Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo trong nước.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để có giải pháp phù hợp

Tuyết Nhung | 21/09/2022, 23:59

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo trong nước.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 6263 ngày 21.9 về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tác động đến việc sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Công văn nêu rõ, ngày 15.9, Báo Kinh tế Sài Gòn có nêu: "Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo?": Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm. Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ). Nguyên nhân chính là do Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực...

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu bài báo nêu trên để theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ.

Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ được công bố ngày 8.9 vừa qua, hiệu lực từ ngày 9.9. Các lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15.9 nếu đáp ứng được một số điều kiện về thủ tục. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.

Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm 40% thị phần quốc tế. Khách hàng chính của nước này là các nước châu Á và châu Phi. Các lệnh cấm và việc áp thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 60% khối lượng xuất khẩu.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần.

Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Vì vậy, quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể là cơ hội để Việt Nam và Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỉ USD (tăng gần 10% so với cùng kỳ) và 4,8 triệu tấn (tăng 20,7%). Trong đó, thị trường Philippines đạt 2,3 triệu tấn, tăng 49% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với sản lượng nhập khẩu 520.000 tấn.

Bài liên quan
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan, vươn lên dẫn đầu thế giới
Khoảng 1 tháng qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vươn lên dẫn đầu thế giới. Đây là thông tin phát ra từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để có giải pháp phù hợp