Hơn 13 năm kể từ khi bãi rác Đông Thạnh đóng cửa theo yêu cầu của UBND TP.HCM (năm 2002), trở lại nơi đây, chúng tôi nhận thấy cuộc sống người dân sung túc hơn, nhà cửa, đường sá sạch đẹp, nhiều trường học được xây cất khang trang, bãi rác được phủ xanh cây cỏ. Thế nhưng, bấy nhiêu chưa đủ để họ "an cư lạc nghiệp" bởi nỗi ám ảnh về bệnh tật cứ đeo bám khi số người trong xóm mắc bệnh ung thư tăng dần.

Tiếng khóc ở “làng ung thư”

Một Thế Giới | 15/07/2015, 08:17

Hơn 13 năm kể từ khi bãi rác Đông Thạnh đóng cửa theo yêu cầu của UBND TP.HCM (năm 2002), trở lại nơi đây, chúng tôi nhận thấy cuộc sống người dân sung túc hơn, nhà cửa, đường sá sạch đẹp, nhiều trường học được xây cất khang trang, bãi rác được phủ xanh cây cỏ. Thế nhưng, bấy nhiêu chưa đủ để họ "an cư lạc nghiệp" bởi nỗi ám ảnh về bệnh tật cứ đeo bám khi số người trong xóm mắc bệnh ung thư tăng dần.

Sống mòn bên bãi rác

 Một số người chúng tôi gặp trước đây, nay đã mất, trong đó có ông Thái Văn Thâu - nguyên Phó ban nhân dân ấp 7, mất cách đây chưa đầy một tháng vì ung thư gan.

Men theo đường mòn dẫn vào khu giãn dân cách bãi rác một cây số, chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Gái (SN 1954, nhà số 200/12/7, ấp 7), người vừa được phẫu thuật bỏ ngực trái do ung thư vú. Bà Gái cho biết, đầu năm 2014, bà phát hiện bệnh và đến Bệnh viện Ung Bướu điều trị. Sau khi phẫu thuật đoạn nhũ, bác sĩ yêu cầu tái khám định kỳ. Mắt đỏ hoe, bà buồn bã cho biết, hiện nay vú phải lại đau như vú trái lúc trước, bà lo sợ bị di căn, bởi nhà không có tiền. Đợt mổ vừa rồi bà phải vay 10 triệu đồng từ Hội Phụ nữ xã...

Cách nhà bà Gái chừng l00m là nhà bà Nguyễn Thị Diệu (nhà số 92B, ấp 7). Chồng bà, ông Nguyễn Quận (SN 1947), mất hơn nửa năm vì u não. Thắp nén nhang cho chồng, mắt ngấn nước, bà nhớ lại: "Những ngày cuối đời, bệnh hành hạ ổng đau đớn lắm. Ổng phát bệnh từ năm 2010, mổ ba lần thì di căn qua phổi, gan và mất". Bà Diệu bị cục u trên lưng, thỉnh thoảng gây đau nhức nhưng do khó khăn, bà không dám đi khám vì sợ phát hiện bệnh.

Nhà bà Nguyễn Thị Bảo (SN 1937, nhà số 83, ấp 7) cách nhà bà Diệu vài căn. Bà Bảo bị ung thư hang vị giai đoạn 2, phải cắt 2/3 dạ dày. Nhờ phát hiện sớm nên bà Bảo giữ được mạng sống. Cũng ngụ tại ấp 7, bà Lê Thị Thủy (SN 1961) bị u phế quản và phổi. Cầm hồ sơ bệnh án trên tay, bà Thủy nghẹn ngào: "Khối u nằm gần mạch máu nên không mổ được, đã hóa trị sáu lần, mỗi lần hóa trị mệt lắm, ăn uống không được nhưng không biết tế bào ung thư có bị triệt hết không”.

Rời khu giãn dân, chúng tôi ra đường Đặng Thúc Vịnh, ghé nhà ông Nguyễn Hồng Phúc (SN 1968, 179 Đặng Thúc Vịnh, ấp 7). Ông Phúc bị u gan từ năm 2012, phải cắt 1/3 lá gan. Nói về các trường hợp mắc bệnh ung thư, ông Phúc lắc đầu ngao ngán: "Khu này nhiều lắm, trong vòng bán kính chưa đầy 200m tính từ nhà tôi mà 5 năm nay có bảy người chết và đang chữa trị vì bệnh ung thư!". Ông Phúc cho biết, năm 2012, ông phát hiện u gan, cũng là lúc người hàng xóm, ông Nguyễn Văn Xướng qua đời vì ung thư vòm họng.

