Người mang thắng lợi về cho Philippines tại PCA nói: Tổng thống Rodrigo Duterte "hù" dân sợ khi tuyên bố Trung Quốc sẽ đánh Philippines, nếu Manila chống lại việc Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông.

'Tổng thống Duterte dọa dân về chiến tranh trên Biển Đông với Trung Quốc'

06/06/2019, 13:05

Người mang thắng lợi về cho Philippines tại PCA nói: Tổng thống Rodrigo Duterte "hù" dân sợ khi tuyên bố Trung Quốc sẽ đánh Philippines, nếu Manila chống lại việc Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông.

Tổng thống Duterte cầm súng cạnh cựu tư lệnh cảnh sát Ronald Dela Rosa - Ảnh: AP

Đây là quan điểm của ông Florin Pilot Hilbay, người từng có công đưa Phillipines đến thắng lợi khi Tòa án trọng tài thường trực LHQ (PCA) phán quyết Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông.

Trước thềm kỷ niệm sự kiện PCA đưa ra phán quyết ngày 12.7.2016, ông Hilbay đã trả lời phỏng vấn của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) và tờ báo Hồng Kông này đăng ngày 5.6.2019. Ông nhắc lại sự kiện này: Hồi năm 2013, chính phủ Tổng thống Benigno Aquino của Philippines đã kiện tới PCA, về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền Biển Đông.

Năm 2014, Tổng thống Aquino chọn ông Hilbay làm Tổng Chưởng lý trẻ nhất trong lịch sử Philippines, ở tuổi 40, có bằng luật sư từ năm 1999.

Ông Aquino lúc còn là Tổng thống Philippines - Ảnh: AP

Qua năm 2016, chính xác là đúng 2 tuần sau khi ông Duterte trở thành tân Tổng thống Philippines, 5 thẩm phán PCA đưa ra phán quyết 500 trang, khẳng định rõ không hề có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc có quyền đưa ra tuyên bố phi lý tại vùng biển phía tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông).

PCA bác bỏ “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ nhằm chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) 220 hải lý của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei (4/10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN). Nhưng Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa.

Vài giờ sau phán quyết, ông Duterte triệu tập nội các và ông Hilbay họp bàn cách chính phủ nên có quan điểm nào đối với phán quyết PCA. Ông Hilbay kể: “Tôi nhớ ông ấy nói: “Điều tôi muốn là một cuộc hạ cánh mềm”. Tôi cho rằng điều này có nghĩa ông ấy sẽ không nói khoe khoang khoác lác gì về phán quyết. Tôi cho đó là một quyết định tốt, vì không cần phải khoe khoang. Mọi người đã biết chúng tôi thắng kiện. Nhưng điều tôi không nhận ra là sau cuộc hạ cánh mềm này, ông ấy quay ngoắt, phản ánh qua ngôn ngữ của tổng thống”.

Theo SCMP, hồi tháng 3.2019, ông Duterte nói ông sẽ không kéo Trung Quốc vào một cuộc chiến, vì sợ xảy ra một cuộc thảm sát vì “Trung Quốc có rất nhiều vũ khí chất lượng tốt”. Ông còn nói: “Nếu chúng ta đánh nhau với Trung Quốc, tôi sẽ mất tất cả binh lính vì họ phải đi trận. Sẽ là một cuộc thảm sát. Chúng ta không có khả năng đánh lại họ”.

Qua tháng 4.2019, ông Duterte đi Bắc Kinh dự diễn đàn Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) và hạ giảm căng thẳng trên Biển Đông. Hai nước ký 19 thỏa thuận gồm các hợp đồng đầu tư trị giá 12 tỉ USD. Các hợp đồng này được kỳ vọng tạo ra 21.000 việc làm.

