Nhân kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18.5), Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL) tổ chức Workshop “Sinh vật biến đổi gen và cuộc sống”.
Tiềm năng rất lớn
Hiện các cuộc thảo luận về công nghệ biến đổi gen vẫn đang được diễn ra rất sôi nổi trên thế giới. Châu Mỹ vẫn là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ gen vào sản xuất. Ở các nước khác có sự chuyển dịch từ từ theo hướng chấp nhận công nghệ.
Dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng ngô, đậu tương và những sản phẩm từ đậu tương khá lớn.
Theo GS.TS Lê Huy Hàm (Trưởng Khoa Công nghệ Nông nghiệp – Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), các nhà khoa học đã tính được rằng công nghệ sinh vật biến đổi gen được cho 199 điểm, cho thấy tiềm năng về công nghệ gen rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.
GS.TS Lê Huy Hàm cho biết năm 1996 được coi là khởi đầu của kỷ nguyên sử dụng sinh vật biến đổi gen cho sản xuất nông nghiệp với 1 triệu hecta ngô biến đổi gen đầu tiên được trồng tại Hoa Kỳ. Đến nay, hàng tỉ hecta cây trồng biến đổi gen đã được trồng ở nhiều nước trên thế giới, hàng chục tỉ tấn lương thực đã được làm ra và tiêu thụ.
Cây trồng biến đổi gen giúp đảm bảo đa dạng sinh học, tăng thu nhập của nông dân, giảm khí thải cacbon… Hiện nay, những giống cây trồng biến đổi gen được đưa vào sản xuất, chủ yếu là ngô, bông, khoai tây, cải dầu, đậu tương…
Về an toàn sinh học cây trồng biến đổi gen từ thực tế sử dụng, GS.TS Lê Huy Hàm cho biết sản phẩm cây trồng biến đổi gen được sử dụng rộng rãi từ năm 1996, đến nay đã 26 năm. Trong văn y chưa ghi nhận các trường hợp rủi ro do cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen gây ra…
Tính an toàn của cây trồng biến đổi gen
Liên quan đến “An toàn sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng: nhìn từ góc độ khoa học”, theo GS.TS Nông Văn Hải (Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), có 2 phương pháp chuyển gen, bao gồm trực tiếp (vật lý, hóa hóa, khác) và gián tiếp (dùng các vi sinh vật như A.tumefaciens, A.rhizogenes, virus-mediated).
Theo đó, khi chuyển vào cây, chúng ta phân tích đánh giá cây trồng theo nhiều hướng, gồm nghiên cứu đặc tính phân tử (phân tích hệ gen, phân tích hệ gen phiên mã, phân tích hệ trao đổi chất, phân tích protein); truy vết (giám định) GMO… Hướng rất quan trọng về khoa học là phải đánh giá được khả năng gây dị ứng; nghiên cứu độc học.
GS.TS Nông Văn Hải cho rằng nghiên cứu công nghệ gen nói chung phải có sự hợp tác và giúp đỡ của các nhà khoa học quốc tế.
Cũng tại Workshop, theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Tổng thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam), trong quá trình nghiên cứu này có sự cộng tác chặt chẽ của các nhà di truyền học và các nhà vi sinh vật học.
Dẫn chứng về giống ngô chuyển gen (chủng Bt) đưa vào Việt Nam giúp cho ngô chống lại sâu bệnh, GS.TS Nguyễn Lân Dũng phân tích rằng gen Bt được lấy từ một vi khuẩn, bên cạnh bào tử có một tinh thể độc, là một protein nhưng chỉ gây độc cho sâu hại, không gây độc cho người.
Như vậy, GS.TS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Vi sinh vật với tư cách là nguồn gen quý hiếm được đưa vào công cuộc chuyển gen này. Các nhà vi sinh vật học đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp cây trồng chuyển gen”.
Vị GS cũng cho biết chúng ta đang tập trung chủ yếu vào cây ngô bởi đây là loại cây được dùng làm thức ăn chăn nuôi, diện tích trồng ngô cũng đang được mở rộng và mong muốn đạt được 8,5 triệu tấn phục vụ thức ăn chăn nuôi.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, bắt đầu từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp Giấy phép khảo nghiệm trên diện hẹp, tiếp theo là khảo nghiệm diện rộng cho 5 sự kiện ngô biến đổi gen. Cuối tháng 8.2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức có các Quyết định về công nhận các sự kiện ngô chuyển gen đủ điều kiện, và được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam.
Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các Quyết định phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 3 sự kiện ngô biến đổi gen. “Đây là bước phát triển pháp lý quan trọng, nhằm tiến tới mục tiêu thương mại hóa và chính thức ứng dụng vào sản xuất đại trà cây ngô biến đổi gen”, GS Dũng nói.
Tuy nhiên, GS Dũng cũng chỉ ra rằng các thông tin về cây trồng biến đổi gen đối với người nông dân còn rất hạn chế; hầu hết bà con nông dân ở Việt Nam chưa hiểu rõ về cây trồng biến đổi gen, tính an toàn và tác dụng của chúng.