Cà phê CK cuối tuần này lại dậy sóng. Không phải vì các đại gia ngân hàng xộ khám hay các tướng công an ra tòa. Cũng không phải vì bão số 9 vừa càn quét Đông Nam Bộ hay Việt Nam đứng đầu vòng loại bảng A của AFF, chưa bị lọt lưới bàn nào.

Không thấy giáo, chỉ toàn dục

03/12/2018, 12:22

Cà phê CK cuối tuần này lại dậy sóng. Không phải vì các đại gia ngân hàng xộ khám hay các tướng công an ra tòa. Cũng không phải vì bão số 9 vừa càn quét Đông Nam Bộ hay Việt Nam đứng đầu vòng loại bảng A của AFF, chưa bị lọt lưới bàn nào.

Ảnh: Khều

Cũng không phải chuyện máy bay Vietjet Air bị rơi mất 2 bánh trước hoặc tòa kết án tử hình “Tài mụn”, kẻ đâm chết 2 hiệp sĩ đường phố… Cả nhóm tập trung vào chuyện nhỏ, dù không chết ai nhưng hậu quả khôn lường. Đó là chuyện 231 cái tát dành cho một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình.

Có người gọi đó là những cái tát vào mặt xã hội. Cả nạn nhân lẫn thủ phạm đều phải nhập viện. Nạn nhân thì sưng hai má, răng lung lay, nhức đầu và hoảng loạn. Thủ phạm thì sốc tâm lý, sợ tiếp xúc với người lạ. Hiệu trưởng mất ăn mất ngủ vì sợ trường sẽ không được công nhận chuẩn quốc gia đợt này. Bộ trưởng thì bảo “rất buồn”. Nói vậy thì cả xã hội vui chắc? Bộ trưởng còn kết luận đó là “vi phạm đạo đức nhà giáo”. Ai chẳng biết vậy, kể cả đám dân đen thất học.

Cả nhóm giận dữ. Nhiều đứa không ngủ được vì tức nên quên mất việc uống cà phê, tranh nhau có ý kiến, làm loạn cả quán. Chủ quán phải năn nỉ các "cựu chiến binh" là “Nói nho nhỏ cho em nhờ. Các bác làm thế quán em mất hết khách”. Có mấy khách khó chịu vì thấy nhóm ồn ào hơn cả khách Trung Quốc. Số đông hơn thì tò mò, lắng nghe rồi xin dự khán, kể cả chủ quán. Cứ như một phiên tòa của nhân dân nhưng không thấy bị cáo.

Thằng Chính thông tin là cả hai nhân vật chính đều đã xuất viện. Gia đình nạn nhân đồng ý bỏ qua cho thủ phạm. Còn công an đang chuẩn bị khởi tố cô giáo chủ nhiệm. Phòng và Sở đang bàn việc kỷ luật cô giáo tát học trò. Thật ra, cô chỉ tát cái cuối cùng, còn 230 cái tát trước là của các bạn trong lớp chia đều.

Thằng Dũng cắt ngang “Không thể bất công như thế. Cô giáo chỉ là người thừa hành, là tòng phạm, thậm chí là nạn nhân. Thủ phạm chính là hệ thống giáo dục không bình thường, là bệnh thi đua, chạy theo các chỉ tiêu tai hại. Phải xử cả hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục huyện và giám đốc Sở. Còn Bộ trưởng thì cách chức vì không chịu từ, dù rất nhiều người gợi ý, thuyết phục nhưng bất thành. Lòng tự trọng hình như đã thành hàng cực hiếm của cán bộ quản lý cả đất nước, chứ không riêng gì ngành giáo dục.

Các “công tố viên” tự phong liên tục “nã pháo” tấp tập. Ai đời chuyện tày đình như vậy mà hiệu trưởng còn năn nỉ báo chí đừng làm to chuyện vì trường sẽ không được công nhận đạt chuẩn quốc gia, mà nhà trường đã tốn bao công sức và cả tiền bạc gây dựng, làm ảnh hưởng đến thành tích của ngành trong huyện và tỉnh.

