Việc Tổng thống Donald Trump có ý định xả bớt kho dự trữ dầu lớn nhất thế giới lên đến 700 triệu thùng của Mỹ đang không chỉ đe dọa giá dầu trên thị trường, mà còn khiến các nước xuất khẩu dầu lớn nhưng đang có căng thẳng với Mỹ như Nga phải chịu sức ép lớn.

Tổng thống Donald Trump xuống quân bài để áp chế Nga và Saudi

22/07/2017, 05:42

Việc Tổng thống Donald Trump có ý định xả bớt kho dự trữ dầu lớn nhất thế giới lên đến 700 triệu thùng của Mỹ đang không chỉ đe dọa giá dầu trên thị trường, mà còn khiến các nước xuất khẩu dầu lớn nhưng đang có căng thẳng với Mỹ như Nga phải chịu sức ép lớn.

6 tháng cuối năm 2017 có vẻ như sẽ không phải là khoảng thời gian đem lại những tin tức tích cực cho giá dầu trên thị trường thế giới. Sự sụt giảm nhập khẩu dầu thô từ thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc, sự bất lực của OPEC trong việc thực thi đúng cam kết cắt giảm sản lượng, tất cả đang khiến cho giá dầu trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mốc trên dưới 40 USD/thùng trong quý 3 và thậm chí là cả quý 4 của năm nay. Thế nhưng tất cả những tin tức không mấy tích cực đó sẽ chẳng thấm vào đâu so với việc Tổng thống Donald Trump đang có ý định xả bớt kho dự trữ dầu lớn nhất thế giới lên đến 700 triệu thùng của Mỹ - một động thái đủ sức nhấn chìm giá dầu.

Nước Mỹ chính thức bắt đầu việc dự trữ dầu lửa vào ngày 21.7.1977, và với một quy mô tương đối nhỏ: chỉ khoảng 421.000 thùng dầu thô được nhập khẩu từ Ả Rập Saudi và được cất giấu trong một mỏ muối ở bang Texas. Sau khi Ả Rập Saudi đưa ra lệnh cấm xuất khẩu dầu do cuộc chiến với Israel trong thập niên 70, giá dầu đã tăng gấp 4 lần và buộc nước Mỹ bắt đầu thiết lập kho dự trữ dầu quốc gia nhằm bảo vệ người dân và nền kinh tế khỏi các cú sốc về giá cả hàng hóa và nhiên liệu nhập khẩu. Việc mở rộng kho dự trữ dầu được đẩy mạnh trong những năm 1980 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, tạo tiền đề cho kho dự trữ khổng lồ của nước Mỹ hiện nay, lên tới khoảng 700 triệu thùng.

Tuy nhiên, 40 năm sau, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, và Chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với câu hỏi: Kho dự trữ dầu chiến lược có còn hữu dụng và cần thiết nữa hay không. Với tổng lượng dự trữ lên đến hơn 700 triệu thùng dầu hiện đang được cất giữ tại hơn 60 hang động ở Texas và Louisiana, nước Mỹ có đủ dầu để cung ứng cho nền kinh tế trong vòng hơn 2 tháng mà không cần nhập khẩu, chưa kể sản lượng khai thác dầu của các công ty Mỹ cũng đang ngày càng tăng và có thể cung ứng phần lớn nhu cầu. Nói cách khác, nước Mỹ ở thời điểm hiện tại không cần thiết phải tích trữ một lượng dầu quá lớn như vậy nữa, và Tổng thống Donald Trump đang muốn xả bớt kho dự trữ khổng lồ này để có nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế.

Trong vài năm gần đây, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Bộ Năng lượng nước này bán khoảng 190 triệu thùng dầu để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách của Chính phủ, tuy nhiên vẫn phải duy trì một lượng dự trữ vừa đủ trong các trường hợp khẩn cấp. Theo tính toán của Bộ Năng lượng Mỹ, đến năm 2025 kho dự trữ dầu của Mỹ sẽ giảm khoảng gần 1/3 so với ở thời điểm hiện tại, tương đương khoảng gần 200 triệu thùng. Tuy nhiên, việc thực hiện đang được tiến hành khá chậm chạp và Tổng thống Donald Trump đang muốn thúc đẩy nó diễn ra nhanh hơn: từ đầu năm 2017 đến nay mới có khoảng 16 triệu thùng dầu được đưa ra bán theo hình thức đấu giá, với mức giá 51,46 USD/thùng trong phiên đấu giá tháng 1 và mức giá 45,42 USD/thùng trong phiên tháng 3. Nó khiến cho kho dự trữ dầu của Mỹ chỉ còn khoảng 679 triệu thùng tính đến thời điểm ngày 14.7.2017.

Lượng dầu mà Mỹ bán ra từ kho dự trữ của mình trong các lần trước chỉ ở mức đủ nhỏ để không gây ra những biến động về giá cả cho thị trường, tuy nhiên điều này đang đứng trước khả năng thay đổi đáng kể. Ngoài việc Tổng thống Donald Trump muốn đẩy nhanh quá trình bán và số lượng dầu bán ra như một biện pháp bù đắp ngân sách cho các chương trình phát triển kinh tế của mình, thì nước Mỹ cũng đang có nhiều lý do hơn để bán bớt dầu từ kho dự trữ ra thị trường. Điển hình là việc Chính quyền của Donald Trump mới đây đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Venezuela như một phần của lệnh trừng phạt với quốc gia Nam Mỹ này. Hiện Venezuela bán khoảng 700.000 thùng dầu mỗi ngày cho các nhà máy lọc dầu ở vịnh Coast của Mỹ, điều này có thể khiến tăng giá xăng trên thị trường và giảm lợi nhuận cho các nhà máy lọc dầu Mỹ. Và gần như chắc chắn rằng Chính phủ Mỹ sẽ phải bán bớt một phần của kho dự trữ dầu thô để giải quyết các vấn đề trên, nhất là khi năng lực khai thác của các công ty dầu Mỹ chưa đủ khả năng để bù đắp ngay lập tức mức sản lượng thiếu hụt lên đến 700.000 thùng/ngày kia.

Điều này chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với giá dầu trên thị trường thế giới ở thời điểm hiện tại, nhất là khi Mỹ thậm chí có thể sử dụng kho dự trữ dầu của mình như một vũ khí chiến lược. Robert McNally, cựu cố vấn về năng lượng của Tổng thống George W.Bush, cho biết kho dự trữ dầu của Mỹ vẫn được sử dụng như một cách thức chiến lược chính trị, chẳng hạn như vào năm 2011 Mỹ đã đưa ra 30 triệu thùng dầu để giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung do xung đột quân sự ở Lybia. McNally cho rằng, kho dự trữ dầu khổng lồ là một vũ khí quan trọng để đối phó với các nước sản xuất dầu lớn khác như Ả Rập Saudi hay Nga. Nói cách khác, Mỹ hoàn toàn có thể dùng kho dự trữ của mình khiến giá dầu thế giới sụt giảm mạnh để gây sức ép với Nga hay Ả Rập Saudi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Donald Trump xuống quân bài để áp chế Nga và Saudi