẽ dẫn khí đốt mới được phát hiện từ Israel và Cyprus đến châu Âu, có khả năng làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga khi quan hệ giữa hai bên đang ở tình trạng căng thẳng”, tờ báo Israel tường thuật.

Ủy viên châu Âu về Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Canete cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao khả năng cung cấp khí đốt từ Israel và tin rằng điều này có thể đóng góp vào chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp, tuyến đường dẫn và nhà cung cấp năng lượng cho châu Âu và chắc chắn sẽ có sự hỗ trợ đầy đủ của tất cả thành viên EU".

Như vậy, những lo ngại và thiệt hại của EU khi trừng phạt Nga được luật hóa đã có thể có hướng giải quyết và nguồn lực bù đắp, do đó Moscow khó có hy vọng vào việc Brussels làm liều với Washington để cứu EU và cũng là giúp Nga tránh nhiều thiệt hại và hệ luỵ.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu EU có phá rào luật trừng phạt Nga của Mỹ?