BBC ngày 28.7 đưa tin, sau khi lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga với tỷ lệ gần như tuyệt đối – báo trước việc dự luật sẽ chắc chắn trở thành luật, bất chấp Tổng thống Donald Trump có ký ban hành hay không - Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo biện pháp trả đũa của Moscow.

Tại sao Nga lại đáp trả luật trừng phạt của Mỹ bằng trả đũa ngoại giao?

29/07/2017, 19:32

BBC ngày 28.7 đưa tin, sau khi lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga với tỷ lệ gần như tuyệt đối – báo trước việc dự luật sẽ chắc chắn trở thành luật, bất chấp Tổng thống Donald Trump có ký ban hành hay không - Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo biện pháp trả đũa của Moscow.

Washington luật hoá trừng phạt Nga, buộc Moscow phải trả giá đắt cho những hành động bị nhận diện gây phương hại cho nước Mỹ

Washington buộc Moscow phải trả giá đắt qua việc luật hoá trừng phạt Nga

Theo thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, Moscow đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ ngưng sử dụng tất cả cơ sở lưu trữ nằm trên đường Dorozhnaya ở Moscow và một ngôi nhà ở Serebryaniy Bor bắt đầu từ ngày 1.8.2017.

Ngoài ra, Moscow còn yêu cầu Washington cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga xuống còn 455 người bắt đầu từ ngày 1.9.2017. Bên cạnh đó, Nga còn đe dọa sẽ tung ra thêm biện pháp trả đũa bổ sung nếu Mỹ có những động thái tiêu cực mới.

“Chúng tôi bảo lưu quyền đưa ra các biện pháp trả đũa để đánh vào lợi ích của Mỹ nhằm phản đối dự luật trừng phạt của Washington”, nội dung thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, đích thân Tổng thống Putin đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao tung ra các biện pháp đáp trả và “các biện pháp này sẽ không khả thi nếu không được sự cho phép của Tổng thống Putin”, Sputnik dẫn lời ông Peskov.

Cũng nên biết rằng, Dự luật trừng phạt Nga vừa được những nhà làm luật Mỹ thông qua dài 184 trang, quy định Tổng thống Mỹ không được phép đơn phương nới lỏng hoặc hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nếu muốn can thiệp, người đứng đầu Nhà Trắng phải được sự phê chuẩn của Quốc hội.

Kết quả hình ảnh cho Picture of Putin

Tổng thống Putin đã hết kiên nhẫn khi trừng phạt Nga bị luật hoá tại Mỹ

Dự luật cũng quy định mở rộng các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Obama đã áp dụng, với nhiều nội dung mới nhằm vào các thực thể kinh tế Nga, hoạt động trong các lĩnh vực kim loại, vận tải biển và đường sắt.

Giới phân tích cho rằng, qua việc luật hoá trừng phạt Nga, Washington đã buộc Moscow phải trả một cái giá rất đắt cho những hành động được nhận diện là đã làm phương hại tới tình hình chính trị, tình hình nội trị và chiến lược quan hệ đối ngoại của nước Mỹ. Nước Nga phải trả giá bằng việc sống chung lâu dài với luật trừng phạt

Ngày 27.7, Tổng thống Putin đã tuyên bố, nếu Mỹ thực thi luật trừng phạt Nga, đó là điều rất đáng tiếc, là hành động bất cẩn khiến cho tình hình xấu đi. Người đứng đầu điện Kremlin cũng cho rằng luật trừng phạt này của Mỹ là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các quan hệ quốc tế.

Còn theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, sự hung hăng của Mỹ trong hành động chống Nga đều trái ngược với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Song thực tế gần như đã không thể đảo ngược, do vậy vấn đề là Nga ứng phó ra sao mà thôi.

Trả đũa ngoại giao là lựa chọn họp lý nhất của Moscow

Mặc dù nhiều nghị sĩ Nga đã đề xuất một luật trừng phạt Mỹ nhằm trả đũa Washington đối với việc thông qua luật trừng phạt Nga, song theo giới phân tích, việc Nga trả đũa luật trừng phạt của Mỹ là không thể, thậm chí là lợi bất cập hại. Tại sao vậy?

Thứ nhất, quan hệ kinh tế Nga - Mỹ hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị nền kinh tế Mỹ, do vậy nếu Moscow trả đũa bằng biện pháp kinh tế "kiểu ăn miếng trả miếng" sẽ không gây tổn thất bao nhiêu cho hoạt động kinh tế tại xứ cờ hoa.

Trong hoạt động thương mại, theo báo cáo của Cục Hải quan Liên bang Nga, kim ngạch thương mại Nga - Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2017 dù tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2016, cũng chỉ đạt 8,7 tỉ USD. Trong đó giá xuất khẩu hàng hóa từ Nga sang Mỹ đạt 3,9 tỉ USD và nhập khẩu từ Mỹ 4,8 tỉ USD.

Còn trong hợp tác đầu tư, theo số liệu của Cục Phân tích kinh tế Mỹ, Nga đã đầu tư gần 4,6 tỉ USD vào, chiếm tỷ lệ 0,1% đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Mỹ. Ở phía ngược lại, Mỹ cũng chỉ đầu tư tổng cộng 9,2 tỉ USD vào Nga.

Với các hoạt động kinh tế khác thì giá trị cũng rất nhỏ, không thể tạo ra tác động tiêu cực cho kinh tế Mỹ, nếu Nga trả đũa. Moscow mới chỉ tích lũy được 105 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, dù đã tăng tới 18% trong bốn tháng đầu năm 2017. Trong khi Mỹ thì không hướng tới trái phiếu chính phủ Nga.

