Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay nộp thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tìm lời giải cho bài toán chống thất thu thuế đối với thương mại điện tử

Lam Thanh 18:43 04/06/2024

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay nộp thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Thất thu thuế với thương mại điện tử rất đáng kể

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về thất thu thuế.

Ông Diên cho hay theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

“Riêng về thất thu thuế, không thể không thừa nhận hiện đang còn một tỷ lệ đáng kể. Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước không bị áp thuế”, ông Diên nêu.

tmdt-1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Theo ông Diên, hiện nay theo quy định hiện hành, những hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng không bị áp thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu tạo ra tính cạnh tranh.

"Qua theo dõi cho thấy, 4 sàn thương mại điện tử lớn nước ngoài đang khai thác ở nước ta mỗi tháng giao dịch khoảng trên dưới 1 tỉ USD với hàng nhập khẩu. Điều đó đồng nghĩa sẽ có một lượng thuế của chúng ta bị thất thoát nếu như không điều chỉnh các quy định hiện hành", ông Diên nói.

Bộ Công Thương cho biết đang tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan; kết nối hệ thống giữa Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6.2024.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế; tích cực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử cũng như hướng dẫn người nộp thuế.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó là khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 ngân hàng.

tmdt-3.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Phớc cho hay ở trên môi trường điện tử, Bộ Tài chính tập trung thu thuế tại Hà Nội và TP.HCM. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế hỗ trợ thực hiện thu thuế trên trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo công bằng trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Việt Nam không còn là thiên đường của ngành thâm dụng lao động

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết hiện nay ngành công nghiệp dệt may, da giày chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ liệu.

“Việt Nam lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, giá trị gia tăng không được cải thiện, chi phí trên các lĩnh vực tăng nên giá thành sản phẩm tăng theo. Sức hấp dẫn với các nhà đầu tư giảm dần dẫn đến làn sóng chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng của nước ta về ngành này và việc làm của người lao động”, ông Hoà nêu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đây là xu hướng nước ngoài đang chuyển dịch các ngành này sang nước khác.

tmdt-2.jpeg
Quốc hội chất vấn các bộ trưởng

Theo ông Diên, sản phẩm của ngành dệt may, da giày trong khoảng 10 năm qua luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta, đồng thời đóng góp cho tăng trưởng giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên đến thời điểm này, Việt Nam không còn là thiên đường cho các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai.

Do đó, việc các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp dệt may, da giày chuyển dịch sang các nước khác là điều dễ hiểu.

“Tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam đều phải đặt mục tiêu làm chủ nhiều hơn về việc cung ứng nguyên liệu”, ông Diên nêu.

Vì vậy, Bộ Công Thương nêu rõ, trong lĩnh vực công thương có 4 quy hoạch ngành quốc gia (gồm quy hoạch về năng lượng, về điện, xăng dầu khí đốt quốc gia và quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản...) sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để phục vụ nhu cầu sản xuất là rất lớn, đồng thời đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách địa phương.

“Trong tương lai, ngoài ngành dệt may và da giày, tất cả các ngành sản xuất khác phải khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ. Theo đó, cần từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu, nâng giá trị sản phẩm xuất khẩu, chứ không chỉ tạo ra giá trị gia công như hiện nay”, ông Diên nói.

Trả lời về vấn đề các doanh nghiệp bị khởi kiện trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Diên nêu rõ, cho đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác khởi kiện là 247 vụ.

Nguyên nhân là do chúng ta tận dụng lợi thế của các Hiệp định tự do để mở rộng xuất khẩu; việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực cũng khiến nước ta trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước khác thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại; một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết.

“Bộ đã chủ động phối hợp với với các bộ ngành, địa phương, ngành hàng, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại”, ông Diên nêu.

Bài liên quan
TP.HCM: Tuyến metro số 1 chính thức khai thác thương mại ngày 22.12 tới
Sau gần 20 năm thi công và trải qua nhiều khó khăn, vướng mắc, cuối cùng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đã hoàn thành 100% khối lượng thi công và sẽ chính thức đi vào khai thác thương mại ngày 22.12.2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm lời giải cho bài toán chống thất thu thuế đối với thương mại điện tử