Động trời hơn, cô giáo này từng có nhiều “thành tích bạo lực” với học sinh ở trường cũ, phụ huynh nào cũng ngán ngại. Chỉ trong 3 tháng gần đây, cô đã tặng cho học sinh lớp mình chủ nhiệm hơn 900 cái tát và chưa có em nào phải nhập viện. Guinness thế giới phải công nhận và đưa vào kỷ lục vô đối ngay cho thiên hạ kinh hoàng chơi. Đố nước nào cạnh tranh được.

May mà lần này nạn nhân phải nhập viện nên vụ việc mới vỡ lở. Mấy lần trước, học sinh tự đau mình ên, cha mẹ cũng không hay. Dân Quảng Bình chịu đòn giỏi thiệt. Gần 1.200 cái tát cô chủ nhiệm mượn tay học trò "tặng" cho nhau trong 3 tháng mà các bậc phụ huynh không hay biết gì thì quá lạ. Chuyện này cũng kỷ lục thế giới luôn. Chắc các bậc cha mẹ ở đó nghĩ giao con cho nhà trường là xong. Thầy cô có là phù thủy cũng mặc, miễn là chưa phải nhập viện. Rồi các thầy cô khác chẳng lẽ cũng “mù lâm sàng, điếc bẩm sinh, chột cảm xúc” hết hay sao mà không biết học trò mình bị hành hạ như vậy.

Học trò hư đốn, thầy cô giận quá, tát một vài cái còn hiểu được. Đằng này, gần 1.200 cái tát. Cô hèn tới mức phải mượn tay học trò hành hạ nhau theo ý mình. Chỉ vì lỡ nói tục ngoài sân, bị Sao Đỏ rình, ghi vào sổ, báo cáo cô. Thế là lãnh đủ. Xử kiểu đó thì những người lớn mở miệng là chửi thề phải bỏ tù chung thân mới công bằng. Ai dạy các em đi rình rập các bạn rồi méc lại với thầy cô để thi đua. Ai là tác giả của cách làm sai trái, hoàn toàn phản giáo dục này? Giáo dục thế nào mà mấy chục học sinh tham gia tát vào mặt bạn mình một cách vô lý mà không em nào dám phản kháng. Chí ít là báo với các thầy cô khác hoặc cha mẹ để can ngan. Thật không hiểu nổi. Giáo dục như vậy, xã hội không nhiễu nhương mới lạ.

Có gì mà không hiểu. Thằng Đức phán “Nhân nào thì quả đó. Cái gì cũng có nguyên do. Giáo dục như thế thì giáo viên và học sinh như thế. Không có nước nào mà chuyện trẻ em bị ngược đãi ngay trong nhà trường nhiều như Việt Nam. Từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học. Báo chí vừa đăng hình một học sinh mẫu giáo ở Nam Định bị buộc dây vào cổ như thòng lọng, treo lên cửa sổ vì tăng động. Cũng không có nước nào mà lãnh đạo ngành lại làm lắm chuyện tào lao xí bụp như Việt Nam. Từ dự thảo “Phạt các thầy cô từ 10 – 30 triệu nếu mắng hoặc đánh học sinh” đến việc “Buộc thôi học sinh viên bán dâm lần thứ 4”. Từ chuyện cử giáo viên nữ đi tiếp khách mời bia đến chuyện gạ tình đổi điểm… Toàn chuyện độc lạ, vô đối, kỷ lục thế giới.

Con Ngọc mượn câu nói của Nelson Mandela được viết tại cổng trường Đại học Nam Phi, như lời nhắc nhở thống thiết: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong thi cử”.

“Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ dỏm. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư tồi. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán lưu manh. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo xằng bậy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán ba trợn...”.

“Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”. "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới”. Nghe mà giật mình thon thót. Tất cả đều do giáo dục mà ra.

TRẦN TRUNG DÂN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thấy giáo, chỉ toàn dục