Ông Hilbay - Ảnh: SCMP

Ông Hilbay nói ông Duterte đã “hù dọa”, đẩy dân Philippines tin rằng Trung Quốc sẽ đánh Philippines, nếu Manila cố gắng thực thi phán quyết của PCA: “Kiểu gieo rắc sợ hãi này đã có hiệu quả”. Ông Hilbay khẳng định ông Duterte sẽ không cố gắng thực thi phán quyết PCA, vì ông mới có 3 năm làm tổng thống. Nhưng nếu ông Duterte thực thi phán quyết, thì Philippines sẽ có sự ủng hộ của các nước như Mỹ, Nhật Bản..., theo SCMP. Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hứa Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu xảy ra sự cố “một cuộc tấn công vũ trang” trên Biển Đông.

Ông Hilbay kêu gọi chính phủ Duterte có quan điểm cứng rắn hơn nhằm củng cố cho phán quyết PCA. Ông nói việc sợ Trung Quốc có thể trả đũa là quá đáng, và không cần phải sợ kinh tế Philippines sẽ chịu tổn thất nếu gia tăng căng thẳng. Ông nói kinh tế Philippines vẫn ổn khi quan hệ song phương xuống tận đáy dưới thời tổng thống Aquino, nhà lãnh đạo Philippines từ năm 2010 đến 2016.

Ông Hilbay cũng nói việc thiếu cứng rắn với hành vi bắt nạt trên Biển Đông của Trung Quốc chỉ càng khiến Bắc Kinh táo tợn hơn: “Điều Trung Quốc đang làm là thử thách khả năng phản ứng của Philippines. Họ tự hỏi liệu tổng thống (Duterte) có phản ứng hay không nếu chúng ta làm thế này thế nọ? Ông ấy không bao giờ phản ứng, và đó chính là vấn đề. Người Philippines gọi đó là trò bắt nạt, nhưng về cơ bản thì chính phủ đã chấp nhận bất kỳ điều gì Trung Quốc làm”.

Ông Hilbay đề nghị Manila phải liên tục phản đối bất kỳ lúc nào Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Philippines, và ông bác bỏ những lời lẽ bóng gió của Tổng thống Duterte rằng làm thế sẽ là khiêu chiến với Trung Quốc. Ông nói: “Không nhất thiết phải tung tàu chiến, nhưng có lẽ nên cử lực lượng tuần duyên Philippines. Phản đối ở các diễn đàn công cộng hoặc thậm chí với LHQ. Tôi không thể tưởng tượng những hành động này lại dẫn đến chuyện bắn nhau với Trung Quốc”.

Ông cũng đề nghị siết chặt luật di trú, để xét kỹ nhân thân của người lao động nước ngoài đến Philippines, và đề nghị họ phải có giấy phép lao động trước khi đến nước này. Hồi tháng 5, một cuộc điều tra của chính phủ Philippines đã phát hiện ít nhất 12.000 lao động nước ngoài - chủ yếu là người Trung Quốc - làm việc “chui” cho các công ty cá cược trực tuyến ở Philippines.

Ông Hilbay nói vài doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy họ được “miễn trừ” khỏi luật pháp Philippines, và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Philippines sẽ là một vấn đề nóng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2022: “Ông Duterte chỉ thắng ở một vấn đề: Ông ấy ghét ma túy. Tôi có thể tưởng tượng ai đó tranh cử năm 2022 sẽ nói Philippines là của người Philippines, và Philippines không phải của người Trung Quốc”.

Nhưng ông cũng cảnh báo một cương lĩnh tranh cử như vậy có thể dẫn đến sự kỳ thị: “Các chính khách sẽ làm tất cả mọi cách để thắng cử. Họ có thể tận dụng cảm giác ngày càng lớn rằng quá nhiều người Trung Quốc đến nước này và cướp việc làm của người Philippines. Tôi có thể tưởng tượng một chính khách sẽ nói thế này Chính sách số 1 của tôi là đá hết người Trung Quốc về nước . Cương lĩnh này có thể đạt hiệu quả”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tổng thống Duterte dọa dân về chiến tranh trên Biển Đông với Trung Quốc'