4 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 52.000 tỉ đồng. Đồng thời, có 350 đơn tố cáo liên quan đến bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng).

Có hơn 350 đơn tố cáo liên quan đến bancassurance

Tuyết Nhung | 05/05/2023, 20:49

4 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 52.000 tỉ đồng. Đồng thời, có 350 đơn tố cáo liên quan đến bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng).

Chiều 5.5, Bộ Tài chính đã thông tin về thị trường bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối tháng 4, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 75.338 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tính đạt 23.289 tỉ đồng, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 52.049 tỉ đồng, chỉ tăng vỏn vẹn 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, 4 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả ước đạt 23.521 tỉ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7.417 tỉ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 16.104 tỉ đồng.

Cũng đến cuối tháng 4, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 849.411 tỉ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỉ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 730.540 tỉ đồng.

"Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708.373 tỉ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỉ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 642.816 tỉ đồng", Bộ Tài chính thông tin.

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 552.325 tỉ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỉ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 518.402 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong thời gian qua, ngay sau khi nhận được các thông tin và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, bộ đã có các công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Cơ quan này cũng làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật.

Về thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, tính đến ngày 25.4.2023, tổng số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email; phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng). Thanh tra bộ đã chủ trì buổi tiếp dân với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm làm việc với 5 công dân đại diện cho nhóm người đến Bộ Tài chính.

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) được các doanh nghiệp xem là kênh phân phối tiềm năng trong tương lai, bên cạnh kênh đại lý. 

Thời gian qua, doanh thu từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng tăng trưởng tốt. Nhưng chi phí bán hàng cũng ngày càng tăng và không hề thấp hơn kênh đại lý như những gì doanh nghiệp từng nghĩ.

Doanh thu phí tăng trưởng đáng kể, nhưng cùng với đó chi phí cho kênh bancassurance cũng bị đẩy lên cao, mất đi lợi thế “giá rẻ” vốn có. 

Chi phí bán bảo hiểm ngân hàng bao gồm hoa hồng cho đối tác và các loại chi phí liên quan khác đang bị kêu là cao, đặc biệt ở các hợp đồng độc quyền được ký giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.

Chi phí cho kênh bancasurrance bị đẩy lên cao, theo phân tích của một số doanh nghiệp, có liên quan trực tiếp đến những bất cập của hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Chi phí cho kênh bancassurance ngày một tăng đang khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm “chùn tay” trong ký hợp đồng độc quyền, dù kênh phân phối này được kỳ vọng sẽ đóng góp tới 40 - 50% tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm trong tương lai. 

Về công tác thanh tra, kiểm tra, bộ đã tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 theo kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra trong quý 2, quý 3/2023.

Về xử phạt vi phạm hành chính, bộ đã rà soát, sửa đổi bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bancassurance trong quá trình sửa đổi, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bộ đang triển khai và trình Chính phủ ban hành.

Bài liên quan
Bộ Tài chính yêu cầu MVI rà soát hợp đồng bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan
Bộ Tài chính có công văn yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm với diễn viên Ngọc Lan, và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có hơn 350 đơn tố cáo liên quan đến bancassurance