Kết quả hình ảnh cho picture of putin and Obama

Tổng thống Putin không đáp trả trừng phạt ngoại giao của Tổng thống Obama nhằm làm quà tặng Tổng thống Trump nhưng không thể phát huy giá trị

Thứ hai, quy mô nền kinh tế Nga hiện còn quá nhỏ bé so với quy mô nền kinh tế Mỹ, do vậy việc đáp trả luôn khiến Nga đối mặt với nguy cơ lợi bất cập hại với Nga. So sánh tương quan thì Mỹ có thể bao vây kinh tế Nga nhưng ở chiều ngược lại là không thể.

Khi không thể ngang bằng về lực thì phải dựa vào thế để có thể đấu với đối phương. Tuy nhiên, trừng phạt và trả đũa trừng phạt trong kinh tế là áp đặt các biện pháp nhằm tước bỏ hay gây thiệt hại cho lợi ích của thực thể đối nghịch, ở đây không có chỗ để dùng thế mà phải có lực mới có thể đáp trả.

Nga không ngang bằng về lực với Mỹ nên đáp trả thì luôn phải chịu thiệt nhiều hơn đối phương, nếu Mỹ gia tăng biện pháp trừng phạt. Do đó, Nga phải tìm các giải pháp ứng phó - sống chung với trừng phạt - chứ không phải tìm biện pháp đối phó - trả đũa bằng trừng phạt kinh tế.

Song việc luật hoá trừng phạt Nga đã là bước thứ ba trong các nước đi của Mỹ buộc Nga phải trả giá cho hành động được Washington nhìn nhận là gây phương hại cho Mỹ. Trong khi đó Nga mới chỉ đáp trả có một lần bằng lệnh cấm nhập khẩu lương thực thực phẩm từ Mỹ và châu Âu.

Washington vẫn còn nợ Moscow trong việc trừng phạt ngoại giao của chính quyền Tổng thống Obama được đưa ra chỉ chưa đầy 72 tiềng đồng hồ trước khi kết thúc năm 2016, ngày 29.12.2016, với việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.

Cùng với đó là áp đặt trừng phạt hai cơ quan tình báo của Nga là Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và Cơ quan Tình báo quân sự (GRU), bên cạnh việc đóng cửa hai cơ sở ngoại giao của Nga ở New York và Maryland vì bị Washington nghi ngờ thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động tình báo.

Khi đó, Tổng thống Putin đã bác bỏ đề xuất của Bộ Ngoại giao Nga về việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ như đáp trả hành động của Washington. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng đòn trừng phạt Tổng thống Obama tung ra là hành động khiêu khích, buộc Moscow phải phản ứng. Tuy nhiên, Nga không làm vậy.

Tổng thống Putin khẳng định: “Chúng ta sẽ nỗ lực hơn để khôi phục quan hệ Nga - Mỹ dựa trên các chính sách mà chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị thực thi”.

Tiếc thay, việc khôi phục quan hệ Nga – Mỹ dưới thời chính quyền Trump không diễn ra theo kỳ vọng của Moscow. Một phần vì các nhánh quyền lực của nước Mỹ quyết khai thác hàm lượng “yếu tố Nga” trong chiến thắng của ông Trump làm rào cản cho việc cải thiện quan hệ.

Một phần vì nền tảng chiến lược của chính quyền Trump là gia tăng lợi ích Mỹ, trong khi lợi ích trong quan hệ Nga – Mỹ chiếm tỷ trọng không lớn trong nền tảng lợi ích Mỹ có được từ kinh tế đối ngoại nên việc cải thiện quan hệ Nga – Mỹ không trở thành ưu tiên hành đầu của chính quyền Trump.

Kết quả hình ảnh cho picture of putin and trump

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin chưa thể "vượt rào" để cải thiện quan hệ Nga - Mỹ

Thế là những gì tốt nhất mà Moscow dành cho vị Tổng thống và chính quyền Mỹ đã không phát huy tác dụng, ngược lại còn phản tác dụng khi chính quyền Trump gia tăng trừng phạt các thực thể có quan hệ, liên hệ với Nga trong ván cờ Ukraine và Syria.

Thực tế đó khiến Moscow không còn kiến nhẫn với chính quyền Trump, nên ngay trong cuộc gặp đầu tiên giữa bộ đôi Trump – Putin, hậu quả trong việc trừng phạt ngoại giao của chính quyền Obama đã được nhà lãnh đạo Nga đề cập. Song dường như ông Trump không phản ứng tích cực.

Phản ứng của Washington khiến Moscow có ý định “hồi tố” việc trả đũa mà Tổng thống Putin đã bỏ qua cho Tổng thống Obama để làm quà cho Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nếu thực hiện lúc này mà không có bất cứ sự kiện tiêu cực nào để làm cái cớ thì hành động của Moscow chỉ là một cú đánh nguội nên sẽ không thể đạt được mục đích của mình.

Khi việc trừng phạt Nga được luật hoá, đó là cái cớ tốt nhất cho Moscow trả đũa Washington bằng các biện pháp trừng phạt ngoại giao. Việc lựa chọn này được cho là nhất cử lưỡng tiên với Moscow - vừa trả được nợ vụ chính quyền Obama trừng phạt ngoại giao, vừa không phải tung đòn đòn trừng phạt kinh tế mà có thể lợi bất cập hại.

Theo giới phân tích, đó chính là lý go Moscow tung ngay đòn đáp trả luật trừng phạt Nga, mà không chờ phản ứng chính thức từ chính quyền Trump. Đây là điều rất hiếm xảy ra đối với Tổng thổng Putin - người vốn rất ít khi hành động vội vã trước những bất cứ hiệu ứng nào với nước Nga.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Nga lại đáp trả luật trừng phạt của Mỹ bằng trả đũa ngoại giao?