Danh sách các trường hợp mắc bệnh ung thư trong sổ tay của chúng tôi cứ dài thêm. Thật đau lòng khi nhiều người trong số họ là lao động chính. Họ mất đi để lại nỗi đau cho gia đình, nhiều đứa trẻ học hành dang dở, côi cút. Như ông Cao Tấn Sỹ (ngụ 49 Đặng Thúc Vịnh, ấp 7) phát bệnh ung thư sọ hấu, u tuyến yên khi là công nhân Công ty Công viên cây xanh. Gần 10 năm điều trị, người đàn ông này gầy còm, xanh xao, tài sản trong nhà cứ bán dần mà bệnh tình vẫn không khỏi. Cách đó không xa, là nhà bà Nguyễn Thị Hoàng (nhà số 87, ấp 7). Bà Hoàng đang điều trị ung thư cổ tử cung...

Những mầm non đau đớn

Có lẽ, không giọt nước mắt nào diễn tả được nỗi đau của các bậc cha mẹ khi chứng kiến con nhỏ ra đi vì căn bệnh này. Đây là thực trạng rất đáng báo động khi những trường hợp mắc ung thư có cả những em đang học tiểu học.

Cầm bức ảnh con gái trong bộ đồng phục học sinh, chị Phạm Thị Bình (nhà số 31, tổ 2, ấp 5) - mẹ bé Nguyễn Ngọc Bảo Trân (SN 2007) cho biết, cả nhà vừa về quê (tỉnh Bến Tre) để lo mộ phần cho bé. Bé mất được 100 ngày. Nước mắt chị chảy dài khi nhớ đến những ngày cận kề bên con gái. Bé Trân ra đi quá nhanh, từ lúc phát bệnh đến khi mất chỉ vỏn vẹn một năm. Tháng Tư năm 2014, chị đưa con đi khám khi con sốt đi sốt lại nhiều lần. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị không tin nổi khi nghe bác sĩ báo tin con bị ung thư máu. Hóa trị tám lần, bé khỏe, tóc mọc đều, vậy mà tháng Ba năm 2015 bé ra đi trong vòng tay mẹ. "Sợ quá, đau quá, giá như có tiền, tôi sẽ bán nhà đi nơi khác sống bởi môi trường ô nhiễm, cuộc sống bất an và không chỉ con tôi mà khi ở bệnh viện tôi đã gặp một số bé cùng xã đang điều trị ung thư , chị Bình chia sẻ.

Cạnh nhà chị Bình, gần cầu Rạch Tra là nhà bé Nguyễn Trần Hải Minh (SN 2004, nhà số 65/5, ấp 3). Bé Minh bị ung thư vòm hầu, phát hiện tháng Mười năm 2014. Mẹ bé, chị Trần Thị Sen lo lắng nói: "Bé đã hóa trị bốn lần, xạ trị 33 tia, sức khỏe tạm ổn, nhưng không biết những ngày tháng tới sẽ ra sao".

Rời nhà Hải Minh, chúng tôi ghé thăm bé Phạm Thị Thanh Thảo (SN 2004, nhà số 280/112, ấp 2). Bé Thảo bị u quái buồng trứng đã mổ lấy khối u vào tháng Hai năm 2015. Hiện tại sức khỏe bé tạm ổn, tiếp tục theo dõi, tái khám định kỳ. Cách nhà bé Thảo chưa tới 1 km, phía sau trường tiểu học mới xây Trần Văn Danh là nhà chị Phan Thị Phấn - mẹ bé Phan Đăng Trường (SN 2004, số 30/4, ấp 2). Bé Trường mất năm 2013 do ung thư sụn khớp. Nhìn di ảnh con và những trang giấy học trò với nét chữ ngay ngắn, chị Phấn đau xót nói: "Trường phát bệnh từ năm 2007, hóa trị, xạ trị nhiều lần nhưng không qua khỏi. Ngôi trường mới xây sát nhà, thằng bé chỉ học được một học kỳ..

