Hỏng, hỏng bét! Nhiều người có lẽ đã phải bất bình như cụ Tú Xương ngày xưa mà ca thán về “cái học” hay “đạo học” ngày nay, khi có quá nhiều điều tiêu cực, kém cỏi, lạc hậu cứ hiện ra dần ...
Có thể đó là những nhận định bi quan, nặng nề. Nhưng lạc quan sao được trước không ít tình trạng thầy không ra thầy, trò không ra trò, phụ huynh không ra phụ huynh? Lạc quan sao nổi khi thầy dùng nhục hình, cho học trò tát bạn thật đau đến hàng trăm cái, còn phụ huynh thì nhục mạ, bắt cả cô giáo phải quỳ gối xin lỗi khi phạt học trò? Còn về phía học trò thì tình trạng bạo lực, bắt nạt, đâm chém, hành hạ nhau tràn lan, đến nỗi các phương tiện truyền thông cứ thi nhau mà báo động?
Học thì nặng nề, chỉ cốt học vẹt, nhồi nhét kiến thức. Thi cử thì gian lận đến cả cấp phòng giáo dục, mà không chỉ ở một tỉnh. Ngay từ cấp... mẫu giáo đã có hiện tượng ăn hối lộ để chạy trường, còn việc chạy điểm, chạy bằng thì hầu như nơi nào cũng có. Chẳng biết hiện tượng tiêu cực chỉ có thể thấy ngoài xã hội như bán dâm có diễn ra thường xuyên hay không mà ở dưới mái học đường có hẳn một quy định răn đe sinh viên về việc này...
Dường như trong cả hai nhiệm vụ, đào tạo cho học trò “nên người” và truyền thụ kiến thức, thì ngành giáo dục của nước ta hiện nay đều có vấn đề. Đó có lẽ nguyên nhân chính của việc học trò trong nước hiện nay ồ ạt đi du học, điều mà dân gian nôm na mà thâm thuý gọi là “tị nạn giáo dục”.
Thời của cụ Tú, mặc dù là giao thời của Nho học và Tây học, là thời mà ông than là “Đạo học ngày nay đã hỏng rồi”, thì tinh thần nhân bản trong giáo dục và khả năng đào tạo nhân tài cho đất nước vẫn có vẻ ăn đứt thời nay. Ông thầy, dù dạy trong làng trong xóm với mấy bộ sách thánh hiền và... một cây roi mây, vẫn được tôn sư trọng đạo hết mực. Vì sao quan niệm “huấn nhục”, “thương cho roi cho vọt”... ngày trước cũng khá “bạo lực”, nhưng không thấy xã hội phản ứng như cách dùng nhục hình tát hàng chục, hàng trăm cái như bây giờ? Sự khác biệt có lẽ ở “cái tâm” người thầy cô sử dụng hình phạt: người thì muốn trẻ “nên người”, người thì chỉ muốn “đạt chỉ tiêu thi đua” (!)
Thử hỏi những đứa trẻ bị tát và tát bạn theo lệnh có thể “nên người” nổi hay không, một khi ngay lòng trắc ẩn còn bị tiêu trừ, khi “cái ác” lại được nhân bội lên bằng những cái tát thật lực trong tâm thức các em? Cần phải nói thêm rằng trong một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học giáo dục Mỹ thì những hiện tượng bạo hành, bắt nạt... xảy ra không chỉ có tác động tới tâm lý, tính cách của các em khi còn nhỏ mà nó còn ảnh hưởng đến các em khi đã trưởng thành, thậm chí suốt đời...
Người thầy hiện giờ dường như ít còn được sự tôn trọng ấy, dù hàng năm người ta vẫn tổ chức rình rang ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong mắt của nhiều phụ huynh, những người thầy tận tâm, trong sáng, luôn hết mình vì thế hệ tương lai dường như càng ngày càng không phổ biến, tiêu biểu, mà hiện tượng sách nhiễu, ép buộc học trò học thêm học bớt không phải là không phổ biến (có thể nêu điển hình điều này ở quy định cấm dạy thêm có lúc được đưa ra ở TP HCM).
Nhà trường, môi trường nhân bản, lý tưởng nhất, có lẽ chỉ sau tôn giáo, đang bị cái xấu, cái ác, cái thực dụng của xã hội xâm thực. Nhiệm vụ của ngành giáo dục hiện nay trước mắt là phải trả lại sự trong sáng, lý tưởng, nhân văn cho môi trường này trước khi nghĩ đến việc đào tạo cho các em trở thành những tài năng. Những vụ “đại án” gần đây cho thấy những người càng có chuyên môn, học thuật giỏi mà vô đạo thì càng có khả năng gây hại lớn cho xã hội.
Tất nhiên, số đông các thầy cô giáo có thể vẫn là những bậc “chân sư” đáng kính, nhưng điều cần thiết vẫn phải nâng cao cái tâm, cái tầm cho đội ngũ sẽ vẽ nên diện mạo tương lai của đất nước này...
Đoàn Đạt