“Nếu không có hồ thủy điện Đăk Mi 4 thì toàn bộ lượng nước trong mưa lũ đã tràn xuống khu dân cư từ trước khi nó xả”.

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ giữa tâm bão, Bộ Công Thương nói gì?

Tuyết Nhung | 29/10/2020, 20:04

“Nếu không có hồ thủy điện Đăk Mi 4 thì toàn bộ lượng nước trong mưa lũ đã tràn xuống khu dân cư từ trước khi nó xả”.

Liên quan đến việc hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả tràn giữa lúc siêu bão đổ bộ khiến Quảng Nam đối mặt với trận lũ lịch sử, đại diện Bộ Công Thương vừa cho biết ngày 28.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay lũ trên sông Vu Gia lên rất nhanh. Mực nước lúc 16 giờ ngày 28.10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55m - dưới báo động 2 là 0,25m.

c627c881-fc6a-48b3-a3f9-c0b32a126ef6.jpeg
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ - Ảnh: Tuyết Nhung

Trong tình huống khẩn cấp đó, để đảm bảo an toàn cho hạ du, Công ty CP Thủy điện Đak Mi (chủ đầu tư công trình thủy điện Đak Mi 4) đã cập nhật, báo cáo kịp thời với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan để vận hành điều tiết xả nước, đã cho xả tràn ở mức 5.100m3/s để có thêm dung tích tiếp nhận nước lũ vào lòng hồ.

Chiều ngày 28.10, lượng nước lũ tiếp tục đổ về hồ thủy điện ở mức lớn hơn. Theo Báo cáo của cơ quan chức năng, lúc 15 giờ 45 phút ngày 28.10, đỉnh lũ về hồ thủy điện Đak Mi 4 đạt mức 15.571m3/s, Thủy điện Đak Mi 4 đã tăng lưu lượng xả tràn lần 2 ở mức 7.074m3/s

Với tổng lưu lượng xả qua công trình/lưu lượng đỉnh lũ về hồ là 7.074/15.571m3/s, Đak Mi 4 đã cắt được hơn 8.000m3/s, tương đương trên 50% lưu lượng đỉnh lũ.

Cùng thời điểm đó, nhánh sông có thủy điện A Vương, Sông Bung 4 đã chủ động điều tiết, hạ mức nước hồ xuống để ứng phó với cơn bão số 9. Cụ thể:

Lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thủy điện A Vương là 1.156/315m3/s, cắt giảm trên 800m3/s, tương đương giảm 72,7% lưu lượng đỉnh lũ.

Lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thủy điện Sông Bung 4 là 1.769/161, cắt giảm trên 1.600m3/s, tương đương giảm 90,8%% lưu lượng đỉnh lũ.

Lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thủy điện Sông Tranh 2 là 9.868/4.386m3/s, giảm trên 5.400m3/s, tương đương giảm 55,55% lưu lượng đỉnh lũ

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có Đak Mi 4, cùng các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và và quy trình vận hành an toàn, nghiêm ngặt thì vùng Đại Lộc và hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên trên mức báo động 3, có thể vượt mức lũ lịch sử năm 2009 vài mét và không loại trừ xảy ra thảm họa.

Cách mà Đak Mi 4 và một số hồ thủy điện nói trên “gánh” một phần lũ cho hạ du, Bộ Công Thương giải thích: “Thủy điện là một dạng hồ chứa dùng để điều tiết nước kết hợp với phát điện. Khi mưa lũ, thủy điện có nhiệm vụ tích nước, lượng nước nó tích chính là lượng lũ giảm đi nhờ hồ thủy điện.

Nếu mưa lũ tiếp tục, đến một ngưỡng thứ nhất, gọi là ngưỡng xả, hồ thủy điện bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ sẽ xả nước với lưu lượng lớn hơn, nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là lượng nước xả không vượt quá mức nước lũ về hồ thủy điện. Nếu không có hồ thủy điện, thì toàn bộ lượng nước trong mưa lũ đã tràn xuống khu dân cư từ trước khi nó xả”.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết một số hồ thủy điện đã phát huy tác dụng cắt, giảm lũ cho hạ du với tổng lưu lượng xả qua công trình trên lưu lượng đỉnh lũ về hồ như Hồ Quảng Trị là 1.130/1.426m3/s; Hồ Hương Điền là 2.500/4.552m3/s; Hồ Bình Điền là 1.873/3.248m3/s; Hồ Sông Bung 4 là 1.873/3.248m3/s; Hồ Sông Tranh 2 là 1.501/1.884,8m3/s

“Có thể nói, trong trận lũ vượt mức lịch sử tại miền Trung vừa qua, nhờ chủ động nắm bắt kịp thời thông tin dự báo về khí tượng, thủy văn; dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp thẩm quyền, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện tại đây cơ bản an toàn, không gây tác động bất lợi cho hạ du, đặc biệt là các hồ chứa vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã góp phần cắt giảm lũ”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Trước đó, ngày 26.10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Bộ Công Thương) đã có văn bản số 8080 về ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9. Trong đó, yêu cầu các chủ đập “Tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn để chủ động vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt, giảm, làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện”.

Hiện các chủ hồ thủy điện tiếp tục được yêu cầu chủ động dự báo thủy văn, báo cáo thường xuyên cho chính quyền các địa phương; thực hiện nghiêm quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa; điều tiết nước hợp lý để giảm thiểu tình trạng lũ chồng lũ cho vùng hạ du.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ giữa tâm bão, Bộ Công Thương nói gì?