Nói về trẻ nhỏ bệnh ung thư, cô Trần Thị Hồng Đào - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Đông Thạnh, H.Hóc Môn) nói: "Chỉ riêng lớp 1 cô Phường phụ trách, năm 2013 mất một em, năm sau lại mất một em nữa vì bệnh ung thư, khối lớp 5 thì có Hải Minh mắc bệnh. Thật đau xót".

Khởi kiện Tổng cục môi trường

Bãi rác Đông Thạnh đóng cửa từ năm 2002, thế nhưng hiện nay vẫn tiếp nhận chất thải nguy hại (CTNH) từ nhiều nơi đổ về. Nguyên nhân, năm 2005, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị được Sở Tài nguyên và môi trường TP phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý chất thải rắn nguy hại công suất 21 tấn/ngày. Tiếp theo đó, năm 2012, Tổng cục Môi trường cấp giấy phép cho công ty này vận hành hai lò xử lý CTNH trong bãi rác. Từ đó, mỗi ngày hàng trăm xe chở CTNH từ chất thải y tế đến chất thải độc hại của các nhà máy, xí nghiệp, công ty hóa chất... đổ vào bãi này. Đã có nhiều khiếu nại của người dân gửi đến chính quyền vì ô nhiễm từ bãi rác đe dọa cuộc sống của họ.

Nhiều lần khiếu nại khắp nơi về vấn đề ô nhiễm quanh bãi rác này, ông Trần Văn Ước (nhà Số 152, ấp 7) - đại diện nhiều hộ dân đã nhận được văn bản số 625 ngày 27/1/2015 của Sở Tài nguyên và môi trường TP. Sở này cho biết, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị hoạt động trên cơ sở giấy phép hành nghề quản lý CTNH mà Tổng cục Môi trường cấp. Sở này cho rằng CTNH được xử lý bằng phương pháp đốt, tro đốt được chôn lấp, các mẫu khí thải, nước thải và nước ngầm đều đạt quy chuẩn cho phép.

Ngày 6/3/2015, ông Ước làm đơn gửi Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM khởi kiện Tổng cục Môi trường vì đã ban hành công văn vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Cụ thể là công văn 1283 ngày 7/8/2013 cho phép Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị chôn lấp thí điểm CTNH mà không nêu rõ khi nào ngừng. Hiện vụ việc đã được TAND TP tiếp nhận đơn.

Cùng chung lo ngại với ông Ước, ông Nguyễn Văn Ba, nhà gần cầu Rạch Tra, bức xúc nói: "ống khói của lò đốt chất thải y tế chỉa thẳng vào khu dân cư, mỗi khi vận hành là mùi khó chịu xộc vào nhà. Đóng cửa bãi rác rồi sao lại cho tiếp nhận rác độc hại? Người dân nơi đây đã chịu quá nhiều thiệt thòi, bệnh tật rất nhiều do nước rỉ rác ngấm xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm. CTNH đổ về dù xử lý theo quy trình nào thì cũng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chưa kể hàng loạt vụ lén lút chôn CTNH bị cảnh sát môi trường phát hiện".

Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 11/2008, cảnh sát môi trường phát hiện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đưa 800 tấn CTNH về bãi rác chôn lấp chưa qua xử lý (phân tích cho thấy trong số CTNH có nhiều thành phần độc hại). Đến tháng 9/2011, Cục Cảnh sát môi trường (C49) phát hiện khoảng 40 tấn bùn nhiễm thuốc trừ sâu được chôn lấp sai quy định tại đây.
Mới đây, ngày 11/4/2015, C49 tiếp nhận đơn tố giác của người dân về việc hơn 1.300 tấn bùn nhiễm thuốc trừ sâu được chôn lấp, đổ, thải sai quy định tại bãi rác. Ngày 9/7/2015, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường - Đại tá Dương Văn Linh đã có thông báo về việc chuyển tin tố giác của người dân. Cụ thể, toàn bộ hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển cho UBNDTP và Sở Tài nguyên và môi trường TP giải quyết, bởi các đơn vị này có chức năng giám sát việc vận chuyển, xử lý, lưu giữ CTNH tại công trường này.

Thu Hồng/ Phụ nữ TPHCM

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếng khóc ở “làng ung thư”