Hôm 15.9, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cho biết rằng hàng rào thuế quan của Mỹ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc đã phá vỡ các quy tắc thương mại quốc tế. Quyết định đó khiến Tổng thống Donald Trump tức giận.

Tổng thống Mỹ úp mở rời WTO sau phán quyết có lợi cho Trung Quốc

16/09/2020, 12:29

Hôm 15.9, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cho biết rằng hàng rào thuế quan của Mỹ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc đã phá vỡ các quy tắc thương mại quốc tế. Quyết định đó khiến Tổng thống Donald Trump tức giận.

WTO đã đứng về phía Trung Quốc sau khi Bắc Kinh khiếu nại về khoản thuế quan do chính quyền ông Trump áp dụng đối với khoảng 234 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018. Một hội đồng gồm ba chuyên gia thương mại, do Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO thành lập, hôm 15.9 tuyên bố những mức thuế của chính quyền Trump áp với Trung Quốc là "không phù hợp" với quy tắc thương mại toàn cầu và yêu cầu Mỹ tuân thủ nghĩa vụ của mình. Cơ quan của WTO cho rằng hàng rào thuế quan đã vi phạm quy định rằng các nước phải áp dụng mức thuế quan như nhau cho tất cả các đối tác thương mại là thành viên của WTO.

Ông Trump đã liên tiếp áp đặt thuế quan đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trong nỗ lực đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán và giải quyết dứt điểm vấn đề về ăn cắp tài sản trí tuệ và cưỡng bức chuyển giao công nghệ. Mỹ và Trung Quốc vào đầu năm nay đã đồng ý một thỏa thuận sơ bộ. Thế nhưng, hầu hết các mức thuế vẫn được giữ nguyên, khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ và đồng nghĩa với ế ẩm tại Mỹ.

Trung Quốc hoan nghênh quyết định của WTO là "khách quan và công bằng". Phía Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc có "quyết tâm vững chắc trong việc tôn trọng các quy định của WTO và đảm bảo nguyên tắc của một hệ thống thương mại đa phương".

Tuy nhiên, phán quyết từ WTO sẽ có ít tác dụng thực tế vì ảnh hưởng của Mỹ trong WTO quá lớn. Dù vậy, Tổng thống Mỹ không hài lòng với thái độ của WTO. Ông Trump nói sẽ xem xét để hành động sau khi WTO ra phán quyết Mỹ vi phạm quy tắc quốc tế trong các đòn thuế áp với Trung Quốc.

"Chúng ta sẽ phải làm gì đó với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì họ đã để Trung Quốc thoát tội. Chúng tôi sẽ xem xét điều đó. Tôi không phải người ủng hộ WTO, đó là điều tôi có thể nói ngay bây giờ. Có lẽ họ nên thôi chọc tức chúng ta", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 15.9.

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ có hành động đáp lễ nào với WTO. Tổng thống Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái từng đe dọa rút khỏi tổ chức này, vì cho rằng WTO "gây khó dễ cho Mỹ suốt nhiều năm qua". Ông Trump chỉ trích những điều khoản WTO dành cho Trung Quốc khi họ gia nhập tổ chức, cáo buộc Bắc Kinh có hành vi đánh cắp công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ từng nhiều lần giành chiến thắng trong các tranh chấp thương mại nhờ WTO.

Viễn cảnh Mỹ rời WTO có thể khó dưới đời Tổng thống khác nhưng với một người như ông Trump thì mọi điều đều có thể xảy ra. Cách đây không lâu, ông Trump cũng khiến thế giới sửng sốt khi rút khỏi Tổ chức y tế thế giới WHO bất chấp sự phản đối từ trong và ngoài nước. Thái độ của ông Trump với WTO lúc này khá giống với thái độ của ông với WTO hồi tháng 5.

Tổng thống Trump hôm 29.5 thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO bởi tổ chức này không thực hiện những cải cách mà Washington cho là rất cần thiết. Trước đó, ngày 14.4, ông Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng mà ông cho là “thất bại” trước đại dịch COVID-19. Trong bức thư đề ngày 18.5 gửi Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng thống Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.

Kết cục là sau hơn 70 năm là thành viên, Mỹ chính thức rời bỏ WHO trong bối cảnh nước này có những căng thẳng leo thang với Trung Quốc và vì Mỹ không hài lòng trước việc WHO không quy trách nhiệm cho Trung Quốc trong đại dịch COVID-19. Lúc này, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn như dây đàn và thái độ của WTO lại nghiêng về Trung Quốc còn hơn cả WHO. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu quan hệ giữa Mỹ với Tổ chức thương mại thế giới WTO sẽ có kịch bản giống như với Tổ chức y tế thế giới WHO.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố: “Mặc dù ban hội thẩm không tranh luận về bằng chứng mà Hoa Kỳ đệ trình về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, nhưng quyết định của họ cho thấy rằng WTO không đưa ra biện pháp khắc phục đối với hành vi sai trái đó”.

Trung Quốc hiện cũng áp đặt thuế quan đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất, nhưng Washington chưa đệ đơn khiếu nại chính thức về các mức thuế đó. Thuế quan đã là một công cụ ưa thích của ông Trump. Tổng thống Mỹ cũng đã sử dụng chúng để đối phó với các nước láng giềng như Canada và Mexico trong các cuộc đàm phán về việc thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.

Cũng trong ngày 15.9, Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan đối với nhôm của Canada. Thay vào đó, Mỹ áp đặt hạn ngạch và bảo lưu quyền áp dụng lại thuế quan nếu vượt quá mức hạn ngạch.

Vào tháng 8, ông Trump tái áp dụng mức thuế 10% đối với nhôm Canada vì cho rằng hàng nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Ông đã dỡ bỏ thuế quan đối với Canada và Mexico vào năm ngoái tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán về NAFTA mới. Thỏa thuận thương mại được đàm phán lại, được gọi là Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, đã có hiệu lực vào tháng 7. Có thể thấy ông Trump sẵn sàng nhượng bộ với Canada, Mexico nhưng quyết đấu tới cùng với Trung Quốc.

A.T (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Mỹ úp mở rời WTO sau phán quyết có lợi cho Trung Quốc